Vì sao xe đưa đón học sinh phải có nhận diện riêng?

Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo Luật Đường bộ, trong đó có đưa ra một số quy định đối với xe đưa đón học sinh.

 

Dự thảo Luật Đường bộ, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ GTVT soạn thảo có 6 Chương, 95 Điều; gồm: Những quy định chung; Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ; Vận tải đường bộ…

Cụ thể, về chính sách phát triển giao thông đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ quy định: Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng ưu tiên phát triển giao thông thông minh, hệ thống giao thông công cộng; khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch; khuyến khích sản xuất, nhập khẩu phương tiện chuyên dùng phục vụ đưa đón học sinh.

Đặc biệt, tại dự thảo Luật Dường bộ, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả với loại hình xe đưa đón học sinh. Theo đó, hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vân tải thực hiện. Trường hợp cơ sở giáo dục, đào tạo tự tổ chức phải đáp ứng quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ.

Đối với xe ô tô đưa đón học sinh, dự thảo Luật Đường bộ quy định phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện; phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT cũng quy định: trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về GTVT thuộc UBND cấp tỉnh các thông tin gồm: hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có).

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất: xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Dự thảo Luật Đường bộ đã được Bộ GTVT lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Hiện dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ GTVT hoàn thiện, chỉnh lý, để trình Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến, dự thảo Luật Đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm nay.

Cần bộ nhận diện về màu sơn, đèn báo hiệu cho xe đưa đón học sinh

Cần bộ nhận diện về màu sơn, đèn báo hiệu cho xe đưa đón học sinh.Có tiêu chuẩn khắt khe nhất

Vì sao Bộ GTVT đề xuất quy định về bộ nhận diện xe đưa đón học sinh. Ngoài bộ nhận diện, còn cần những quy định gì để nâng cao an toàn đối với xe đưa đón học sinh? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia xung quanh nội dung này.

PV: Theo ông, những quy định như trong dự thảo đã đủ tác dụng cảnh báo, nâng cao an toàn đối với loại phương tiện này?

TS. Trần Hữu Minh: Các thiết kế khác biệt, tăng khả năng nhận diện, sơn màu riêng, hoặc có những biển báo dừng cho các xe khác, những đèn nháy đỏ có âm thanh… đều góp phần nâng cao an toàn cho học sinh. Tuy nhiên khi xem xét toàn diện thì cũng còn có nhiều vấn đề khác cần đặt ra.

Chẳng hạn về mặt phương tiện, thì các yêu cầu về mặt tính năng an toàn, trọng lượng khung sườn, hoặc thiết kế của xe cũng được xem xét để giảm thiểu tối đa các va chạm hoặc chấn thương.

Hoặc trên xe bố trí thêm nhiều gương phụ để hỗ trợ cho tài xế quan sát xung quanh xe để giảm thiểu các vụ tai nạn đáng tiếc như ở Đồng Nai vừa rồi, lái xe không quan sát được. Rồi các ghế ngồi cũng có tiêu chuẩn rất cao, và có những thiết kể để giảm thiểu, hoặc hấp thụ các xung lực, rồi các vật liệu được dùng để thiết kế ghế…

Ngoài ra thì có những quy định về chiều cao sàn xe để cho học sinh ít tuổi có thể lên xuống dễ dàng hơn.

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGT Quốc giaPV: Ông có thể cho biết kinh nghiệm thế giới đặt ra những quy định gì về xe đưa đón học sinh?

TS. Trần Hữu Minh: Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand, Úc, Bỉ, Đức, Trung Quốc thì dịch vụ vận chuyển học sinh là loại hình có tiêu chuẩn khắt khe nhất, kể cả về mặt phương tiện, quy trình vận chuyển hoặc các yêu cầu về mặt lý lịch của những cá nhân làm việc trong loại dịch vụ này, cũng như yêu cầu về nghiệp vụ.

Đây cũng là loại hình dịch vụ vận tải bị quản lý chặt chẽ nhất, nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì mức phạt với tổ chức là rất lớn và các cá nhân có liên quan cũng bị phạt, thậm chí có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn.

Bởi vậy tôi rất mong những đề xuất như vậy sớm được xem xét làm căn cứ thực hiện trong thực tế.

PV: Theo ông, việc quản lý chặt về dấu hiệu nhận biết, tiêu chuẩn thiết kế sẽ đem lại những lợi ích căn bản nào?

TS. Trần Hữu Minh: Ở góc độ một người phụ huynh cũng thường đưa đón con hàng ngày, tôi rất mong muốn loại hình xe đưa đón học sinh được quản lý theo một mô hình thật chặt chẽ và bài bản. Còn ở góc độ người theo dõi hoạt động GTVT trong một thời gian khá dài, tôi thấy lại càng cần thiết vì rất nhiều lợi ích chiến lược mà loại hình đưa đón học sinh này đem lại.

Chúng ta thấy cứ mỗi kỳ nghỉ hè, khi những chuyến xe cá nhân đưa đón con em giảm đi, ước giảm khoảng 10% thì khi đi trên đường không còn thấy tình trạng ngột ngạt, ùn tắc giao thông kéo dài. Như vậy khi các con dùng dịch vụ đưa đón học sinh thì các bậc cha mẹ cũng được hưởng lợi rất nhiều và có nhiều thời gian làm việc hơn, sức khỏe tốt hơn.

Còn với các cháu, khi tự đi học thì bản thân mỗi học sinh cũng có cơ hội tuyệt vời để rèn luyện rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng phán đoán, kết hợp các hoạt động phân tích tình huống; hoặc là khi đi lại bằng các phương tiện công cộng thì cũng giúp các cháu gia tăng các giao tiếp xã hội, giảm được các hiện tượng tự kỷ, nâng cao ý chí tự lập… Đây đều là những lợi ích chiến lược về mặt con người mà bất cứ xã hội nào cũng cần quan tâm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần sản xuất xe chở học sinh riêng

Việc đặt ra những quy định về dấu hiệu nhận diện xe đưa đón học sinh tác động ra sao đến doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ và thị trường? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định:

PV: Thưa ông, một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Đường bộ là việc quy định một số nguyên tắc đối với xe đưa đón học sinh. Ông có ý kiến như thế nào về những quy định này?

Ông Nguyễn Hải Dũng: Đối với xe đưa đón học sinh thì cũng phải có những quy định đặc thù, riêng để đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Cho nên việc bố trí một cái xe như thế nào cho phù hợp để những người khác người ta dễ nhận diện là điều rất quan trọng.

Tôi thấy xe của một số trường ở Hà Nội cũng có sự khác biệt một chút so với xe khách thông thường, tuy nhiên so với thế giới thì nó không nổi bật lên được. Vì chúng ta không có một cái ngay từ đầu để nhận diện được đó là xe đưa đón học sinh.

Những đặc trưng khác cũng phải khác với xe khách, xe buýt nói chung, chứ chúng ta hiện nay đang dùng các cái xe khách phổ thông để chở học sinh, người ta rất khó phân biệt xe đưa đón học sinh.

Khi chúng ta đã nhận biết xe đưa đón học sinh thì chúng ta phải xây dựng được một ý thức, một cách ứng xử đối với loại xe đưa đón học sinh. Đó là phải tạo sự ưu tiên cho xe đưa đón học sinh.

PV: Dự thảo Luật Đường bộ cũng đưa ra những quy định về xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo, màu sơn riêng. Theo ông những quy định này đã đủ tác dụng cảnh báo và nâng cao an toàn giao thông đối với loại phương tiện này chưa?

Ông Nguyễn Hải Dũng: Có lẽ cũng cần phải có những thiết bị như còi, nút bấm hoặc đèn trong xe, để khi các cháu chẳng may bị quên trong xe hoặc cửa xe đóng thì các cháu tiếp cận với những thiết bị đó để thông báo, thông tin cho người bên ngoài hoặc chủ xe hoặc lái xe.

PV: Theo ông, những quy định này sẽ tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Dũng: Những việc này có lẽ chúng ta sẽ cần phải sản xuất những xe riêng cho học sinh. Và xe riêng cho học sinh thì chắc chắn giá thành sẽ khác với những loại xe rất phổ thông, đại trà. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhu cầu toàn quốc, trong một môi trường cái cầu rất nhiều thì cái cung nó cũng phải nghiên cứu để giảm giá thành để phù hợp với thị trường.

Nếu làm khung vỏ dày hơn bình thường thì giá thành lên và giá bán sẽ lên. Tôi nghĩ rằng cũng không nên quá căng thẳng đến việc chúng ta lo ngại giá quá cao. Một là giá của nhà cung ứng, và nhu cầu của cha mẹ học sinh, thì chúng ta phải tiến tới hài hòa lợi ích của các bên, giữa người kinh doanh vận tải và gia đình học sinh.

Tôi nghĩ rằng, với thị trường hiện nay thì nhu cầu rất lớn và việc đảm bảo an toàn cho con cháu chúng ta thì rất cần, cho nên thị trường này là một thị trường mở và sẽ phát triển trong tương lai và sẽ rất nhiều người mong muốn được đầu tư vào xe đưa đón học sinh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng cao, nhất là tại các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh, chưa kể hàng chục nghìn học sinh vẫn đang sử dụng xe buýt để đi lại. Trong khi nhu cầu thì rất lớn, nhưng việc quản lý dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn thuần là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường.

Vì vậy, dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo đưa ra những quy định khung, trong đó có bộ nhận diện nhằm phân biệt với các loại hình dịch vụ vận tải khác nhằm khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.

Quách Đồng/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận