Việc công dân phạm luật bị xử lý theo quy định của pháp luật là chuyện đương nhiên. Bởi chúng ta sống, học tập và làm việc theo pháp luật. Luật pháp – chính là để điều chỉnh hành vi của con người, cộng đồng - khiến xã hội hoạt động theo trật tự và giữ an toàn cho mọi người.
Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, hầu hết chúng ta lại đang “mặc nhiên” chấp nhận những hiện tượng phạm luật của những người làm dịch vụ công, hay thậm chí chính những người đang hằng ngày được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn cho cộng đồng…
Có lẽ, nói “mặc nhiên” chấp nhận cũng không đúng cho lắm và hơi… oan, bởi có lẽ, dù rất nhiều trong chúng ta hằng ngày chứng kiến những vi phạm đó, nhưng lại chẳng thể làm được gì khác, ngoài việc ngoảnh mặt hoặc tự nhủ: Có lẽ người ta được phép làm vậy, với danh nghĩa vì cộng đồng?
Nói loanh quanh, rồi cũng nên lấy ví dụ từ thực tế, để có thể thấy rằng, hầu hết trong chúng ta hằng ngày đều “lướt qua” những việc đó.
Giờ cao điểm, thậm chí cũng chẳng cần phải vào giờ cao điểm, những tài xế xe bus thường xuyên cho mình cái quyền chạy lấn làn, vượt đèn tín hiệu khiến các phương tiện nhỏ bé hơn phải nhanh chóng tấp vào lề đường tránh xa, vì chẳng có xe nào to hơn cái xe ấy. Rất nhiều trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu của cánh lái xe bus như thế đã gây ra những vụ tai nạn giao thông đau lòng.
Chẳng nhẽ, nhân danh phục vụ cộng đồng họ có thể “thoải mái” phạm luật?
Nhiều tài xế xe bus cho rằng, việc mình vi phạm luật giao thông là do chịu áp lực thời gian của công ty quản lý, nếu không đảm bảo sẽ bị phạt… Bên cạnh những lý do đó, hầu hết tài xế xe bus hiếm khi bị lực lượng CSGT xử lý với những lỗi vi phạm “cơm bữa”, như lấn làn, chèn vạch, chạy dàn hàng, nối đuôi, chèn ép các phương tiện trên đường…
Xe rác. Vẫn biết là các anh chị làm công việc vệ sinh môi trường vất vả và chịu sự độc hại, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Tất cả cũng vì mục tiêu làm cho phố phường sạch đẹp hơn.
Thế nhưng, có lẽ, cũng vì nhân danh việc phục vụ cộng đồng ấy mà nhiều khi, những người làm công việc này lại “vô tình” khiến môi trường, đường phố trở nên mất vệ sinh hơn, thiếu an toàn hơn.
Những chiếc xe chở rác thải bẩn thỉu, không che chắn chạy tung tăng khắp phố phường kéo theo mùi hôi thối nồng nặc, khiến những người tham gia giao thông trót đi gần nó không khỏi được một phen kinh hoàng. Vì khó mà nhịn thở nổi khi đường phố thì chật chội, chẳng thể nhanh chóng thoát xa khỏi những “bãi rác di động” ấy.
Tiếp đến là những xe thu gom rác chiếm luôn một phần hè phố, lòng đường để làm nơi tập kết rác thải. Khiến những góc phố ấy luôn sũng nước thải, bốc mùi. Khốn khổ cho nhà ai chẳng may gần những xe rác đó, hay chỉ đi qua cũng phải lấy tay bịt vội mũi mồm, mà nín thở chạy qua.
Kinh khủng nhất là những lúc xe tải chở rác đến điểm tập kết lấy rác, những xe rác cao chất ngất trong quá trình chuyển rác lên thường rơi vãi khắp mặt đường, và cũng chỉ được quét dợn sơ qua sau khi rác được lấy hết. Bỏ lại những bãi nước thải hôi thối trên mặt đường, vỉa hè. Có lẽ, họ chỉ coi rác thải là những thứ được vứt lên xe, còn nước bẩn không phải là rác?
Rồi ai cũng chép miệng, thôi thì họ làm việc vất vả, thu gom rác thải cho mình thì như vậy cũng phải!!!
Thỉnh thoảng, lực lượng công an các quận huyện, phường xã trên địa bàn thành phố lại triển khai ra quân xử lý việc vi phạm lòng đường vỉa hè, hoặc vi phạm giao thông. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau những hoạt động đó, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, giúp người đi bộ, du khách thoải mái đi lại, ngắm cảnh phố phường; Người tham gia giao thông cũng hiểu luật hơn, và nghiêm chỉnh chấp hành mỗi khi ra đường.
Thế rồi sau những “chiến dịch” ấy, các lực lượng chức năng trở về trụ sở. Người ta sẽ thấy ô tô, xe máy công vụ được dựng ở vỉa hè, dưới lòng đường, thậm chí có nơi ô tô công vụ để chắn cả nửa đường, chiếm luôn phần vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường.
Như chuyện đương nhiên.
Đặc biệt ở trong khu phố cổ, nơi đường phố, vỉa hè vốn hạn chế và rất đông phương tiện tham gia giao thông. Người đi bộ, du khách, khi đi qua trước cổng trụ sở những cơ quan này, buộc lòng phải đi xuống lòng đường, hoặc không thể qua đường đúng nơi quy định.
Vì đã bị xe công vụ chiếm mất rồi!...
Cứ mỗi sáng thứ Hai, thường là lịch giao ban của nhiều cơ quan có trụ sở đóng trên địa bàn các quận huyện trung tâm. Các cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị trực thuộc sẽ về trụ sở chính để dự họp.
Mỗi lãnh đạo đều có xe đưa đón, hoặc xe riêng, ấy thế là trước cổng trụ sở, hoặc các tuyến đường xung quanh, xe ô tô biển xanh, biển trắng xếp hàng dài, thậm chí hàng ba, hàng ba chiếm gần hết lòng đường, vỉa hè.
Giao thông qua những cơ quan này luôn trong tình trạng ùn tắc, và ảnh hưởng tới rất nhiều người dân. Thường mất cả nửa ngày như vậy. Cũng là chuyện bình thường, và… được phép!?
Có lẽ, còn rất nhiều ví dụ như thế nữa mà hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến mà thường bỏ qua, vì đa phần đều nghĩ rằng, chẳng biết phản ánh với ai? Hoặc giả có muốn thì cũng sẽ băn khoăn, không biết ai, cơ quan nào xử lý những vi phạm ấy?
Câu hỏi lớn nhất đặt ra, vẫn là: Liệu họ, những người được giao nhiệm vụ phục vụ cộng đồng ấy, có được phép vi phạm chính những điều mà hằng ngày họ đang làm?
Theo VOVGIAOTHONG.VN