Thận trọng trước đề xuất 'bãi bỏ thẩm quyền dừng xe' của thanh tra giao thông

  • 23/08/2023 11:24:00
  • VOV-Giao thông
  • Xã hội
  • 0

Việc đề xuất bỏ thẩm quyền dừng xe đang lưu thông của thanh tra giao thông nhằm tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của hai lực lượng...

 

Ở điều kiện Việt Nam hiện nay, lực lượng công an không thể làm xuể được. Vì vậy, ngành giao thông có thêm thanh tra để tuần tra, xử lý vấn đề về giao thông. Điều này, hai bộ cần bàn với nhau kỹ lưỡng.

Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng phương tiện của thanh tra giao thông. Theo đề xuất, lực lượng này sẽ chỉ thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tĩnh về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải… Cảnh sát giao thông sẽ là lực lượng duy nhất có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông trên đường để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Dự luật Đường bộ đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của Thanh tra giao thông vận tải. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ làm giảm hiệu lực của thanh tra giao thông.Đại diện Bộ GTVT giải thích: Việc đề xuất bỏ thẩm quyền dừng xe đang lưu thông của thanh tra giao thông nhằm tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của hai lực lượng, tương ứng với mục tiêu hướng tới của 2 dự án luật (luật còn lại là luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo).

Xung quanh đề xuất này, có ý kiến đồng tình cho rằng, cần tách bạch rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của hai lực lượng. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, cho rằng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của Thanh tra giao thông. Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có quan điểm thế nào về đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của Thanh tra giao thông?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Về vấn đề này, tôi cho rằng, Bộ Công an và Bộ GTVT cần bàn bạc kỹ lưỡng chứ không nên tách ra như vậy. Trước đây, Thanh tra giao thông được quyền dừng xe, kiểm tra và xử lý trong những trường hợp có thể. Nhưng điều này trùng lặp với chức năng của công an. Nên người ta muốn Thanh tra giao thông không dừng xe phân động nữa, chỉ được kiểm tra, xử lý phần tĩnh thôi. Đó là ý kiến của người làm luật.

Nhưng ở điều kiện Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, lực lượng công an không thể làm xuể được. Nói cách khác, nếu làm hết trách nhiệm mới đạt yêu cầu, nhưng có những khi chưa làm hết chức năng, có những nơi chỉ thấy thanh tra mà không thấy công an. Vì vậy, ngành giao thông có thêm thanh tra để tuần tra, xử lý vấn đề về giao thông. Điều này, theo tôi hai bộ cần bàn với nhau kỹ lưỡng.

PV: Như vậy, theo ông, không nên bãi bỏ thẩm quyền dừng xe của thanh tra giao thông và giữ nguyên thẩm quyền hiện tại như Thông tư 02 năm 2014 của Bộ GTVT?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Quan điểm của tôi, đã có thanh tra thì nên cho người ta quyền dừng xe. Cả nước có khoảng 2 vạn thanh tra giao thông, người ta cũng đóng góp cho vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Một số người chỉ đồn đại, chỉ nhìn vào tiêu cực của ngành thanh tra, ngành công an thôi, mà họ không nhìn vào tác dụng thực tế của họ. Có người kiểm tra, xử lý thì tính răn đe nâng lên, những vi phạm mất an toàn giao thông mới giảm, như vấn đề xì ke, ma tuý, nồng độ cồn, đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Có thanh tra giao thông thì cũng tăng thêm hiệu lực, giúp sức công an trong các vấn đề này.

Quan điểm của tôi là thanh tra cũng được quyền dừng xe như công an, nhưng hai lực lượng này có gì khác nhau trong hoạt động thực tiễn thì hai bộ phải làm việc với nhau.

Cái từ thanh tra đâu dễ mà có từ ấy. Đó là chức năng xử lý vấn đề trên đường, cần cho họ chức năng dừng xe kiểm tra, và những người dừng xe đó cần có lệnh của Bộ GTVT và thậm chí là lệnh của Bộ GTVT. Cần minh bạch hoá vấn đề.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chu Đức/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận