Vấn nạn khai thác giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân. Một trong những công cụ “tiếp tay” cho hành động này là máy kích giun - sản phẩm được bán phổ biến trên nhiều trang web, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Nhằm góp thêm tiếng nói trong việc chung tay giải quyết vấn nạn tận diệt giun đất đang hoành hành tại nhiều địa phương, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi Thư kiến nghị tới 03 nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và 02 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada), qua đó đề nghị các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun trên toàn hệ thống bán hàng, góp phần ngăn chặn nguồn cung cấp công cụ/thiết bị khai thác giun theo hướng tận diệt.
Vấn nạn khai thác giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân. Một trong những công cụ “tiếp tay” cho hành động này là máy kích giun – sản phẩm được bán phổ biến trên nhiều trang web, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đều xây dựng chính sách bán hàng riêng nhằm cấm, hạn chế hoặc không hỗ trợ bán đối với một số mặt hàng/nhóm hàng không phù hợp.
Trong đó, một số bên có công bố danh sách cấm bao gồm “Thiết bị hoặc công cụ săn bắn có thể gây hại cho động vật hoặc con người”. PanNature cho rằng máy kích giun hiện đang được bán phổ biến trên các nền tảng online thuộc danh mục này và cần được áp dụng chính sách kiểm soát, loại bỏ tương ứng như các sản phẩm bị cấm.
Bằng việc gửi Thư kiến nghị, PanNature đề nghị các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử thực hiện hiệu quả chính sách bán hàng đã công bố, đồng thời cân nhắc cập nhật, bổ sung và áp dụng một số biện pháp cấp bách bao gồm: Rà soát và loại bỏ mặt hàng máy kích giun trên toàn bộ hệ thống sàn thương mại điện tử/nền tảng mạng xã hội; Rà soát và loại bỏ tất cả các nhóm sản phẩm gây hại tương tự như: máy kích điện dùng để bắt cá, bẫy động vật…;
Có cơ chế cảnh báo, xử lý đối với các tài khoản đăng bán các sản phẩm này; Có cơ chế ghi nhận phản hồi, kiến nghị của người dùng và các bên liên quan về những sản phẩm hoặc chính sách bán hàng chưa phù hợp, có thể gây thiệt hại/ảnh hưởng cho con người, động vật, tài nguyên thiên nhiên; Thúc đẩy truyền thông về các sản phẩm gây hại đối với các loài động, thực vật hoang dã và thiên nhiên.
Việc thực hiện nghiêm chính sách bán hàng và kiểm soát hiệu quả tất cả các sản phẩm trong danh sách cấm không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của các đơn vị mà còn góp phần thúc đẩy kinh doanh thương mại có trách nhiệm tại Việt Nam và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN