Làm thế nào để tăng cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp?

Nhà ở xã hội, không còn là câu chuyện mới nhưng đến nay lao động xa quê, người làm công ăn lương vẫn loay hoay khó lòng chạm đến.

 

Để giải quyết khó khăn, sắp tới Luật nhà ở sửa đổi sẽ nới các tiêu chí mua nhà ở xã hội, tạo cơ hội cho người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.

Việc này có thực sự tăng cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp? Làm thế nào để các chính sách đi đúng hướng và mang lại hiệu quả?

Nhà ở xã hội là dành cho người thu nhập thấp, người thuộc diện chính sách. Mục tiêu là thế, tuy nhiên với mức thu nhập thấp dưới mức đóng thuế mới đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội như hiện nay thì người lao động dù đi làm nhiều năm vẫn không có khả năng tích lũy để sở hữu được căn nhà như kỳ vọng.

Bởi nhà xã hội hiện nay “cung không đủ cầu”, cộng thêm giá nhà quá cao so với thu nhập; chưa kể qua các năm mức giá này tiếp tục tăng trong khi tiền lương, thu nhập vẫn “giậm chân tại chỗ” thì việc mua nhà khó lại càng khó.

Giá nhà ở xã hội tăng cao có rất nhiều nguyên nhân như: giá vật liệu xây dựng tăng; giá nhân công tăng, tình trạng “cò mồi” nâng giá… Đặc biệt là việc kéo dài thời gian trong quá trình xin phép, làm thủ tục pháp lý để phê duyệt xây dựng dự án quá rắc rối và phức tạp; dẫn đến không có dự án mới kéo theo nguồn cung không có, nên giá tăng là hiển nhiên.

Nhìn nhận về những khó khăn, vướng mắc trong quy trình thủ tục xây nhà ở xã hội, ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM cho hay.

“Việc xây nhà ở xã hội có khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là các bước thủ tục xây nhà ở xã hội thì nhiều hơn các thủ tục nhà ở thương mại. Chẳng hạn như xác định giá trị quyền sử dụng đất, sau đó làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất, xác nhận đối tượng.

Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án nhà ờ xã hội thì chậm, kéo dài. Nguồn vốn dài hạn làm lãi suất ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư thì chưa được bố trí đầy đủ, dái hạn, chưa ổn định. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 tốn nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển nhà ở”.

Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự Luật Nhà ở sửa đổi sẽ nới tiêu chí về cư trú, thu nhập, giúp người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội.

“Đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở chính sách xã hội, trong dự thảo lần này cũng có sửa đổi theo hướng giảm bớt thủ tục trong xác định đối tượng mua. Trước đây, trong dự thảo có 3 tiêu chí về cư trú, thu nhập và nhà ở, dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú. Chúng ta xác định đã là công nhân Việt Nam thì được quyền mua nếu như đủ các điều kiện về thu nhập, nhà ở.

Dự thảo Luật lần này cũng xem xét mở rộng thu nhập, nâng mức thu nhập cao hơn. Cũng như là tiêu chí về nhà ở, trước đây là 10m2, có thể trong thời gian tới giao Chính phủ tùy theo từng thời kỳ nâng lên 15m2/người, giống như các nước trong khu vực”.

Dự luật cũng tập trung nhóm chính sách dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Lần này Chính phủ trình theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh chủ động có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại cũng như dành quỹ đất ở dự án độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Các chính sách cũng theo hướng rút ngắn thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giúp các dự án theo đúng tiến độ, tạo nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh việc nới lỏng chính sách, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần tăng cường giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý, nhằm xác định đúng đối tượng, mức thu nhập, cũng như ngăn chặn tình trạng “cò mồi”.

Góp ý thêm về chính sách, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, để nhà xã hội đạt hiệu quả, nhà nước cũng cần khảo sát lại nhu cầu, khả năng tài chính của người dân trước khi áp dụng chính sách.

Vì thực tế, người mua nhà xã hội thời gian qua không thực sự có thu nhập thấp và đa phần người lao động nghèo vẫn phải đi thuê ở trọ; sau đó họ tích lũy vốn trở về quê. Bởi theo họ, chi phí sinh hoạt đã rất lớn nói chi việc mua nhà.

“Có rất nhiều người thu nhập thấp mà không chứng minh thu nhập được và vô hình chung chúng ta loại họ ra khỏi câu chuyện mua nhà ở xã hội, mà thực ra đó là những đối tượng cần mua nhà ở, cần chỗ ở. Thứ hai là diện tích ở, trong tình hình vật giá gia tăng, nhà ở xã hội trước đây 1m2 8 triệu - 10 triệu, bây giờ là 20 triệu/m2.

Đơn giá thì tăng mà bây giờ chúng ta tăng diện tích thì giá càng tăng lên, càng đẩy người nghèo càng không có khả năng mua nhà. Cho nên chương trình nhà ở xã hội thực ra là bán cho người thu nhập khá, có nhiều người đi ô tô mua nhà ở xã hội cho chính họ và người thân của họ”.

Nhà nước cần tính đến phương án xây nhà cho thuê để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định, an toàn và sạch đẹp.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, giữa mục tiêu của chính sách và thực tế có sự chênh nhau thấy rõ. Do đó, để tránh tiêu cực, bất công trong cung cấp nhà ở xã hội; so với việc xây nhà để bán, nhà nước cần tính đến phương án khả thi hơn là xây nhà cho thuê, để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp nhất vẫn có được chỗ ở ổn định, an toàn và sạch đẹp.

“Tôi đề nghị nhà nước phải có chương trình xây nhà cho thuê, có quỹ xây nhà cho thuê. Chúng ta phải soạn bộ tiêu chuẩn xây nhà cho thuê, bởi hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn xây nhà cho thuê. Nên khi thiết kế, thi công nhà cho thuê, chúng ta lấy toàn bộ tiêu chuẩn của nhà thương mại thì giá thành sẽ tăng lên, làm sao tới tay người nghèo được. Cho nên khi đã có những phẩm khác nhau, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau thì tiêu chuẩn phải khác nhau”.

Nhà ở xã hội là một chính sách thiết thực, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên trước những bất cập, “rào cản” hiện nay, nhà nước cần định hướng rõ ràng hơn để nhà ở xã hội đến đúng tay người cần.

Cần sớm gỡ “rào cản”

Có đến các khu công nhân ở trọ tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước mới thất hết nỗi vất vả, khó khăn của những phận đời lao động nhập cư, ngoại tỉnh bấp bênh và thiếu thốn đủ đường.

Lao động quần quật, đồng lương ít ỏi nên chỉ đủ thuê những phòng trọ chật hẹp; thậm chí là ọp ẹp, ô nhiễm môi trường; mất an ninh an toàn. Khi được hỏi về mong muốn an cư với một căn nhà hoặc một căn hộ để ổn định cuộc sống nơi đô thị thì ai cũng bày tỏ đó là một ước mơ xa vời vợi.

Theo một thống kê, với mức lương của đại đa số công nhân, người có thu nhập thấp hiện nay thì nhiều người phải lao động và tiết kiệm trong vòng hơn 50 năm mới có đủ tiền để mua một căn hộ tươm tất ở các thành phố lớn. Nhà ở xã hội vì thế trở thành một niềm hy vọng, nơi neo đậu những giấc mơ an cư với phần đông người lao động; nhất là người ở các đô thị lớn

Nhiều năm qua, các địa phương trong cả nước cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng các khu nhà ở xã hội và bước đầu phát huy hiệu quả. Tạo cho người lao động có thu nhập thấp có chỗ ở ổn định; đảm bảo đời sống một phần, bớt nhọc nhằn lo toan; nhất là tạo cho con em có được tổ ấm đi về để các em chú tâm và học hành vươn lên; thay đổi tương lai.

Tuy vậy, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội hiện còn rất ít so với nhu cầu; tình trạng dự án, chương trình mới trên kế hoạch, trên giấy diễn ra phổ biến. Doanh nghiệp không mấy mặn mà với loại hình này vì các điều kiện ràng buộc khó khăn; quy trình thủ tục thì lòng vòng, nhiêu khê.

Làm ra lợi nhuận không nhiều; có khi còn vướng vòng lao lý vì pháp lý chưa rõ ràng. Ngay người mua nhà ở xã hội nhiều nơi cũng bị “ hành” cho tơi tả khi tiếp cận vì các nguyên tắc vô lý.

Đã có cảnh, người mua nhà ở xã hội lại là người thu nhập cao, đi ô tô; mua bàn lòng vòng nhà ở xã hội để kiếm lời. Vấn đề nhà ở xã hội vì vậy luôn trở thành đề tài nóng trên truyền thông, báo chí trong nghị trường hay các buổi tiếp xúc cử tri.

Giải tỏa những ách tắc về nhà ở xã hội, hiện nay, các cấp, các ngành đang tổ chức lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp nhân dân về Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

Trong đó có dành ra nhiều chương, nhiều điều quy định điều kiện, nguyên tắc, yêu cầu về phát triển nhà ở xã hội trong vài chục năm tới; kể các chế tài về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Nhiều hội thảo, hội nghị; các góp ý, kiến nghị, phản biện được các chuyên gia, doanh nghiệp; tập thể và cá nhân sôi nổi thảo luận, chất vấn; thể hiện mong muốn nhà nước cần sớm cởi bỏ những nút thắt để doanh nghiệp và cá nhân hình thành càng nhanh càng tốt nhiều dự án nhà ở xã hội phục nhu cầu của đông đảo người lao động.

Đây sẽ là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng mang tính bước ngoặt để chương trình xây dựng nhà ở xã hội bước sang một giai đoạn mới với sự phát triển thực chất và có chiều sâu.

Vấn đề lúc này là các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội nhận thức rõ thời cơ để có hướng tiếp cận mới hơn trong việc hình thành nên các khu nhà ở xã hội vừa văn minh, hiện đại nhưng phù hợp với đặc điểm, đặc tính của mỗi địa phương, vùng miền; thu hút nhiều người dân vào ở; đảm bảo ổn định đời sống cho nhiều gia đình nhưng cũng có lợi nhuận để tái đầu tư.

Các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ vai trò,trách nhiệm để vận dụng tốt nhất các điều luật trong Luật Nhà ở sửa đổi; các cơ chế, chính sách; điều kiện cơ sở vật chất, quỹ đất,nguồn lực đầu tư; sớm hình thành nên quỹ nhà ở xã hội dồi dào để hỗ trợ cho người lao động.

Mà trước mắt là tập trung tháo gỡ ngay các rào cản bấy lâu nay đang chia cắt quá trình phát triển nhà ở xã hội mà doanh nghiệp và người dân và công luận đã lên tiếng.

Để từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội; đem chương trình, dự án nhà ở xã hội đến với cuộc sống; triển khai trong thực tế chứ không phải chỉ nằm trong kế hoạch, dự định như đã từng diễn ra ở nhiều địa phương trong suốt thời gian vừa qua.

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận