Nguy cơ bùng phát đậu mùa khỉ tại Việt Nam không cao nhưng cần giám sát chặt

Với thủy đậu, dịch sẽ bùng phát rất mạnh, lây lan ra cả cộng đồng. Trong khi, đậu mùa khỉ như ghi nhận tại Việt Nam chỉ có những ca lẻ...

 

Ngày 1/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo ghi nhận thêm 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) cư trú trên địa bàn. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh.

Trước đó, ngày 28/9, bệnh nhân nam 34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với virus Mpox. Bệnh nhân hiện đang cách ly điều trị. 

HCDC đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh. Bệnh nhân không tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Những trường hợp tiếp xúc gần cũng đang tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sẽ báo ngay cho trạm y tế. Hiện những người này có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. 

Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, trường hợp bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trước đó tạm trú trên địa bàn thành phố (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp gần với người này tại Bình Dương đã mắc thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh.

Đáng chú ý, các ca mắc đậu mùa khỉ đều khởi phát tại địa phương và chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài, hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. 

Người nhà bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương cũng đang được cách ly, theo dõi. (Ảnh: YT)Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong điều tra dịch tễ cũng từng có những trường hợp mắc bệnh mà không phát hiện được nguồn lây, nguồn bệnh. Có những “yếu tố khó” trong điều tra dịch tễ vì bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây tình cờ, hay người từng mắc bệnh đã khỏi và không hề biết mình từng mắc bệnh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân không khai báo y tế, giấu bệnh. 

Ông Trần Đắc Phu khẳng định: “Để xác định bệnh lây từ đâu, lây theo hình thức nào phải được xác định qua điều tra dịch tễ kỹ càng. Điều cần làm là tiếp tục điều tra và quan trọng là giám sát tiếp các trường hợp tiếp xúc với những ca mắc bệnh này. Đồng thời, rà soát để phát hiện những ca mới trong cộng đồng để có những biện pháp phòng, chống, không để dịch lây lan”.

Đánh giá nguy cơ bùng phát dịch 

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện từ năm 1958, song chủ yếu phát hiện và lây nhiễm ở động vật gặm nhấm. Sau đó, lây từ động vật gặm nhấm sáng người. Tiếp đó, người trở thành nguồn lây bệnh từ người sang người. 

Đậu mùa khỉ phần lớn lưu hành ở châu Phi, như một số căn bệnh như Ebola, sốt vàng… Ở các nước khác ngoài khu vực có ghi nhận các ca bệnh xâm nhập và thường không bùng phát thành dịch. 

Năm 2022, châu Âu cũng xuất hiện những ca mắc đậu mùa khỉ, làm dấy lên nhiều lo ngại. Bệnh có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, như giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân và những lây nhiễm ghi nhận ở châu Âu là qua quan hệ tình dục, đặc biệt những nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

“Năm 2022, khi đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Âu, một số nước châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng dịch như COVID-19. Tuy nhiên, thực tế, dịch bệnh đã không bùng phát mạnh, vẫn chỉ lây trong cộng đồng hẹp và triệu chứng không nặng như đậu mùa trước đây. Đến năm nay, dịch chỉ lây nhiễm trong một cộng đồng hẹp và không bùng phát qua mạnh ngoài khu vực châu Phi”, ông Phu đánh giá. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Báo cáo tình hình số ca mắc Mpox vào ngày 14/8/2023 thì đến ngày 11/9/2023, WHO đã nhận được báo cáo về 1.131 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh Mpox và 5 trường hợp tử vong mới. WHO ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh Mpox mới ở Thái Lan và Trung Quốc. Hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa qua đã xếp đậu mùa khỉ là bệnh nhóm B

Trước việc xuất hiện các ca đậu mùa khỉ khởi phát bệnh trong nước hiện nay, ông Phu khuyến cáo các địa phương thực hiện giám sát, rát soát để phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch, đồng thời không nên phản ứng thái quá mà triển khai những đầu tư không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh đang lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu… Cần truyền thông để người dân không hoang mang và biết được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân mình.

“Ban đầu, các nước cũng rộ lên vấn đề tiêm vaccine và dự trữ vaccine. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề vaccine không còn “nóng” nữa. Theo tôi đánh giá, Việt Nam cũng không phải là nước lưu hành dịch đậu mùa khỉ và đánh giá nguy cơ bùng dịch không cao… Do vậy, về rủi ro và lợi ích, thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vaccine và người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch, đánh giá đúng và đáp ứng đúng nguy cơ”, ông Phu nhấn mạnh.

Phòng bệnh như thế nào?

Đậu mùa khỉ là bệnh nhiễm trùng, có gây sốt, sau đó sẽ xuất hiện nổi hạch và các nốt phỏng nước. Những nốt phỏng nước này khi vỡ ra sẽ có dịch tiết làm lây lan bệnh. Với đậu mùa khỉ, các nốt sẽ xuất hiện ở vùng mặt sau đó lan sang các khu vực xung quanh. 

So với thủy đậu, đậu mùa khỉ có triệu chứng khá giống nhau. Để phân biệt, đậu mùa khỉ có xuất hiện hạch còn thủy đậu người bệnh không lên hạch nhiều. Đậu mùa khỉ xuất hiện từ mặt và vết rỗ sâu hơn. Để xác định cũng cần kết hợp yếu tố lâm sàng và yếu tố dịch tễ. Với thủy đậu, dịch sẽ bùng phát rất mạnh, lây lan ra cả cộng đồng. Trong khi, đậu mùa khỉ như ghi nhận tại Việt Nam chỉ có những ca lẻ. 

Các biện pháp phòng dịch cơ bản, phòng dịch lây từ giọt bắn là đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, rửa sạch các vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ em… để “một mũi tên phòng được nhiều mục đích, nhiều bệnh” như COVID-19, cúm, tay chân miệng… 

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đi khám và thực hiện xét nghiệm. Đặc biệt, những người có yếu tố dịch tễ là đi từ vùng dịch ở nước ngoài về nước hay có tiếp xúc với những người mắc bệnh, hoặc người có triệu chứng nghi ngờ. Chỉ có thực hiện xét nghiệm mới có thể xác định có mắc đậu mùa khỉ hay không, bởi một số bệnh sẽ có triệu chứng sốt, phát ban tương tự như bệnh thủy đậu, zona…

“Đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6-12 ngày và thời gian cách ly được áp dụng trong khoảng thời gian gấp đôi giai đoạn ủ bệnh. Do vậy, theo tôi, thực hiện cách lý 21 ngày như châu Âu đang áp dụng là phù hợp. Bệnh lây do tiếp xúc gần, nên cách ly để cắt đứt nguồn lây là rất quan trọng. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh nên cần thực hiện cách ly theo 2 yếu tố. Thứ nhất là cách ly bệnh nhân và thứ hai là những người tiếp xúc với bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc”, ông Trần Đắc Phu nói.

Thiên Bình/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận