Phát huy mảnh đất giàu tiềm năng
Những năm qua, du lịch giảm nghèo được Như Thanh chú trọng và trở thành một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung, tạo ra nhiều công việc mới cho người dân. Để làm được việc này, lãnh đạo huyện đã xây dựng cơ chế cho các hoạt động du lịch nhằm mở ra các cơ hội cho người dân ở mọi cấp độ và quy mô. Nhận định tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, huyện Như Thanh phấn đấu đến năm 2025, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, là một trong các trung tâm phát triển du lịch của tỉnh. Để đạt được mục tiêu ấy, lãnh đạo huyện xác định cần thiết phải phát huy mạnh mẽ lợi thế, truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người, biến thế mạnh thành động lực cho sự phát triển.
Huyện Như Thanh có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, bao gồm như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với hệ thống cảnh quan thiên nhiên kỳ thú: Bến En, hang Ngọc, hang Lèn Pót, thác nước dốc Bò Lăn… Đặc biệt khu dự án nghỉ dưỡng Bến En của Tập đoàn Sun Group và du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Yên Mỹ, được xác định là dự án trọng điểm không chỉ có huyện Như Thanh mà cả tỉnh Thanh Hoá.
Đối với mảng du lịch tâm linh, Như Thanh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam phong phú, đa dạng với 1 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phủ Na (xã Xuân Du); đền Bạch Y Công Chúa (xã Phú Nhuận); đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Mẫu Phủ Sung và di tích lịch sử quốc gia Lò Cao kháng chiến (thị trấn Bến Sung)… hằng nằm đều thu hút đông đảo khách du lịch thập phương tham quan, tín ngưỡng.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông của Như Thanh cũng thuận lợi cho kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và cả nước, như: có Quốc lộ 45 chạy qua nối với đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam nối đến Bến En, tiểu dự án 2 đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn, các tuyến đường tỉnh lộ 514, 520...
...Hướng đi mới để thoát nghèo
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Như Thanh đã áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Chương trình.
Và du lịch cộng đồng đang dần trở thành điểm nhấn tại nhiều địa phương. Từ chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ đủ ăn, những người dân nơi đây dần học cách làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Cùng với du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh thì gần đây những khu du lịch trải nghiệm, du lịch camping (cắm trại ngoài trời) đang phát triển rầm rộ. Mặc dù loại hình này mới phát triển tại địa phương kể từ khoảng đầu năm 2022, song đến nay du khách có thể dễ dàng tìm kiếm được nhiều địa điểm du lịch trải nghiệm, camping đẹp. Huyện đã triển khai hiệu quả đề án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Xuân Phúc và nhân rộng dự án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Xuân Thái; xã Cán Khê; thác nước dốc Bò Lăn, xã Thanh Tân; mó nước thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm; hang Ngọc, xã Xuân Khang; Eo Gắm, Eo Nga, xã Hải Long. Đồng thời, triển khai dự án du lịch nông nghiệp để du khách trải nghiệm tại xã Yên Thọ, xã Phú Nhuận và thị trấn Bến Sung…
Khác với cảm giác khi ở những khu nghỉ dưỡng sang trọng, tiện nghi, mỗi địa điểm du lịch trải nghiệm, camping tại Như Thanh đều mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo khi được tự do hòa mình vào thiên nhiên. Gắn liền với hình thức du lịch này thường là những hoạt động như dựng trại, đốt lửa trại, đi bộ, leo núi, tắm biển, câu cá, nấu ăn, tổ chức tiệc nướng, các hoạt động vui chơi, giải trí...
Là địa phương có đa số đồng bào dân tộc Thái, Mường cùng sinh sống, lại được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. Thời gian qua, huyện Như Thanh đã và đang phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch xanh. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên, vừa tạo nên những trải nghiệm mới cho du khách.
Được sự động viên, tuyên truyền của cán bộ phòng Lao động Thương binh và Xã hội, phòng Văn hóa thuộc UBND huyện, anh Lê Văn Niên, người con sinh ra và lớn lên ở vùng núi 135 xã Xuân Thái - thuộc vành đai hồ sông mực thơ mộng, đã bước đầu thành công trong mô hình làm du lịch cộng đồng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Cuối năm 2013 tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch nhưng do nhu cầu nhân lực nghành khách sạn không nhiều nên anh quyết định đi XKLĐ tại đất nước dầu mỏ Qatar. Sau 3 năm làm việc chăm chỉ anh đã có một số vốn nhỏ.
Anh Niên chia sẻ: “Đầu năm 2016 Tôi làm việc cho các tập đoàn du lịch trong tỉnh FLC , Dragon , Đảo Ngọc.... Tới đầu 2020 do tình hình dịch Covid - 19 các nhà hàng khách sạn điêu đứng và cắt giảm nhân sự. Một lần tình cờ vào Đà lạt tôi nhận thấy mô hình Glamping ( cắm trại sang chảnh) ở Đà Lạt rất phát triển do nhu cầu khách hàng hướng tới du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm. Vì vậy, tháng 3 năm 2020, tôi có mua lều và khung ngoài trời cùng với bếp nướng kết hợp các nguồn thực phẩm sẵn có trong địa phương làm khách hàng thấy hứng thú, vui vẻ và trải nghiệm. Từ đó, tôi bắt đầu đầu tư thêm về số lượng lều và không gian thích ứng hơn giữa 2 mùa của sông mực (mùa nước cạn và mùa mưa nước lớn.)”
Anh Niên kể, ban đầu anh đầu tư 200 triệu đồng, chi phí không đủ nên rất khó khăn. Nhưng được sự động viên và tạo điều kiện của chính quyền địa phương và ban Giám đốc vườn quốc gia Bến En nên anh đã vay mượn thêm để duy trì và phát triển. Đến nay, có rất nhiều nguồn khách trong và ngoài tỉnh về đây thăm quan Bến En và cắm trại; Kết hợp mô hình du lịch cộng đồng của người dân bản Mường, bản Thái địa phương như nhảy sạp, cồng chiêng... tạo nên sự đa dạng trong du lịch trải nghiệm.
Từ khi bắt đầu làm du lịch, anh Niên đã góp phần quảng bá nét đẹp địa phương tới bạn bè trong và ngoài nước, tiêu thụ nguồn sản phẩm trong xã, tạo công ăn việc làm cho người dân. “Tôi mong muốn người dân quê hương cùng làm du lịch, vì nơi đây có sẵn nền tảng thiên nhiên ban tặng, nhiều điểm thăm quan từ núi rừng, hang động, sông nước và bản sắc cộng đồng dân tộc. Từ làm du lịch, người dân có thể thoát nghèo thậm chí vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình”.
Đại diện lãnh đạo xã Xuân Thái cho biết: Địa phương có địa hình rộng, phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhiều khu rừng tự nhiên, dân số đông chủ yếu là người dân tộc Thái và Mường. Người dân nơi đây cần cù chịu khó, hiếu khách và vẫn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo như cồng chiêng, múa sạp, khua luống,...; có nhiều món ăn đặc sản. Với những tiềm năng sẵn có cùng chiến lược phát triển đúng đắn của tỉnh và huyện, tôi tin tưởng rằng Xuân Thái sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.