Trao đổi với phóng viên VOV, TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E), cách đây 3 năm, trung bình mỗi ngày các bác sĩ trong khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nam đến khám, nhưng hiện tại, con số này đã tăng lên gấp 4-5 lần. Lứa tuổi mắc bệnh từ học sinh, sinh viên tới người cao tuổi, gồm cả người đã quan hệ tình dục và người chưa từng quan hệ, mặt bệnh cũng phong phú hơn, từ vấn đề bệnh lý, sinh lý tới thẩm mỹ.
Cùng với khám, chữa bệnh thuần túy, nam giới hiện nay cũng rất quan tâm đến các dịch vụ thẩm mỹ nam khoa. Đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, thậm chí làm đẹp trong nam khoa, hàng loạt dịch vụ, phòng khám ra đời. Bên cạnh cơ sở uy tín, được cấp phép, còn rất nhiều phòng khám hoạt động chui, quảng cáo sai lệch, “vẽ bệnh” để kiếm tiền.
Đang “lành” thành “què”
Chỉ cần gõ từ khóa “khám nam khoa uy tín” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, trong vòng 0,58 giây đã có khoảng 102.000.000 kết quả kết quả được hiển thị. Để thu hút sự quan tâm của khách hàng, các phòng khám đưa ra rất nhiều lời quảng cáo “bắt tai”, phổ biến nhất là những lời mời sử dụng dịch vụ “tăng size” bằng cách tiêm filler, đặt túi độn, bôi thuốc… được khẳng định là: Không đau, không xâm lấn, không cần nghỉ dưỡng, tăng từ 3-6cm ngay sau khi làm dịch vụ, làm 1 lần duy nhất nhưng bảo hành trọn đời...
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, có rất nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn trong những dịch vụ trên, chưa kể đến việc, không phải cơ sở nào cũng được cấp phép chính thức. Ngay cả một số bệnh viện lớn có chuyên khoa Nam học tại Việt Nam hiện nay, dù trang thiết bị sẵn có, bác sĩ tay nghề cao, nhưng vẫn có một số danh mục chưa được Bộ Y tế cấp phép; bởi trước khi cấp phép các danh mục đó phải thông qua quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt, tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Vậy nhưng các phòng khám tư, điều kiện cơ sở, nhân lực có thể không bằng… lại thực hiện một cách dễ dàng. Trường hợp cơ sở đó được cấp phép, sản phẩm sử dụng cho bệnh nhân vẫn là một dấu hỏi bởi chưa chắc đã truy xuất được nguồn gốc.
Theo TS.BS Liên, đơn cử câu chuyện đặt túi độn để làm to kích thước “cậu nhỏ”, nếu được cấp phép, các bệnh viện công lập chắc chắn sẽ làm rất chính quy, chi phí rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đến phòng khám tư, bệnh nhân vừa phải chịu chi phí đắt đỏ, lại phải đối diện nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe.
“Vì khi đặt một vật nhân tạo vào cơ thể con người không hề đơn giản, cần tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc đến cả tình trạng sức khỏe để quyết định có thể làm hay không. Đã có không ít trường hợp đang “lành” thành “què”, phải đến bệnh viện bóc túi độn, xử lý viêm nhiễm, tạo hình lại… sau khi trải nghiệm ở phòng khám tư”, BS Liên nói.
“Vẽ bệnh, moi tiền ngay trên bàn mổ”
Trong quá trình chữa bệnh BS Nguyễn Hoàng Hiệp, Trung tâm Y học giới tính (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) từng “cấp cứu” cho nhiều trường hợp gặp bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, trước đó vì ra phòng khám “chui” bên ngoài khám, điều trị nên gặp “nạn”.
“Với bệnh lây truyền qua đường tình dục mà nguyên nhân do vi khuẩn, việc chữa trị khá dễ, dùng thuốc uống từ 5-10 ngày là có thể khỏi. Nhưng nhiều bệnh nhân khi tới phòng khám không uy tín kiểm tra, không chỉ được chẩn đoán viêm nhiễm mà còn bị bác sĩ gạ cắt bao quy đầu. Các bệnh nhân này kể lại, họ được bác sĩ tư vấn rằng nguyên nhân gây viêm là do bao quy đầu dài, phải cắt đi để ngừa bệnh. Trong khi theo phác đồ y khoa, nhất là khuyến cáo của Hội Nội tiết châu Âu, cắt bao quy đầu chỉ được khuyến cáo nếu bệnh đi kèm sùi mào gà ở diện cần cắt, còn lại về cơ bản sẽ không có chỉ định này.
Một số trường hợp khác, bệnh nhân viêm niệu đạo, nhưng để “moi tiền” bệnh nhân, phòng khám “chui” đã nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh, tư vấn bệnh nhân điều trị bằng bơm rửa bàng quang. Nhưng đây là phương pháp chống chỉ định với điều trị viêm niệu đạo, vì sẽ làm vi khuẩn đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang, dẫn vi khuẩn lên thận, gây tổn thương cả hệ thống tiết niệu. Nếu nhiễm trùng nhẹ, bệnh sẽ dai dẳng khó chữa; nếu biến chứng nặng, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, thậm chí dẫn đến tử vong”, BS Hiệp nêu ví dụ.
Thực tế hiện nay, tình trạng người bệnh lên bàn khám, bàn phẫu thuật rồi bị bác sĩ “vẽ bệnh”, hét giá điều trị với mức “cắt cổ”, sập bẫy quảng cáo của phòng khám nước ngoài không phải hiếm. Một minh chứng mới đây là trường hợp nam bệnh nhân tới khám tại Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (TP.HCM). Lúc đầu, bác sĩ thông báo mức phí cho thủ thuật cắt bao quy đầu của bệnh nhân là 7 triệu đồng. Trong quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân lại được vẽ thêm bệnh khác và yêu cầu đóng bổ sung 15 triệu đồng. Khi nhận được phản ánh qua đường dây nóng về dấu hiệu “vẽ bệnh moi tiền” tại phòng khám trên, Sở Y tế TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra. Ghi nhận có tình trạng như phản ánh, Sở Y tế đã làm việc và xử lý vi phạm của phòng khám theo quy định của pháp luật.
“Có thể nói nhu cầu về điều trị, làm đẹp trong lĩnh vực nam khoa bây giờ rất lớn. Trong khi số lượng cơ sở điều trị uy tín về nam khoa (gồm cả bệnh viện và phòng khám tư) dù có nhưng không quá nhiều. Cầu vượt cung, cộng với tâm lý e ngại, muốn tìm đến cơ sở tư nhân để không bị chờ đợi, nên nhiều bệnh nhân lên mạng tìm hiểu; kết quả là “sập bẫy” quảng cáo thổi phồng của phòng khám tư không uy tín, phòng khám có yếu tố nước ngoài… và trở thành nạn nhân bị moi tiền. Sau điều trị, tình trạng bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn chuyển nặng hơn. Bởi vậy, khi nghi ngờ sức khỏe có vấn đề, mọi người cần thật tỉnh táo, biết lựa chọn cơ sở khám, điều trị uy tín để không rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”, TS.BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo.
Thiên Bình/VOV.VN