Hiện nay, xe khách tuyến cố định đã có những cải thiện như thế nào về chất lượng dịch vụ, kết nối với hệ thống phương tiện GTCC? Công tác quản lý đối với hoạt động vận tải của các xe hợp đồng trá hình ra sao nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động vận tải khách?
Những năm gần đây, nhiều xe ô tô giả danh xe hợp đồng để luồn sâu vào nội đô đón khách như xe khách, cùng với đó, nhiều nhóm xe dưới 9 chỗ chuyên gom khách chạy liên tỉnh nhưng không gắn biển vàng hoạt động khá rầm rộ, dừng đón trả khách trên đường gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông.
Thường xuyên phải di chuyển giữa Hà Nội và Thanh Hóa, cô Hồng Thu, ở quận Tây Hồ, Hà Nội trước đây hay sử dụng dịch vụ xe 9 chỗ đưa đón tận nhà vì không cần phải ra bến xe. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xe chạy tuyến cố định (45 chỗ) chiều Hà Nội- Thanh Hóa đã có thêm dịch vụ đưa hành khách về tận nhà nên khá thuận tiện, cô Thu quay trở lại sử dụng xe khách tuyến cố định để tiết kiệm thời gian đi lại:
"Xe 16 chỗ thời gian di chuyển nhanh hơn nhưng chỉ nhanh hơn đoạn từ bến xe về đến thành phố Thanh Hóa, chứ mất nhiều thời gian đi lòng vòng trong thành phố Hà Nội, mất cả tiếng đồng hồ. Đối với xe khách tuyến cố định, xe cải thiện hơn, họ đầu tư xe mới. Còn tài xế thì lúc nào cũng vui vẻ quan tâm đến hành khách đi xe", cô Thu cho biết.
Mỗi ngày có khoảng 40 lốt xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội-Sa Pa, trong nhiều năm trở lại đây, sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe khách giường nằm của Công ty cổ phần vận tải Hà Sơn Hải Vân vẫn giữ ổn định. Có được điều này là nhờ từ năm 2018-2019, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin giúp hành khách có thể dễ dàng đặt, chọn giường, chọn ghế thông qua ứng dụng (app) và website, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Nhờ những dữ liệu đặt vé đi xe, mà dịp lễ 2/9 vừa qua, công ty có thể chuẩn bị về phương tiện, nhân lực trước nửa tháng để phục vụ đi lại cho hành khách chu đáo nhất.
Mặc dù, để tranh giành thị phần vận tải, một số xe hợp đồng trá hình thường xuyên dừng đón trả khách dọc đường. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Ban lãnh đạo công ty vẫn kiên định tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ tốt, an toàn sẽ thu hút được hành khách.
Ông Lê Việt Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Hà Sơn Hải Vân cho biết: "Quán triệt lãnh đạo ngay từ đầu xây dựng thói quen cho hành khách phải vào bến đi xe. Doanh nghiệp không cho phép đón khách ngoài đường từ bến xe Mỹ Đình ra đến cầu Thăng Long nên là cũng hạn chế được tối đa ảnh hưởng đến giao thông. Chúng tôi đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng văn phòng trong bến xe Mỹ Đình để hành khách ngồi chờ mỗi khi sử dụng dịch vụ của công ty".
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên, thời gian qua, các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định có nhiều cải tiến đáng kể về chất lượng xe, theo hướng giảm số phòng và tải trọng xe, mở rộng khoang xe, tăng cường chất lượng dịch vụ nhưng không thể cạnh tranh với những xe khách hợp đồng trá hình, những xe chuyên gom khách liên tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập trong hệ thống các điểm dừng đỗ. Nhiều điểm dừng đỗ được bố trí ở những vị trí không thuận tiện cho việc đi lại của người dân, không gắn kết và gần các hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng, cũng như không có nhà chờ, trong khi khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ phải cách nhau từ 3-5km. Điều này làm giảm tính linh hoạt của xe khách tuyến cố định và là cơ hội cho dịch vụ xe hợp đồng trá hình phát triển.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, tạo sự cạnh tranh hơn cho xe khách tuyến cố định, ông Mạnh đề xuất: "Chúng ta phải có giải pháp khác là xem xét các điểm dừng đỗ, không nên khống chế trong phạm vi 5km. Đề xuất, xem xét thiết kế lại các điểm dừng đỗ là vì phục vụ nhân dân. Chúng ta phải điều chỉnh lại cự ly để bố trí các điểm đón trả khách, cải tổ lại hệ thống kết nối.Thiết kế sơ đồ đón trả khách".
PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ Giao thông vận tải cho rằng, để đảm bảo cho thị trường vận tải hành khách phát triển minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và doanh nghiệp, rất cần những giải pháp quản lý đối với những phương tiện hoạt động không đúng quy định. Trong đó, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý liên quan.
Ông Tâm nhấn mạnh: "Về mặt đường bộ, quản lý theo chức năng, với từng loại xe, xe nào được phép vào khu vực nào. Xe limousine được đi vào những cấp đường nào, có vào được các đường cấp nội bộ (đường dân cư có mặt đường dưới 7m) hay không thì cần phải làm rõ. Trên cấp đô thị, trên khu vực hoạt động có sự phối hợp giữa các nhà quản lý cơ sở hạ tầng và những nhà cung cấp thông tin cho quản lý kinh doanh để quản lý vận tải cho phù hợp".
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, việc tồn tại song song các loại hình xe vận tải tuyến cố định hay xe hợp đồng phục vụ nhu cầu vận chuyển của hành khách là điều tất yếu của thị trường. Việc để những xe hợp đồng trá hình ngang nhiên hoạt động thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Ông Tính phân tích: "Xe hợp đồng bến cóc tồn tại được là do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan giao thông (lực lượng thanh tra giao thông), cơ quan công an (lực lượng cảnh sát giao thông) và chính quyền địa phương".
Một số ý kiến cho rằng, thời gian tới, để có thể quản lý hoạt động vận tải hành khách tốt nhất, các cơ quan thanh tra giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trong hoạt động kinh doanh vận tải, nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động vận tải.
Một số doanh nghiệp lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải núp bóng dưới nhiều hình thức nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, chú trọng đến chất lượng dịch vụ và sự an toàn của hành khách sẽ từng bước lấy lại uy tín cũng như chiếm được lòng tin của khách hàng.
"Thời của xe khách, thế của sự đàng hoàng".
Một thời gian dài, xe khách tưởng chừng đã bị “hạ gục” bởi sự trỗi dậy của những chiếc xe hợp đồng, xe cá nhân chở khách chui sâu vào nội đô, đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho hành khách. Người ta hồ hởi gọi xe đưa đón tận cửa để về quê, hay đi du lịch theo nhóm trong cự ly vài trăm cây số.
Đã có lúc, xe khách rơi vào khủng hoảng trầm trọng, có những chuyến xe chỉ duy nhất 1 người. Cú “đánh bồi” của Covid và xe hợp đồng trá hình, đẩy rất nhiều nhà xe tuyến cố định rơi vào phá sản, hoặc cực chẳng đã, phải bỏ bến chạy dù.
Nhưng cũng chính Covid, với những yêu cầu phòng chống dịch và truy xuất danh tính, đã mở đường cho xe khách tuyến cố định trở lại.
Cũng chính Covid, với sự sa sút kinh tế, làm tăng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Chi phí vừa đắt đỏ hơn, vừa tốn kém thời gian hơn, những chiếc xe đưa đón tận nơi dần đánh mất thiện cảm của hành khách.
Quan trọng hơn cả, ý thức về an toàn của người tham gia giao thông được nâng lên, là một nhân tố căn bản. Qua giai đoạn thỏa mãn nhu cầu tiện lợi trước mắt, người dân đã thấy sợ cảm giác phập phồng sau vô lăng của những tài xế vừa lái xe vừa dán mắt vào bản đồ, vừa tới tấp a lô hẹn khách.
Hành khách đã thấy mình từ thượng đế trở thành kẻ yếu thế, khi mà các bức xúc của họ chỉ có thể thở than trên mạng mà không tiện gửi đến cơ quan quản lý nào. Vì chính họ đang vô tình tiếp tay cho vi phạm.
Sau những hăm hở ban đầu, hành khách nhận ra, cái mà họ cần trên hết là an toàn. Cái giá cho sự an toàn, không thể nào so đắt rẻ. Sự an toàn không bao giờ nên đánh đổi bằng những tiện lợi nửa vời. Cảm giác yên tâm càng không nên bị thế chỗ bởi nỗi bức xúc hay phập phồng lo sợ.
Tất nhiên, không phải cứ xe khách là tuyệt đối an toàn, và ngược lại, cũng không phải cứ xe hợp đồng trá hình là chất lượng kém. Nhưng cơ sở cho sự an toàn đảm bảo chắc chắc hơn khi một loại hình vận tải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với những ràng buộc quản lý cả về phương tiện, người lái và hành trình.
Và tất nhiên, để trụ lại được đến hôm nay, nhiều nhà xe đã phải rất kiên trì, cả kiên cường vượt qua khó khăn, linh hoạt thích ứng bằng cách tự làm mới mình theo hướng phục vụ tốt hơn.
Sự trở lại của xe khách tuyến cố định, dù trải qua chông gai và không ít mất mát, song nó đã vận động theo đúng quy luật của thị trường, và để lại rất nhiều ý nghĩa.
Đó là sự nhắc nhở và cổ vũ cho những người làm xe khách, về việc trung thành với phương châm kinh doanh tôn trọng pháp luật, tôn trọng hành khách và trung thành với các giá trị mà mình đã dày công vun đắp, dựng xây. Cái gì là giá trị thực sự, sẽ còn.
Đó là sự cảnh báo với các xu hướng kinh doanh kiểu ăn xổi, chỉ lo tối đa hóa lợi ích của mình mà thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu sòng phẳng với những người đã đặt niềm tin ở mình. Cái hào nhoáng và bội tín, rồi sẽ qua đi.
Với các nhà quản lý, sự trở lại của xe khách tuyến cố định một lần nữa nhắc nhở rằng, thị trường và xã hội luôn vận động theo quy luật công bằng của nó. Vì vậy, nếu hành lang pháp lý không nắm bắt đúng đắn xu hướng của giá trị, không hoàn thiện khung pháp lý cho theo kịp để định hướng bảo vệ và giá trị, thì hành trình tự bảo vệ của những giá trị chân chính sẽ rất khó khăn. Nhiều rủi ro xã hội sẽ xuất hiện khi người dân bị lạc lối giữa vàng thau.
Thời của xe khách tuyến cố định đang trở lại, và cũng có thể sẽ tiếp tục đổi thay. Nhưng cái thế của sự đàng hoàng, của tinh thần trách nhiệm và chia sẻ trong quan hệ lợi ích xã hội, rõ ràng là một sự thật ổn định mà muốn kinh doanh bền vững, không ai có thể phớt lờ.
|
Hải Hà - Kiều Tuyết/VOVgiaothong.vn