Dự thảo Nghị định quản lý Internet: Livestream trên mạng xã hội sẽ phải xin phép?

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2913/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

 

Phát biểu tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2913/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng diễn ra sáng 8/9 tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị định 72/2913/NĐ- CP rất quan trọng, được các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm.

Hạ tầng viễn thông tác động tới mọi mặt đời sống và kinh doanh

Việt Nam là nước có độ phủ Internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh.

Dù vậy, Internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào và vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu quản ký không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu.

“Việc cân bằng nội dung mà vẫn đảm bảo cho phát triển công nghiệp nội dung số là thách thức cho cơ quan quản lý. Với các quy định hiện tại, doanh nghiệp trong nước lo ngại nếu sửa đổi Nghị định 72 dẫn tới tình trạng bảo hộ ngược và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Việc soạn thảo Dự thảo Nghị định cần tính đến yếu tố này cần nghiên cứu, đanh giá sâu sắc và toàn diện hơn”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tới 86% nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định: Về thời gian thực hiện ngăn chặn nội dung vi phạm trên mạng; khoá trang, kênh,tài khoản, ứng dụng; bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng mạng xã hội.

Sẽ sớm ban hành Nghị định mới về quản lý Internet và thông tin trên mạng.Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định các mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ TT&TT; bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung cung cấp trên mạng xã hội; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng; bổ sung quy định đối với các kho ứng dụng; bổ sung quy định không cấp phép cho game bài giải trí; đơn giản hoá các điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong Dự thảo Nghị định.

“Dự thảo Nghị định sẽ phải trình Chính phủ trong tháng 10/2023”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay.

Tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TTTT đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Bà Nguyễn Thanh Huyền cũng cho biết hiện nay mạng xã hội xuất hiện tính năng “livestream” cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực. Hình thức này ảnh hưởng nhanh tới xã hội nên Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định quản lý theo hướng: Chỉ mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Bộ TT&TT bổ sung quy định mạng xã hội phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Cơ quan báo chí thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước phải đăng ký với Bộ TT&TT và cam kết chịu trách nhiệm nội dung cung cấp, theo đúng tôn chỉ, mục đích. Điều này nhằm tránh tình trạng giả mạo cơ quan báo chí và tránh tình trạng các cơ quan báo chí cung cấp các nội dung không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Vân Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận