Đà Nẵng: Chủ đầu tư Khu đô thị 'quên' xây trường học như đã cam kết

  • 02/09/2023 01:12:23
  • PV VOV miền Trung
  • Xã hội
  • 0

Ở một số khu đô thị hiện nay có tình trạng chủ đầu tư 'quên' xây trường học như đã cam kết, khiến người dân bức xúc.

 

Chủ đầu tư chỉ lo phân lô bán nền

Đầu năm học mới này, nhiều gia đình ở các khu đô thị mới tại thành phố Đà Nẵng phải chạy đôn, chạy đáo tìm trường cho con. Trong khi đó, khi giới thiệu dự án bán nền, chủ đầu tư các dự án khu đô thị cho biết sẽ có đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học, thiết chế văn hóa... Tuy nhiên, ở một số khu đô thị hiện nay có tình trạng chủ đầu tư “quên” xây trường học như đã cam kết, khiến người dân bức xúc.

Tại khu phức hợp đô thị thương mại cao tầng Phương Trang, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, trong quy hoạch khu đô thị này dành một phần đất để xây dựng trường học. Nhưng trên thực tế, lô đất dành cho xây dựng trường học đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc dày đặc, nơi để vật liệu xây dựng của các công trình xung quanh...

Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ XII, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiều đại biểu đề nghị thành phố Đà Nẵng quan tâm hơn việc xây dựng trường học tại các Khu đô thị mới.

Anh Nguyễn Văn Thành ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết: Khi mua đất ở dự án này được giới thiệu rất nhiều tiện ích về hạ tầng, cảnh quan, công viên, trường học... Nhưng đã mấy năm về sống ở đây, mọi người chưa thấy công viên, trường học nào. Anh Thành cho rằng, chủ đầu tư chỉ lo phân lô bán nền rồi mới tính đến chuyện xây trường.

Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) cam kết đầu tư 7 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, dân cư tại đây rất đông, khu đô thị gần như lấp đầy nhưng chưa thực hiện dự án trường học nào. Anh Đặng Thanh Tuấn ở nhà số 45, đường Thanh Lương 15, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho hay, khi mua đất nghe nói có trường học, công viên nhưng đến nay, khu đô thị Hòa Xuân vẫn chưa thấy có công viên, trường học nào. Hiện, con anh Tuấn đang học trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, phường Hòa Xuân. Sang năm, khi con vào học THCS, anh Tuấn chưa biết cho con đi học ở đâu, còn chờ chủ đầu tư xây trường học thì không biết đến bao giờ mới có.

“Coi bản đồ thì dự án có đủ an sinh như công viên, trường mầm non, tiểu học, cấp 2. Phương án thì có đấy nhưng vấn đề ở chỗ là hiện tại chỉ có trường cấp 1. Mong chờ chính quyền đề nghị chủ dự án có phương án xây dựng trường cấp 2 như đã cam kết với khách hàng để các cháu đi học thuận tiện hơn. Chứ bây giờ cho các cháu qua Nam Hòa Xuân tận Miếu Bông, Khuê Trung thì quá xa. Khu này phải băng qua đường Võ Chí Công, xe cộ rất đông”, anh Đặng Thanh Tuấn cho hay.

Khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân được giới thiệu là đầy đủ thiết chế văn hóa, trường học.

Theo cam kết của Chủ đầu tư thì tại Khu đô thị Sinh thái Hòa Xuân sẽ xây dựng 9 trường học. Hiện Khu đô thị này được đưa vào sử dụng nhiều năm, dân cư đã đông đúc nhưng chủ đầu tư chưa xây dựng một trường học nào. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ thì đến năm 2024, các trường học công lập tại phường Hòa Xuân sẽ quá tải và thiếu trường lớp rất trầm trọng. Ông Phan Phú Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết, trước năm học mới này, phường đã sửa chữa, cải tạo nhiều phòng học, đảm bảo cho học sinh đến lớp. Cụ thể như trường Tiểu học Trần Văn Dư chỉ có 30 phòng học nhưng số học sinh lên tới 38 lớp, địa phương phải cải tạo 8 phòng chức năng bộ môn để làm lớp học; Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa có 59 phòng học nhưng có đến 63 lớp, phường cũng phải cải tạo 4 phòng chức năng thành phòng học.

Ông Phan Phú Cương lo lắng: “Đối với khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân theo quy hoạch được thành phố phê duyệt năm 2018 sẽ có 18 trường học, trong đó Mầm non là 9 trường, Tiểu học là 5 trường, THCS là 3 trường và 1 trường THPT. Trong 18 trường này, nhà nước sẽ đầu tư 9 trường, còn lại, chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group sẽ xây dựng 9 trường. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đầu tư được 2 trường Mầm non của thành phố và xã hội hóa. Còn lại các trường THCS, Tiểu học đến hiện nay vẫn chưa đầu tư. Địa phương đã kiến nghị lên quận và thành phố rất nhiều lần”.

Cần có biện pháp xử lý mạnh tay

Ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, phần lớn các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng công trình nhà ở phục vụ mục đích kinh doanh, phân lô bán nền, chưa quan tâm xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống người dân trong phạm vi dự án. Theo ông Lợi, cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay, thành phố cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án cho tới kiểm tra, giám sát việc triển khai bởi đây là những vấn đề đã được pháp luật quy định rõ ràng.

Ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng phát biểu tại Kỳ họp thứ XII- HĐND TP Đà Nẵng Khóa X.

Ông Trần Tuấn Lợi lý giải: Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Nghị định của Chính phủ như 37/2010/NĐ-CP; 44/2015/NĐ-CP.v.v.. đều quy định cụ thể và bắt buộc về đất dùng để xây dựng công trình văn hóa giáo dục. Hay theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia Việt Nam (quy mô tối thiểu của công trình, dịch vụ cấp đơn vị ở) thì với trường mầm non, cứ 1.000 dân/50 cháu, chỉ tiêu đất là 12 m2/cháu; trường tiểu học cứ 1.000 dân/65 học sinh, với chỉ tiêu đất là 10 m2/học sinh…

Quy định rất rõ như vậy nhưng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được duyệt còn rất lỏng lẻo, thiếu kiên quyết đã gây ra áp lực lớn về việc phát triển giáo dục tại các khu đô thị.

Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng còn nhiều dự án sau khi đưa vào sử dụng vẫn thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu. Thực trạng chủ các dự án Khu đô thị “bỏ quên” xây dựng trường học không chỉ xảy ra ở Khu đô thị Sinh thái Hòa Xuân mà còn phát sinh tại một số khu đô thị khác trên địa bàn thành phố. Ông Lợi cho biết thêm, Khu đô thị Golden Hills xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu quy hoạch 13 trường, nay mới xây dựng 1 trường.

Trước thực trạng này, thành phố Đà Nẵng cần tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát chuyên đề, làm rõ tình hình thực thi pháp luật tại các dự án Khu đô thị; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể, giải quyết dứt điểm chuyện thiếu trường học, công viên.

Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, trong quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu và chi tiết đều tính toán bảo đảm đủ trường học. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra tình trạng thiếu trường tại một số khu vực trên địa bàn có mật độ dân số tăng nhanh, gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, sở sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết tại các dự án khu đô thị đã được phê duyệt.

Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, phường Hòa Xuân đã quá tải.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hầu hết các Đồ án quy hoạch đều có bố trí đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là các trường học. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư chưa triển khai theo quy hoạch được duyệt. Cho nên hiện nay một số khu đô thị mặc dù dân cư ở khá đông nhưng các trường học, các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ. Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở ngành kiểm tra việc đầu tư của chủ đầu tư, có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc này. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối với các sở, ngành, UBND các quận/huyện rà soát lại, kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư triển khai theo đúng quy hoạch được duyệt”.

Tình trạng thiếu trường công lập mẫu giáo, tiểu học tại các Khu đô thị mới dẫn đến việc phụ huynh học sinh phải đưa con đi học nơi khác, gây ra nhiều hệ lụy. Người dân mong muốn chính quyền thành phố Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường lớp và các công trình hạ tầng xã hội ở nơi "thành phố đáng sống"./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận