Mưa lũ khiến nhiều người mất tích, gây thiệt hại nặng nề về tài sản

Mưa lũ khiến 3 người mất tích ở Sơn La, gây thiệt hại nặng nề về tài sản ở Thanh Hóa, Nam Định và nhiều địa phương khác.

 

Sơn La tìm kiếm 3 người mất tích do mưa lũ

Theo phóng viên Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc, mưa lớn, dông lốc từ đêm 26/9 trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) đã khiến 3 người mất tích do sạt lở đất và lũ cuốn trôi; nhiều nhà dân và diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. 

Nhiều diện tích lúa trên cánh đồng Mường Tấc bị ngập sau mưa lớn.Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: mưa lớn, sạt lở đất đã cuốn trôi 3 người mất tích tại bản Đung, xã Mường Lang, huyện Phù Yên; 4 hộ dân bị sạt lở đất vào nhà, 3 hộ khác phải di dời khẩn cấp do đất, đá phía ta luy dương sạt xuống, nguy cơ vùi lấp nhà ở.

Mưa lũ cũng cuốn trôi 1 cột điện cáp quang, 1 xe máy của người dân; nước lớn còn làm ngập nhiều tuyến đường giao thông và ruộng lúa tại các xã Tân Lang, Mường Thải, Huy Tân, Huy Thượng, Quang Huy, Huy Hạ...

Nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp do đất, đá sạt vào nhà.Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Yên đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương tìm kiếm người mất tích và bị cuốn trôi; chỉ đạo các trường, điểm trường nằm trong vùng không an toàn tạm thời cho học sinh nghỉ học và bố trí học bù sau; các địa phương có phương án cùng với nhà trường sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra đối với học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú hiện đang ở tại trường.

Hiện trời đã ngớt mưa, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Yên cũng đang chỉ đạo UBND các xã xác minh, tổng hợp tình hình thiệt hại, di chuyển khấn cấp những nhà trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ cuốn  đến địa điểm an toàn; đồng thời, lập hồ sơ gửi về cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện tổng hợp để triển khai công tác hỗ trợ theo quy định.

Thanh Hoá ứng phó nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi

Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 cho biết, tại tỉnh Thanh Hoá hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cao sạt lở, lũ ống, lũ quét. Mưa lớn những ngày qua càng khiến người dân bất an, lo lắng.

Thanh Hoá hiện có hơn 6 nghìn hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và 2.211 hộ dân đang sống khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, chủ yếu tại 11 huyện miền núi như, Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Lang Chánh… Tại xã Tâm Phúc, huyện miền núi Lang Chánh, chúng tôi chứng kiến phía trên quả đồi cao ở thôn Tân Lập đang bị “xé toạc” từng rãnh dài, đe dọa an nguy của gần chục hộ dân phía dưới.

Trên các tuyến giao thông khu vực miền núi xuất hiện sạt lở.Bà Lê Thị Lê (người dân tộc Thái) ở thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh sống dưới chân đồi lo lắng: "2 nhà làm xong thì trận mưa to rồi sụt lún xuống, lo lắm tôi không ngủ được. Về lâu về dài sợ lắm, nhất là trời mưa, mấy hộ ngay gần chân đồi càng sợ, sụt mấy gốc cây thôi cũng sợ".

Chỉ tính riêng tại huyện Lang Chánh, hiện có 260 điểm với 546 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở.  Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: "Trước mắt những hộ sát ở đó, vận động họ di chuyển khi có mưa lũ. Về lâu dài phải tính toán, có căn cứ khoa học sẽ xảy ra sạt lở đất thì phải lập dự án trình xem xét phê duyệt để triển khai".

Nhiều cầu tràn bị ngập, khiến việc đi lại gặp khó khăn.Còn tại huyện biên giới Mường Lát, nơi nào cũng có nguy cơ sạt lở. Mưa lũ những ngày qua xuất hiện một số điểm sạt lở nhẹ trên một số tuyến đường, khu dân cư. Tuy chưa có thiệt hại nhưng đó là tín hiệu cho thấy nguy cơ sạt lở trong những ngày tới là rất cao, đặc biệt khi đất đã ngấm đủ nước, mưa vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: "Bây giờ đang trong quá trình triển khai thực hiện thì bà con vẫn ở lại nơi có nguy cơ cao. Huyện rất quan tâm công tác phòng chống thiên tai, xây dựng phương án di dời từng khu 1; phân công thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai, theo dõi nắm bắt tình hình, có nguy cơ là yêu cầu bà con sơ tán đến nơi an toàn ngay".

Mưa lớn kéo dài dẫn đến tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền núi. Nguy cơ hiện hữu, số hộ dân trong vùng báo động cũng không ít, chính quyền địa phương, ngành chức năng lên phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân. Những năm qua Thanh Hoá cũng đã dành nguồn lực và kế hoạch để di chuyển 2.846 hộ dân có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Đê sông Bưởi ở Thanh Hóa sạt lở đe doạ hàng chục hộ dân.

Cũng theo phóng viên Sỹ Đức/VOV1, mực nước sông Bưởi lên nhanh, gây ngập úng cục bộ tại các điểm tràn và một số tuyến giao thông liên xã, liên huyện. Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành.

Bờ sông Bưởi sạt lở đe doạ an nguy của hàng chục hộ dân.

Tại xã Thạch Định, hiện có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các thôn Định Hưng, Thạch An, Tiến Thành. Tổng chiều dài các đoạn sạt lở lên tới hơn 100m; độ sâu tính từ mặt nước lên bờ khoảng 6m, ăn sâu vào đất hành lang khoảng 7 - 8m, đe dọa tới cuộc sống của hàng chục hộ dân sống ngay phía trên. Còn tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, đê tả sông Bưởi bị sạt lở với chiều dài 1,4km. Đây là đoạn cong của sông Bưởi, thuộc thôn Vọng Thủy, khi mùa mưa đến dòng nước chảy xiết, xoáy vào bờ khiến điểm sạt lở ngày càng khoét sâu. Vài năm gần đây, quá trình sạt lở nhanh và có diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông Vũ Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: "Sạt lở là do nước chảy xiết, xoáy dần xoáy dần vào bờ. Phương án sơ tán dân khi sạt lở sâu vào khu dân cư; thứ 2 là cử lực lượng trực gác để có phương án kịp thời; thứ 3 là đang đề xuất với tỉnh thực hiện kè tuyến đê này".

Đê sông Bưởi qua địa bàn H.Thạch Thành (Thanh Hóa) xuất hiện nhiều điểm sạt lở đe dọa nhiều hộ dân.Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cắt cử lực lượng ứng trực 24/24h để nắm tình hình và sẵn sàng ứng phó với tình trạng sạt lở nguy hiểm. Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở đê hữu sông Bưởi diễn ra cách đây 10 ngày và có nguy cơ ăn sâu vào đất liền nếu mưa lũ tiếp tục kéo dài.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành và các sở, ngành liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra; cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ.

Liên quan đến tình hình mưa lũ những ngày qua, tỉnh Thanh Hoá đã ghi nhận có 2 người mất tích; một số tuyến đường khu vực miền núi bị sạt lở, giao thông gặp khó khăn.

Mưa lũ ở Nam Định gây thiệt hại gần 500 ha diện tích hoa màu

Theo CTV Linh Thảo, Tuấn Vũ/VOV1, tại Nam Định, mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó có sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây. 

Vụ mùa năm nay, xã Yên Bình, huyện Ý Yên có tổng diện tích gieo cấy là 490ha, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, những trà lúa mùa đang trong giai đoạn chắc hạt đã bị gió quật đổ, nằm chìm trong biển nước. Ứơc tính đến thời điểm hiện tại diện tích lúa bị thiệt của xã là khoảng 50ha, chiếm 10%.

Vụ mùa năm 2023, huyện Ý Yên có tổng diện tích gieo cấy lúa hơn 13.200 ha, trong đó cơ cấu chủ lực là các giống lúa thuần và một số giống lúa đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như Nếp cái hoa vàng và Nếp Đài Loan. Đến thời điểm này, toàn huyện bị thiệt hại 775 ha lúa chưa thu hoạch. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, Phòng NN&PTNT Huyện Ý Yên phối hợp với các xã, thị trấn đang khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời, phù hợp.

Ông Nguyễn Tài Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Ý Yên cho hay: "Dự báo mưa lớn còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, các địa phương đang tập trung nỗ lực trong công tác phòng chống ngập úng. Đối với những diện tích lúa đang trong giai đoạn chín sát, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, sau khi đã tiêu rút nước, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa mọi phương tiện, lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn để tránh thiệt hại đến năng suất, chất lượng".

Nhóm phóng viên VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận