Cần có phương pháp mới phòng cháy chữa cháy pin xe điện

Trong khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng cao, việc PCCC xe điện như thế nào là vấn đề được dư luận quan tâm.

 

Các giải pháp được coi là tối ưu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với xe động cơ đốt trong thì lại không hiệu quả đối với cháy nổ ở xe điện sử dụng pin Lithium Ion. Trong khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng cao, việc PCCC xe điện như thế nào là vấn đề được dư luận quan tâm.

Cháy nổ xe điện khác so với xe động cơ đốt trong

Trong khi nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt, việc phát triển xe điện đang là xu hướng tất yếu được nhiều quốc gia theo đuổi. Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, đến năm 2050 thì 100% phương tiện giao thông như ô tô, xe máy,… sẽ phải chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xe máy điện, xe đạp điện, ô tô điện được đánh giá là xe sạch, thân thiện với môi trường, tiện lợi với người sử dụng. Theo một con số thống kê chưa đầy đủ thì xe máy điện, xe đạp điện đang trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở nước ta, với 3 triệu chiếc đang lưu hành. Thực tế xe điện sử dụng ắc quy hoặc pin đã chứng minh được sự tiện lợi và được nhiều người tin dùng.

Có cầu ắt có cung. Trên các tuyến phố Huế, Thái Hà, Lạc Long Quân… ở TP Hà Nội, nhiều cửa hàng bày bán xe điện của các hãng Yamaha, Honda, Asama, Bridgestone… Bên cạnh dòng xe điện đạt chứng nhận hợp quy chuẩn an toàn theo quy định của Bộ GT-VT thì cũng có nhiều dòng xe điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cửa hàng mua lại xe cũ rồi phục chế, sữa chữa bán lại cho khách hàng.

Một vụ cháy nổ liên quan đến xe điện ở Hoài Đức, Hà Nội.Tại cửa hàng xe điện cũ Việt Cường trên đường Lĩnh Nam, phóng viên được nhân viên cửa hàng đon đả tiếp thị, giới thiệu đây là cửa hàng xe điện cũ có uy tín, thương hiệu. Với dòng xe đạp điện Asama, nhân viên ở đây giới thiệu có xuất xứ từ Đài Loan có giá 3,4 triệu đồng, hình thức xe đạt 70-75%, bình xe đã qua sử dụng và được bảo hành 6 tháng, IC và động cơ bảo hành 3 tháng. Khi phóng viên đề nghị cho cho xem giấy tờ nhập khẩu xe thì nhân viên này cho biết, xe cũ lâu năm rồi không còn giấy tờ.

Cũng trong thời gian qua đã có rất nhiều bình ắc quy, pin xe điện tự phát nổ hoặc chập điện trong quá trình sạc khiến nhiều người lo lắng. Đơn cử vụ vụ cháy khiến 2 bà cháu tử vong tử vong đêm 12/7/2023 ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, nguyên nhân là nổ bình ắc quy khi đang sạc của xe điện bốn bánh do Trung Quốc sản xuất. Tiếp nữa, ngày 19/7/2023, tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh xe đạp, xe máy điện làm 3 người tử vong. Trước đó là vụ cháy xảy ra tại Hà Tĩnh vào ngày 25/9/2020, tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh làm cháy rụi ô tô 5 chỗ, nguyên nhân vụ cháy do sạc xe máy điện…

Trao đổi với phóng viên, một giảng viên Trường đại học PCCC cho rằng, đặc điểm đám cháy xe điện sẽ khác với đám cháy trên xe sử dụng động cơ đốt trong. Sự khác biệt lớn này đến từ nguồn cháy, xuất phát từ pin Lithium Ion.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Thành Vinh, Trưởng ban khoa học kỹ thuật, Hiệp hội PCCC và CHCN Việt Nam cho rằng, pin Lithium Ion khi cháy thường gắn liền với nổ và phát tán thêm nhiều nguồn cháy do khi nổ pin sẽ bắn tung ra xung quanh với khoảng cách khá xa, sẽ tạo thành cháy lan trên diện rộng và sẽ gây khó khăn trong công tác chữa cháy ban đầu. Pin Lithium Ion lắp đặt trên xe điện đặc biệt là ô tô điện ở những vị trí thấp, không gian hẹp khó tiếp cận với chất chữa cháy nên quá trình chữa sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.

“Chất chữa cháy để chữa cho pin Lithium cũng hạn chế và phải căn cứ vào tình huống cụ thể mới có được những giải pháp hiệu quả. Các bình chữa cháy thông thường như bình bột, bình khí CO2 thông qua các thử nghiệm chúng tôi ghi nhận đang thiếu hiệu quả”, ông Trần Thành Vinh cho biết.

Cần có giải pháp hiệu quả đối phó rủi ro

Trên mạng xã hội không ít những thước phim, video quay cảnh xe điện bị cháy. Diễn biến cho thấy, người chữa cháy có dùng bình bột hay bình CO2 để dập, phun đến cạn cả bình nhưng ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng lên, một thời gian sau chiếc xe điện chỉ còn lại khung sắt. Thậm chí, lúc nhiệt độ tăng mạnh thì pin bắt đầu phát nổ.

Như vậy, các giải pháp được coi là tối ưu PCCC đối với xe động cơ đốt trong thì lại thiếu hiệu quả, không có tác dụng đối với cháy nổ ở xe điện sử dụng pin. Trong khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng cao, việc PCCC xe điện như thế nào là vấn đề được dư luận quan tâm.

Dù có dùng bình bột, bình khí C02 phun liên tục nhưng ngọn lửa vẫn bùng lên.

Để cải thiện, đảm bảo an toàn cháy nổ cho xe điện, theo ông Trần Thành Vinh cần triển khai những công việc: Tăng khả năng an toàn và giảm nguy cơ cháy cho xe điện bằng việc nâng cao chất lượng của pin, hệ thống an toàn, ý thức kỹ năng từ người sử dụng, cách quản lý vận hành hiệu quả trong khu tập trung nhiều phương tiện. Xây dựng các giải pháp, phương án chống cháy để hóa giải đám cháy xảy ra trên diện rộng, đặc biệt ưu tiên cho các khu vực sạc, khu vực tập trung nhiều phương tiện, đông người. Hợp tác, học tập kinh nghiệm quản lý từ các nước đi trước, có công nghệ tiên tiến, có đảm bảo an toàn cháy hiệu quả trên thế giới để có được sự tư vấn, lựa chọn áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Cùng với ðó là kiểm tra chặt chẽ các cõ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm xe ðiện, pin xử lý triệt ðể hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lýợng, hàng nhái, hàng giả lýu thông.

Cũng theo nhiều chuyên gia, số lượng xe điện tăng trưởng nhanh, đồng nghĩa với nhu cầu sạc pin tăng lên, phụ tải đối với lưới điện sẽ tăng lên. Trong khi đó, không ít các hộ gia đình, chủ chung cư mini chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống điện. Theo thông cáo báo chí của C07, Bộ Công an, tỷ lệ cháy do sự cố chập các thiết bị điện lên trên 70%. Cá biệt có những địa phương, như quận Hoàn Kiếm, số vụ cháy liên quan đến sự cố điện lên đến 92%.

Để ngăn ngừa những sự cố liên quan đến điện, gây cháy nổ xe điện, theo ông Trần Thành Vinh, khi sạc pin cho xe điện, người sử dụng cần lưu ý đến thời điểm sạc nên tránh giờ cao điểm khi nhu cầu sử dụng điện đang cao. Đảm bảo an toàn điện bao gồm: Đảm bảo điện áp, đảm bảo kết nối, đảm bảo kích thước đường dây dẫn điện. Sử dụng sạc đúng công suất và sạc đúng cách theo hương dẫn từ nhà sản xuất, cơ quan quản lý chức năng, quản lý vận hành đảm bảo an toàn cháy.

Đối với ngành điện với chức năng cung cấp sản phẩm điện tới người dân với nhiều yêu cầu, tiêu chí khác nhau, trong đó có việc hạn chế mất, thiếu điện, an toàn điện… nên bằng các nghiệp vụ chuyên môn, ngành điện sẽ có những đánh giá, dự đoán về nhu cầu và tốc độ tăng tải đối với lưới điện, qua đó sẽ có những phương án điều chỉnh phù hợp như: Nâng cấp công suất máy biến áp, tăng công suất đường dây đầu cuối, mở rộng thêm quy mô hệ thống điện, ứng dụng công nghệ, tăng cường quản lý vận hành lưới điện một cách khoa học… để chất lượng sản phẩm của ngành điện không bị ảnh hưởng, bảo đảm nguồn cung cấp điện và bảo đảm an toàn lưới điện khi nhu cầu tăng tải, sạc pin xe điện tăng nhanh.

NHIỀU NƯỚC CHƯA CÓ TIÊU CHUẨN RIÊNG VỀ AN TOÀN CHÁY NỔ CHO XE ĐIỆN

Có ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng để đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin Lithium Ion và xe điện. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Hiện nay Việt Nam có các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới an toàn cho Pin Lithium Ion và xe điện, bao gồm: QCVN 68:2013/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện; QCVN 75:2019/BGTVT:Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về động cơ sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 76:2019/BGTVT:Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 90:2019/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về động cơ sử dụng cho xe mô tô điện, xe gắn máy điện; QCVN 91:2019/BGTVT: Quy chuẩn quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô điện, xe gắn máy điện; QCVN 09:2015/BGTVT - Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, bao gồm cả xe ô tô điện.

Bộ GT-VT là đơn vị ban hành các quy chuẩn nêu trên, trong đó cũng đã có một số nội dung liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho xe điện, pin điện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin Lithium Ion và xe điện.

Vậy để ngăn ngừa cháy nổ đối với pin và xe điện thì chúng ta cần phải làm gì?

Để giảm thiểu các vụ cháy nổ liên quan tới pin Lithium Ion và xe điện, theo Hiệp hội chúng tôi cần phải thực hiện những công việc sau: Thứ nhất, nâng cao chất lượng pin và xe điện: Sử dụng pin có kết cấu phần vỏ bảo vệ tốt hơn để bảo vệ va chạm. Có kết cấu đặc biệt giảm nguy cơ cháy hoặc nếu có cháy không sinh nổ, đồng thời giải phóng năng lượng cháy theo định hướng cụ thể nhằm hạn chế cháy lan ra xung quanh. Xe được trang bị hệ thống an toàn tránh việc nạp quá dòng, nạp quá điện thế hay bảo vệ quá nhiệt. Các phụ tùng nội thất trên xe sử dụng vật liệu giảm thiểu nguy cơ cháy và hạn chế khí độc, khói sinh ra ở tỷ lệ thấp…Để làm được điều này, cần phải cập nhật, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng để đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin Lithium Ion và xe điện.

Thứ hai, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm xe điện, pin để kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường,xử lý triệt để hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả lưu thông.

Thứ ba, người sử dụng cần phải trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng pin và xe điện an toàn theo đúng khuyến cáo từ nhà sản xuất và cơ quan quản lý chức năng, đơn vị quản lý vận hành, thường xuyên tiến hành bảo dưỡng kiểm tra phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn và cháy nổ.

Đối với người dân khi sử dụng xe điện thì cần lưu ý gì đối với công tác phòng chống cháy nổ?

Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam xin có những khuyến cáo tới người dân để phòng cháy nổ khi sử dụng xe điện như sau: Không sử dụng xe quá tải hay sử dụng xe qua vùng ngập nước gây chạm chập.Không lắp thêm phụ tải, thay đổi kết cấu nguyên thủy từ nhà sản xuất. Khi sạc điện phải đảm bảo an toàn bằng cách sử dụng bộ nạp đúng công suất với kết nối đảm bảo an toàn điện, không sạc ngay khi vừa đi xe về (vì nhiệt độ pin khi đó còn cao), sạc ở các vị trí giảm thiểu nguy cơ cháy lan, không sạc nơi có nhiệt độ nền cao hay ẩm ướt, không để pin cạn kiệt mới sạc, không được sạc quá lâu, đặc biệt là sạc qua đêm, luôn kiểm tra trông coi trong quá trình sạc.Kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để phát hiện, khắc phục sớm các nguy cơ mất an toàn. Luôn để xe điện ở nơi có nguy cơ cháy lan thấp nhất, tốt hơn nữa hãy lắp đặt các thiết bị chống cháy lan các khu vực có nguy cơ.Trang bị phương án, thiết bị chữa cháy chuyên dùng chữa các đám cháy xe điện, luyện tập kỹ năng đảm bảo nếu có tình huống cháy nổ xảy ra để có thể thực hiện một cách tự tin, chủ động trong công tác chữa cháy ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận