Tình trạng thiếu giáo viên cấp học mầm non, công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Trong đó Hà Nội thiếu nhiều nhất với 14.000 giáo viên, TP.HCM thiếu trên 9.000 giáo viên, tiếp sau là Nghệ An và Thanh Hóa. Trong khi đó, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm TP.HCM xung quanh nội dung này.
Tình trạng thiếu giáo viên lại được đề cập mỗi khi bước vào năm học mới. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Hiện tượng thiếu giáo viên trong các trường phổ thông không phải là mới, ở nước ta. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân thuộc về quy hoạch, thuộc về chính sách, nguyên nhân thuộc về số lượng học sinh tăng đột biến.
Hiện tại thì số lượng học sinh tính trên đầu một giáo viên được quy định hiện nay Việt Nam thì vẫn thuộc loại cao. Điều này đặc biệt cao ở khu vực thành thị, số lượng học sinh ở các lớp thuộc bậc tiểu học TP.HCM từ 49-52 em trên một lớp học, nghĩa là cao hơn rất nhiều lần, từ 1,5 - 2 lần so với quy định của Nhà nước. Đấy là điều cực kỳ khó khăn đối với giáo viên.
Thứ nhất, sự thiếu hụt giáo viên do sự đột biến sinh theo các năm theo các tuổi ở Việt Nam. Thứ hai là vì triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên dẫn đến sự thay đổi cơ bản về giáo viên, như giáo viên ngoại ngữ. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kĩ nhưng các trường Sư phạm được giao đào tạo giáo viên ngoại ngữ nhưng về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu về giáo viên ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Một số ý kiến cho rằng, việc quy định một định mức giáo viên/lớp, mức sỹ số học sinh/lớp chung cho cả nước là không phù hợp với thực tế, ông nghĩ sao về điều này?
Nếu chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất thì số lượng giáo viên còn có thể tăng hơn so với hiện tại. Tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn căng thẳng hơn nếu chúng ta áp dụng một cách chặt chẽ tỷ lệ học sinh tính trên đầu giáo viên khu vực đô thị, đặc biệt là hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội. Là vì chúng ta đã có yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng các khu dân cư mới để dành quỹ đất ra để xây dựng trường học. Khi có đất rồi cũng không khuyến khích các tổ chức tư nhân xây dựng các trường học trong khi Nhà nước chưa có điều kiện.
Nếu học trong khu vực tư thục thì phải đóng tiền cao hơn và đấy cũng là một cái khó khăn và cũng không phải là mục tiêu duy nhất mà giáo dục cần hướng tới. Về mặt cơ bản Nhà nước đầu tư cho việc xây dựng trường học mới trong các khu dân cư mới để đảm bảo là số lượng học sinh trong mỗi lớp học không tăng liên tục và mức độ phù hợp theo quy định của Nhà nước.
Thứ hai, đối với vùng nông thôn, các trường phổ thông ở nông thôn, một xã nhỏ, vài nghìn dân có có thể có một trường tiểu học. Vì thế, số lượng trẻ em tính trên đầu giáo viên tính theo lớp học bao giờ cũng ít, đặc biệt vùng miền núi.
Nếu chúng ta vẫn cứ hoàn toàn căn cứ vào số lượng học trò để giao chỉ tiêu, học sinh khu vực miền núi không nhiều và vì thế chỉ tiêu dành cho giáo viên miền núi theo tôi cũng nên có chính sách riêng biệt. Ví dụ nó có thể là không phải ở cái mức như ở khu vực đô thị để đảm bảo là biên chế ở trường phổ thông.
Thưa ông, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong các trường học, cần những giải pháp gì?
Nhà nước nên dành một khoản kinh phí hơn nữa, nên dành sự ưu tiên hơn nữa cho sự phát triển của giáo dục. Muốn dự báo đầy đủ số lượng giáo viên thì cần phải có một cái kho dữ liệu chung của quốc gia hàng năm về số lượng học trò, số lượng người được sinh ra hàng năm và như vậy đã có thể tính toán được số lượng học sinh trong từng năm một và có thể chủ động hơn trong phân bổ giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tôi thấy rất nhiều nước đã sử dụng giáo viên khác chúng ta một chút, tức là không hẳn chỉ là biên chế ở một trường. Đối với những môn học ít giờ dạy, giáo viên có thể dạy ở 2 trường để cho đảm bảo giờ dậy và như vậy chúng ta tiết kiệm được biên chế cho các trường hợp về việc này.
Theo tôi là nên trao cho các địa phương và cũng nên tính toán số giờ giảng của giáo viên trong một tuần cho phù hợp. Nếu giáo viên chưa đủ số tiết thì có thể sang dạy ở trường lân cận để thì sẽ sang trường lân cận dạy nếu được. Tôi nghĩ như thế là cần thiết.
Ngoài ra, tôi cũng xin có một đề xuất đó là đối với những môn học mà thực sự thiếu giáo viên, không phải chỉ 1 - 2 năm, mà có thể thiếu lâu dài 5 - 7 năm nữa như là tin học, nghệ thuật. Chúng tôi xin đề nghị là tính đến phương án là chúng ta có thể cho học trò đến các trung tâm chuyên đào tạo các môn học này, như tin học chẳng hạn.
Họ dậy những chương trình giống như chương trình phổ thông và nâng cao hơn trong khoảng thời gian rất ngắn để học trò có thể sử dụng công nghệ tốt đặc biệt là trong kỷ nguyên số như hiện nay. Còn những ngành nghệ thuật cũng đang rất thiếu giáo viên thì học sinh có thể học các trung tâm bên ngoài hoặc nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành dạy học ngoài giờ ở những môn học này.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOVGIAOTHONG.VN