Phát triển bền vững cần trở thành bản năng

Khi hàng loạt diện tích cây rừng bị thay thế bằng cây trồng nông nghiệp, giới khoa học đã nhìn thấy ngay điều gì sẽ xảy ra.

 

Các cảnh báo đã được gióng lên ở các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các biện pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục, phòng ngừa các thiệt hại do sạt lở gây ra, trong đó thẳng thắn đề cập việc rà soát tình trạng chấp hành quy định về trật tự xây dựng.

Đây là cơ sở rất quan trọng để tiến tới quy trách nhiệm trong các vụ sạt lở, chứ không thể cứ mãi đổ tại ông trời. Và quan trọng hơn, căn cơ hơn, là một tư duy về phát triển bền vững cần được thấu suốt đến từng lãnh đạo quản lý, như một bản năng.

Trong Công điện của Thủ tướng yêu cầu tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét vừa ban hành ngày 8/8, nội dung đầu tiên của nhóm giải pháp lâu dài được đề cập, là tập trung rà soát, xử lý, chấn chỉnh các nguyên nhân là “nhân tai” trong các vụ sạt lở.

Đó có lẽ là nội dung được chú ý và mong chờ nhất, trước các sự cố sạt lở liên tiếp xảy ra, chỉ trong vài tuần trở lại đây.

Bởi các vụ sạt lở liên quan đến địa chất địa tầng, mùa mưa bão năm nào cũng có. Người dân phần nào chấp nhận đó là một phần không thể tránh khỏi ở một đất nước nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi cao nguyên. Các vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh cũng không phải bây giờ mới xảy ra, triều cường và biến đổi khí hậu là những lý giải phần nào được chấp nhận.

Nhưng cho đến khi xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng ở Tây Nguyên và đặc biệt là ngay tại Hà Nội, thì những lý giải trước đó đã không còn thuyết phục. Và nó hoàn toàn không phải là diễn biến bất ngờ. Nó chỉ bất thường so với các quy luật của tự nhiên.

Khi hàng loạt diện tích cây rừng bị thay thế bằng cây trồng nông nghiệp, giới khoa học đã nhìn thấy ngay điều gì sẽ xảy ra. Các cảnh báo, nhất định đã được gióng lên ở các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành.

Khi hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái đua nhau mọc lên như nấm sau mưa ở vùng ven của Hà Nội - mà rất nhiều trong số đó thuộc phạm vi của đất rừng, của các thảm thực vật dự trữ, với những con đường cứ san đồi, vạt núi mà mở, với các công trình cứ san phẳng mà xây, thì đến người nông dân cũng hiểu rằng, những cấu trúc cân bằng vốn có của tự nhiên đã không còn. Sự bất ổn, sớm muộn gì rồi cũng đến.

Và nó đã đến. Hà Nội sau vài năm hân hoan với những doanh thu đem lại từ phân khúc du lịch nghỉ dưỡng ven đô, nay các tài xế đã được một phen hoảng hồn khi hàng chục ô tô bị đất vùi lấp do sạt lở, ngay trên những con đường tưởng rất đỗi nên thơ đi vào khu nghỉ dưỡng.

Địa phương có cái khó của địa phương. Bộ ngành có những bộn bề của bộ ngành. Nhưng dù thế nào, đổ tại cho vi phạm cho một vài hộ xây dựng trái phép là điều tệ nhất có thể. Cả một bộ máy không thể nào thiếu năng lực đến mức bất lực trước một vài vi phạm đơn lẻ.

Vì thế, rà soát, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là một trong các việc cần làm, và ở phần “ngọn”. Bởi trước khi có vi phạm xây dựng trực tiếp của người dân hoặc doanh nghiệp, phải có vi phạm hoặc thiếu sót của thanh tra xây dựng, của người cấp phép xây dựng, của người phê duyệt dự án, người phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng, hoặc phê duyệt một bản quy hoạch xây dựng không đảm bảo an toàn.

Hình ảnh hàng loạt xe ô tô mắc kẹt dưới đống đất đá. Ảnh: Đại đoàn kết.

Nếu có một tư duy thấu suốt về tầm quan trọng của phát triển bền vững, thì trong tất cả những khâu trên, câu hỏi về các yếu tố có nguy cơ đe dọa sự bền vững đã được đặt ra từ đầu để rà soát và ngăn chặn.

Nếu thực sự thấy được giá trị của phát triển bền, người ta đã không dễ dàng đánh đổi những vạt đồi, cánh rừng để lấy một vài mùa vụ nông sản, hay những lợi ích nhất thời của du lịch mang lại, mà tìm kiếm các cách an toàn hơn để tạo sinh kế cho dân.

Nếu thực sự xem phát triển bền vững là tất yếu, thì ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, khoa học về địa chất, địa tầng và khí tượng thủy văn vẫn được dành sự quan tâm thỏa đáng, để có bản đồ tổng thể, với những dự báo ngắn, trung và dài hạn cho các tai biến địa chất có thể xảy ra, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Hoặc chí ít, người ta cũng không phớt lờ trước những cảnh báo đầy tâm huyết của các nhà khoa học về nguy cơ nhãn tiền.

Coi trọng phát triển bền vững, người ta cũng sẽ không thể dễ dàng chấp nhận những báo cáo đánh giá tác động môi trường với tư cách chỉ một văn bản đính kèm hồ sơ phê duyệt dự án cho đủ lệ bộ.

Các giải pháp lâu dài cho tình trạng sạt lở đã được xác định trong chỉ đạo vừa qua của Chính phủ, với 2 nhóm giải pháp quan trọng, là kiểm soát hoạt động xây dựng và đầu tư cho khoa học. Tuy vậy, từ chỉ đạo này, hàng loạt các biện pháp cần được triển khai để đảm bảo thực thi, từ rà soát, hòan thiện các quy định pháp luật về cơ chế quy trách nhiệm, ràng buộc trách nhiệm trong từng khâu, từng lĩnh vực; cho đến hệ thống các chế tài.

Nhưng trên tất cả, phát triển bền vững không thể chỉ là một tư duy về xu hướng của xã hội hiện đại, mà phải là một nhu cầu tự thân, một thấu suốt về nhận thức của những người lãnh đạo, đến mức trở thành bản năng. Bởi nếu chỉ là một khẩu hiệu đầu môi hoặc miễn cưỡng phải làm theo, thì tinh thần phát triển bền vững sẽ chỉ dừng lại ở văn bản, mà không thể đi vào đầu nguồn chính sách.

Kiều Tuyết/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận