Nghệ An khẩn trương di dời dân, đề phòng nguy cơ sạt lở đất

Đến sáng nay dù nước có rút nhưng nhiều khu dân cư ở các huyện miền núi như Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong vẫn bị cô lập.

 

Đêm qua thời tiết tại Nghệ An mưa giảm, các điểm ngập lụt nước rút, cùng với việc huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đến sáng nay dù nước có rút nhưng nhiều khu dân cư ở các huyện miền núi như Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong vẫn bị cô lập. Tại tâm lũ huyện Quỳ Châu, nơi có hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, sáng nay ngay khi nước bắt đầu rút, chính quyền địa phương đã thành lập các đoàn công tác, cùng với các lực lượng vũ trang, người dân địa phương dọn dẹp nhà cửa cho bà con.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề đối với người dân huyện Quỳ Châu.

Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: "Trên 1200 hộ bị ngập lụt, bây giờ đang khắc phục để dọn nhà cửa, bùn lấp, tài sản. Với phương châm gia đình giúp nhau, bản giúp bản, ngành giúp ngành, lực lượng công an, quân sự huy động 100% quân số để giúp đỡ bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống". 

Tính đến thời điểm này mưa lũ tại Nghệ An đã làm 1.600 ngôi nhà bị ngập; 830 nhà bị cô lập; 44 điểm đường giao thông bị sạt lở… Mưa lớn khiến hàng nghìn héc ta hoa màu bị thiệt hại; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi... thiệt hại về tài sản là rất lớn. Điều đáng lo ngại là mưa liên tiếp những ngày qua, lượng nước thẩm thấu trong đất, hàng nghìn hộ dân khu vực miền núi Nghệ An đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tại khu vực suối Huồi Giảng, bàn Hoà Sơn, huyện Kỳ Sơn phía trên là quả đồi đã xuất hiện vết nứt kéo dài, nguy cơ sạt lở, gây bất an cho người dân.

Tâm lũ Quỳ Châu, Các lực lượng chức năng và người dân địa phương hỗ trợ nhau khắc phục mưa lũ.

Tra đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn có 9 điểm nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đang theo dõi và có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

"Kỳ Sơn là địa phương kết cấu đất kém, khi mưa đã ngấm đủ nước, tầm tả 1-2 ngày cả tuần là nguy cơ sạt cả quả núi là rất lớn, độ dốc cao. Vị trí dân ở cheo leo, nguy cơ sạt lở, 21 xã đều có nguy cơ, kể cả quốc lộ, đi vào các xã biên giới càng nguy hiểm hơn", ông Thò Bá Rê cho hay.

Sáng nay thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo lực lượng trên địa bàn phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ nhân dân di dời tài sản, vật nuôi tránh ngập lụt. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Sỹ Đức/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận