Tái định cư, di dời hạ tầng kĩ thuật: Lực cản kép kéo tiến độ cao tốc Bắc Nam

  • 29/09/2023 02:00:00
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Bên cạnh nguyên vật liệu, những vướng mắc trong tái định cư, di dời hạ tầng kĩ thuật trở thành lực cản kép, kéo tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.

 

Còn nhớ tại thời điểm khởi công tháng 1/2022 hầu hết các địa phương đã bàn giao tối thiểu được 70% có nơi hơn 80% mặt bằng sạch, toàn bộ diện tích còn lại phải hoàn thành và bàn giao trong quý II/2023, thế nhưng hiện đã sắp bước sang quý 4/2023 số diện tích được bàn giao thêm vô cùng ít ỏi, không đạt mục tiêu mà Nghị quyết 18 đề ra.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao mặt bằng sạch phải kể tới, đó là tiến độ xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương còn khá chậm. Ông Chu Văn Long, Phó trưởng phòng điều hành dự án 4, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Trong đó, tại Quảng Trị đã phê duyệt dự án 7/9 khu tái định cư, đang chuẩn bị thi công 3 khu tái định cư; tại Quảng Bình có 4 khu tái định cư, nhưng hầu hết các dự án này đều đang ở bước phê duyệt hồ sơ thiết kế, còn rất nhiều việc phải làm như: lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật... Như vậy, mục tiêu việc hoàn thành các khu tái định cư trong năm nay là rất khó khả thi, nguy cơ dự án chậm tiến độ những tháng cuối năm đang hiện hữu/

Ông Chu Văn Long cho biết: "Về giải ngân đến thời điểm hiện tại đang bám sát, tuy nhiên có một khó khăn đó là công tác GPMB chậm thì kéo theo tiến độ giải ngân của GPMB sẽ chậm. Hiện tại công tác xây lắp của dự án đang phải gánh cho mặt bằng gần 500 tỷ đồng về giải ngân.

Nếu mặt bằng cứ kéo dài thế này thì đến cuối năm sẽ rất khó, đặc biệt là phần mặt bằng còn lại liên quan đến tái định cư, để đảm bảo hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì trong năm 2023 địa phương phải giải phóng được toàn bộ mặt bằng."

Ông Chu Văn Long cũng cho biết, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đang khá chậm, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng sạch. Tại Quảng Bình các vị trí móng mố trụ đường điện cao thế đang triển khai, tuy nhiên các hạng mục còn lại thuộc đường dây trung hạ thế mới triển khai được 5/111 vị trí, còn tại Quảng Trị một số vị trí đường dây cáp quang, đường điện trung hạ thế hiện cũng đang được di chuyển tạm để tạo mặt bằng phục vụ thi công.

Trong khi đó tại 2 dự án thành phần Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh tiến độ xây lắp đạt gần 19%, đang vượt khoảng 3% so với tiến độ hợp đồng, tuy nhiên nút thắt tại các dự án này cũng liên quan đến tái định cư và di dời các công trình hạ tầng còn chậm. Hiện tại mới có 2 khu tái định cư hoàn thành, 9 khu đang triển khai xây dựng, còn 11 khu đang ở bước lập kế hoạch triển khai, mặc dù chính quyền tỉnh Quảng Bình rất nỗ vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng theo NQ18.

Nguyên nhân chính là bởi quy trình lập dự án, phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các dự án này phải tuân thủ như các dự án thông thường, có rất nhiều thủ tục phải thực hiện và thời gian bị kéo dài.

Liên quan đến công tác di dời cơ sở hạ tầng, tại một số địa phương như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, TP. Đồng Hới các nhà thầu xây lắp điện đã vào cuộc triển khai, thế nhưng tại huyện Quảng Trạch công tác triển khai tương đối chậm.

Ông Trần Hữu Hải, GĐ Ban QLDA 6 cho biết: "Có thể nói thi công gần 9 tháng nhưng công tác GPMB thì đã hơn 1 năm, đến nay vẫn chưa lựa chọn xong nhà thầu thi công phần điện, dẫn đến có một số vị trí bị ảnh hưởng, tuy việc này chưa ảnh hưởng đến đường găng của tiến độ thi công, nhưng trên tuyến có những điểm, vị trí ngắt quảng như thế không thuận tiện. Chúng tôi mong Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem xét một số các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy, môi trường, nước thải...phù hợp với điều kiện các khu TĐC ở nông thôn."

Những vướng mắc trong tái định cư, di dời hạ tầng kĩ thuật đang trở thành lực cản kép, kéo tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.Còn tại dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, mặt bằng sạch đạt khoảng 91%, nhưng mặt bằng có thể thi công được mới đạt khoảng 70%, nhiều vị trí mặt bằng còn xôi đỗ do vướng các khu dân cư và công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cáp viễn thông.

Riêng tại Quảng Ngãi đang tiến hành di dời 36 vị trí cột cao thế 220kv, đã hoàn thành 8 vị trí cột 110kv và đang di dời 17/117 vị trí đường điện trung thế; còn tại Bình Định đang tiến hành di dời 1 vị trí đường điện cao thế 220kv; 2/4 vị trí đường điện 110kv và đang tiến hành di dời 6/28 vị trí đường điện trung thế.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất liên quan đến công tác tái định cư, dù địa phương này đã xây dựng xong hạ tầng và đã tổ chức cho người dân bốc thăm, nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận về vị trí và giá cả nên chưa chịu di dời bàn giao mặt bằng.

Ông Lê Thắng – GĐ Ban QLDA 2 chia sẻ: "Khó khăn về tái định cư vẫn đang tiếp diễn, mặc dù người dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa giao trả mặt bằng và chưa chịu di dời sang vị trí mới vào khu tái định cư. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang quyết tâm trong trường hợp dân không di dời sẽ tiến hành cưỡng chế, vừa qua địa phương đã thành lập các tổ công tác và yêu cầu 4 huyện phải đẩy nhanh công tác cưỡng chế đảm bảo mặt bằng cho thi công, quyết tâm bàn giao mặt bằng trong tháng 12 tới."

Tại các dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, sau nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao được gần 98% mặt bằng sạch cho 2 dự án, phần vướng mắc còn lại rất ít chủ yếu liên quan đến tái định cư, hệ thống đường điện cao thế, trung thế và một số trang trại lợn, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Hiện nay Hà Tĩnh là một trong ít địa phương đạt tỷ lệ giải phóng mặt bằng cao, trước đó các vướng mắc trong khai thác các mỏ vật liệu cơ bản đã được địa phương tháo gỡ.

Hoàng Hà/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận