Không chỉ quy định tốc độ thay đổi liên tục theo đoạn đường, thiếu trạm dừng nghỉ, mà việc tổ chức giao thông phức tạp, đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường mỗi nơi một kiểu cũng khiến nhiều người bối rối, dò dẫm hoặc dựa vào kinh nghiệm để đi, vừa đi vừa phập phồng lo bị phạt.
Giống như nhiều anh em lái xe ở các tỉnh thành khác, anh Vũ Trọng Tuệ, tài xế taxi công nghệ ở Hải Phòng, rất “ngại” lên Hà Nội vì không thông thạo đường sá, đặc biệt là hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường. Vừa lái xe vừa “căng mắt” nhìn biển báo, dù chỉ một đoạn ngắn trong phố, cũng khiến anh Tuệ căng thẳng chẳng kém gì chạy xe đường dài liên tục trong nhiều giờ
“Có những cụm đèn bị khuất xe tải phía trước, xe con đi nối đuôi nhau mà không quen đường là dẫn đến vượt đèn đỏ. Nhiều biển báo bị che bởi cây, biển quảng cáo, khuất tầm nhìn ở ngã ba, ngã tư. Lái xe ở tỉnh khác đến, không thường xuyên qua lại thì rất là khó nhận biết”, anh Tuệ cho biết.
Tổ chức giao thông phức tạp, đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường mỗi nơi một kiểu khiến nhiều người bối rối, dò dẫm hoặc dựa vào kinh nghiệm để đi cho đúng. (Ảnh minh họa)Sự phức tạp của hệ thống báo hiệu và tổ chức giao thông trên nhiều tuyến đường được VOV Giao thông đề cập không ít lần. Trong năm 2022, các trường hợp được phản ánh nhiều nhất là: đèn tín hiệu từ đường Giải Phóng rẽ phải vào Đại Cồ Việt bị che khuất bởi mái che của hầm bộ hành; biển cấm xe tải theo giờ tại ngã ba Tân Phong - Liên Mạc nhìn từ góc nào cũng không rõ; hay vạch xương cá trên đường Vành đai 3 khiến người đi đường “tiến thoái lưỡng nan”…
Những bất cập ấy như “đánh đố” người đi đường, nhất là trong giờ cao điểm ùn tắc, xe cộ chen lấn nhau. Muốn đi đúng, lái xe chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, còn kinh nghiệm sẽ có sau những lần bị xử phạt.
Anh Lê Vĩnh Tiệp, ở Thanh Trì, Hà Nội, vẫn còn nguyên tâm trạng ấm ức sau lần nộp phạt cách đây nửa năm. Đoạn đường từ Phùng Hưng, Hà Đông rẽ phải vào đường 19/5 có biển cấm ô tô theo giờ (6h - 9h). Vấn đề là biển cấm này đặt tại vị trí mà phải đi vào mới nhìn thấy: “Để người ta rẽ vào rồi mới nhìn thấy thì đã phạm luật rồi còn đâu, nó không có tác dụng cảnh báo hay hướng dẫn gì cho tài xế cả. Bây giờ mà bảo đưa ra những cái biển đấy để “bẫy” người dân thì cũng không thực sự đúng, nhưng nếu nó tồn tại quá lâu thì gây ra sự ức chế. Đầu tiên luật phải đúng, phải để cho người ta phục đã, còn nó không hợp lý thì người ta nộp tiền phạt nhưng cảm thấy không hài lòng”.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức đánh giá, nếu hệ thống báo hiệu không truyền tải thông tin đầy đủ và kịp thời thì sẽ khiến người lái xe căng thẳng hơn, hoặc phân tán sự tập trung trong quá trình điều khiển phương tiện, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn: “Có những nơi rất cẩn thận, biển báo, vạch kẻ rõ ràng. Có những nơi không được như thế, chỗ nào không tốt thì đương nhiên trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đấy. Bản thân hệ thống biển báo và thiết bị trên đường bị tác động bởi môi trường, lúc nào cũng đầu tư mới thì sẽ rất tốn kém, quan trọng nhất là phải có sự quan tâm, bảo dưỡng thường xuyên”.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cũng chỉ ra một thực tế khác là việc đặt biển báo giao thông ở Việt Nam hiện nay có phần không theo kịp thời đại: “Trước đây, khi các tuyến phố còn nhỏ thì các biển báo giao thông đặt ven đường là đủ để người đi đường thấy được. Nhưng hiện nay, người điều khiển phương tiện ô tô rất khó quan sát được biển báo giao thông bên lề đường, một số trường hợp nhận biết rồi thì không còn đủ cự ly để đi đúng theo hướng dẫn.
Ở các nước tiên tiến, biển báo được đặt rất to, rõ ràng, được đặt trên giá long môn có thể nhận thấy được từ xa. Sẽ rất cần cơ quan chức năng rà soát, và trong trường hợp cần phải cải thiện thì cần sớm có sự thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lái xe”.
Trong năm 2021, đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được hơn 2.000 phản ánh của người dân về giao thông vận tải đường bộ. Những thông tin này được chuyển đến Sở GTVT các tỉnh thành, các cơ quan có trách nhiệm để khắc phục. Dù vậy, không phải bất cập nào cũng được xử lý tức thời. Có những trường hợp được khắc phục ngay khi đơn vị duy tu dùng vốn bảo dưỡng thường xuyên như: dặm, vá, sơn, thay biển báo kinh phí nhỏ lẻ. Có những trường hợp cần thời gian, phải giải phóng mặt bằng, lập dự án theo trình tự thủ tục mới triển khai được.
Như vậy, quản lý giờ lái xe liên tục trong mỗi ca lái và tổng số giờ lái xe mỗi ngày hướng tới đảm bảo sức khỏe, sự tập trung cho tài xế để là cần thiết. Song rõ ràng, để cải thiện ATGT, cần nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa, để khắc phục, giảm thiểu các yếu tố đang là tác nhân chính gây mệt mỏi, mất tập trung cho người lái xe, mà sự thay đổi liên tục của giới hạn tốc độ, sự thiếu đồng nhất và khó hiểu của biển báo, vạch kẻ đường, sự thiếu hụt nghiêm trọng các trạm dừng nghỉ… là những tác nhân cần phải rà soát và khắc phục ngay, trước khi tính đến việc siết chặt hơn quy định về giờ giấc.
Theo VOVGIAOTHONG.VN