Thông xe cao tốc Bắc-Nam: 'Kéo' miền Trung về gần Hà Nội

Nhà thầu cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đang huy động "3 ca, 4 kíp" hoàn thành các công đoạn cuối, sẵn sàng thông xe trước ngày 2/9.

 

Cùng với việc đồng thời hoàn thành 2 đoạn tuyến gần 10km cuối thuộc dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Nghi Sơn-Diễn Châu, dự án cao tốc Bắc-Nam “thông mạch” sẽ “kéo” miền Trung về gần Hà Nội, tạo điều kiện cho khu vực bứt phá, vươn lên...

Từ Hà Nội đi Nghệ An còn 4,5 giờ

Tính đến thời điểm này đã có 6/11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 1) với tổng chiều dài 425km đã hoàn thành. Còn lại 5 dự án thành phần chưa thông xe, trong đó cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ chính thức về đích trong lễ Quốc khánh 2/9.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thông xe dịp 30/4.Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, tuyến cao tốc có chiều dài tuyến là 43,28km, đi qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này, các nhà thầu đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, thi công “xuyên đêm”, hoàn thiện các hạng mục cuối cùng nhằm thông xe tuyến chính vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới đây.

Trên tất cả công trường, không khí thi công đang diễn ra vô cùng khẩn trương, hối hả để kịp đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 cho biết, thời gian vừa qua, các nhà thầu của dự án đã huy động tối đa về dây chuyền thiết bị và nhân công, triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, hiện 9,7km cuối tuyến đã hoàn thành toàn bộ phần tuyến chính để đáp ứng tiến độ thông xe cùng các dự án khác, dự kiến vào đầu 2/9 tới.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chuẩn bị thông xe.“Đoạn tuyến 9,7km từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối dự án đã hoàn thành phần tuyến chính, hiện đang thi công hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông và đường gom, phấn đấu đến hết tháng 8 sẽ thi công xong cơ bản phần nền, móng đường gom, bảo đảm kết nối dân sinh, không ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực khi tuyến chính đưa vào khai thác”, ông Long cho biết.

Cần phải nhắc lại rằng, Mai Sơn-Quốc lộ 45 là một trong 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam (giai đoạn I), theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2022.

Tuy nhiên, do các yếu tố bất thuận đó đã khiến dự án phải lùi thời điểm hoàn thành sang dịp 30/4 và đoạn tuyến cuối gần 10km được phép hoàn thành đồng thời với dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu vào dịp Quốc khánh này.

Đoạn “gạch nối” gần 10km sau nút giao Đông Xuân đến Quốc lộ 45 có ý nghĩa làm “liền mạch” tuyến cao tốc từ Hà Nội thẳng tới Diễn Châu (Nghệ An).

Một nút giao trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chuẩn bị thông xe.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, với nhiệm vụ thông tuyến chính dịp Quốc khánh 2/9, Ban Quản lý dự án, Ban điều hành và nhà thầu, tư vấn giám sát…đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết theo từng ngày để không bị trễ hẹn và phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

“Tại gói thầu XL1, khối lượng chính tuyến chủ yếu còn lại gồm 6.500m3 (khoảng 1,15km) cấp phối đá dăm, rải bê-tông nhựa; 259 cấu kiện dải phân cách giữa chưa đúc; hạng mục an toàn giao thông đã sản xuất đủ 100% và đang triển khai lắp đặt dải phân cách giữa còn 8,75/11,77km; lắp đặt hộ lan tôn lượn sóng còn 11,139/21,3km;

Lắp đặt biển báo trên đường cao tốc (tuyến chính) còn 65/72 cái. Tiến độ gói thầu XL1 bị chậm trong thời gian vừa qua do thời điểm giữa tháng 8, gần như ngày nào cũng có mưa, khiến khối lượng thi công không đạt được theo kế hoạch, dù các nhà thầu đã hết sức tích cực đẩy nhanh tiến độ”, ông Lê Thắng đánh giá.

Hầm Thung Thi trên cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 thông xe dịp 30/4.Tương tự, công tác thi công tại cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu đang trong những công đoạn cuối. Với tổng chiều dài 50km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5km và Nghệ An 43,5km.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chính là đoạn nối tiếp giữa cao tốc QL45-Nghi Sơn các đoạn tuyến khác của cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở khu vực miền Trung và phía Nam.

Ông Phạm Quang Mạnh - Giám đốc điều hành gói thầu XL04 cho biết, Tập đoàn Cienco4 đã đưa hạng mục bê tông nhựa về đích, sẵn sàng mục tiêu thông xe cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu trước ngày 2/9.

“Dù hiện khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng phần lớn lại là những việc cần sự tỉ mẩn, chi tiết như dựng dải phân cách, gia cố mái taluy, đóng cọc hàng rào bảo vệ, hàng rào hộ lan, lắp đường ống điện, cấp thoát nước…nên tất cả các công nhân, kĩ sư đều làm việc hết sức tập trung. Mục tiêu đưa ra không chỉ là bảo đảm tiến độ công việc mà còn phải bảo đảm chất lượng công trình để dự án đưa vào khai thác trong tình trạng tốt nhất”, ông Mạnh cho biết.

Với việc đồng thời hoàn thành đoạn tuyến gần 10km cuối thuộc dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và dự án Nghi Sơn-Diễn Châu, dự án cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn 1) sẽ “thông mạch” từ Hà Nội tới Diễn Châu (Nghệ An).

Kéo “khúc ruột miền Trung” gần hơn với Thủ đô

Lâu nay, ngoài miền núi phía Bắc thì giao thông khu vực miền Trung vẫn luôn được coi là một trong những nơi đi lại khó khăn và giao thông không thuận tiện. Với đặc trưng địa hình kéo dài, hẹp ngang lại liên tục bị chia cắt bởi địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng, thêm vào đó, đặc điểm thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều bão lũ cũng là một trong những nguyên nhân khiến mạng lưới giao thông khu vực miền Trung nước ta còn nhiều hạn chế và khó khăn.

Những khó khăn đó sẽ được tháo gỡ khi dự án cao tốc Bắc-Nam đi vào hoạt động, sẽ mang tới một cuộc cách mạng thật sự cho hạ tầng giao thông của "khúc ruột miền Trung”.

Hối hả thi công Nghi Sơn - Diễn Châu để kipk thông xe vào 2/9.Hai đoạn tuyến QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe trong ít ngày tới sẽ hợp với cao tốc Mai Sơn-QL45 trước đó, hình hài tuyến cao tốc Bắc-Nam dọc miền Trung đang dần thành hình theo đúng kế hoạch Chính phủ giao cho Bộ GTVT cũng như sự mong mỏi của người dân khu vực miền Trung.

Ông Nguyễn Phú Cường ở thị xã Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa không giấu hết niềm vui cho biết: Thấy đường cao tốc sắp hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi.

 “QL1 đang trở nên chật chội, quá tải do lưu lượng phương tiện tăng nhanh, mất an toàn giao thông. Cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động sẽ đảm bảo giao thông thông suốt, chắc chắn sẽ kéo theo việc giao thương, buôn bán thuận lợi từ đó đưa kinh tế phát triển thêm”, ông Cường bộc bạch.

Thi công Nghi Sơn - Diễn Châu.Với đoạn cao tốc QL45-Nghi Sơn, đoạn qua Thanh Hóa, các phương tiện có thể dễ dàng đi từ xuống nút giao Vạn Thiện giao QL45 rồi từ đó thẳng về TP Thanh Hóa, gần hơn rất nhiều so với đi QL1A.

Bên cạnh đó, từ QL45, người dân có thể xuống khu du lịch biển nổi tiếng Sầm Sơn hay đến bờ biển Tiên Trang còn sơ khai đậm chất làng chài ở huyện Quảng Xương. Hay như cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi đi qua cầu vượt hồ Yên Mỹ, đến nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, phương tiện có thể xuống tại nút giao lưu thông trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành về hướng Đông để xuống Khu kinh tế Nghi Sơn - nơi có nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và hệ thống cảng biển logistics; xuống vùng biển Hải Hòa, Tĩnh Gia...

Cùng chung niềm vui, ông Hồ Văn Bằng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, sau khi cao cao tốc Bắc-Nam đi vào hoạt động, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao nhưng chắc chắn sẽ “kéo khúc ruột miền Trung” gần hơn với Thủ đô.

Hối hả thảm nhựa mặt đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, chuẩn bị thông xe dịp 2/9“Chúng tôi ao ước có tuyến cao tốc này lâu lắm rồi, nay sắp thành sự thật. Vui, phấn khởi lắm... Rồi đây, chúng tôi đi thăm con, cháu học tập, làm ăn ngoài Hà Nội cũng sẽ dễ dàng hơn. Nếu trước đây phải đi cả đêm để sáng hôm sau ra tới nơi thì nay sáng đi, trưa là đã có mặt rồi. Chắc chắn hàng hóa sau này vận chuyển ra cũng sẽ được thuận tiện hơn nhiều”, ông Bằng nói.

Theo các chuyên gia, trong 5 năm tới khi thông toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP Cần Thơ, các tỉnh miền Trung sẽ có thêm khoảng 700km đường cao tốc, biến cao tốc Bắc - Nam trở thành tuyến hạ tầng động lực, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.

Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung trở thành khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất nước. Với vai trò là hành lang xương sống của cả nước, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, trong đó, 14 tỉnh miền Trung. Đây sẽ “đòn bẩy” thực sự thúc đẩy kinh tế miền Trung bứt phá.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhiều lần khẳng định, quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ "có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại", thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng./.

Phi Long/VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận