Như đã thông tin, Lai Châu là địa phương thiệt hại nhiều nhất về người trong đợt mưa lũ này, với 4 người chết và 3 người bị thương, tất cả đều ở huyện Than Uyên. Đến nay, các nạn nhân thiệt mạng đều đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng; các nạn nhân bị thương được đưa đi cấp cứu kịp thời, nên sức khỏe đã dần ổn định.
Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ cũng làm 75 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng; cuốn trôi, vùi lấp hàng trăm mét kênh mương thủy lợi, kè ở các khu dân cư và lún sụt một số nhà lớp học mầm non; vùi lấp, cuối trôi và làm ngập úng hàng chục ha lúa, chè của người dân.
Tại huyện Than Uyên trong đêm 5/8, rạng sáng 6/8 xảy ra trận lũ quét, nhiều trung tâm xã và khu dân cư trở nên tan hoang, khi đất đá, thậm chí những cây củi to từ trên rừng tràn về vùi lấp nhà cửa, bong tróc nền mặt đường; nhiều ô tô, xe máy bị nước cuốn trôi, vùi lấp giữa đống đất đá ngổn ngang... Đến chiều tối nay, nhiều bản, khu dân cư ở các xã Mường Kim, Ta Gia, Khoen On, Tà Mung, Tà Hừa... vẫn đang bị cô lập.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, huyện và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện cũng đã ban hành các Văn bản, Công điện chỉ đạo UBND các xã chỉ đạo bà con nhân dân di dời ngay người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm có nguy cơ sạt lở.
“Huyện tổ chức tuyên truyền nhân dân không tổ chức đánh bắt cá trên các dòng suối khi có nước lớn. Tại các lán nương của các hộ gia đình đã bị đất lở vào hoặc đã đổ sập, tuyệt đối không để người ngủ lại, cây cối hoa màu của bà con nhân dân cũng đã được sơ tán về nơi an toàn”, ông Thăng thông tin.
Tại tỉnh Sơn La, ngoài huyện Mường La bị thiệt hại nặng nhất với 1 người chết, hơn 100 nhà dân bị sập đổ, sạt lở tà luy, đá lăn vào nhà... , mưa lũ cũng khiến mực nước trên các sông suối ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Sốp Cộp dâng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
Tại huyện Sông Mã, trong ngày 6/8 có thời điểm lũ trên dòng sông Mã đã ở mức 2,56m - cao hơn mức báo động cấp 3 là 0,6m. Lũ trên suối Lẹ đoạn qua xã Chiềng Khương (Sông Mã) cũng dâng cao và chảy xiết, là cầu bản Mo bị cuốn trôi 20m, mố cầu bị xói lở, khiến một số bản phía bên trong tạm thời bị chia cắt.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sai cho biết, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại. “Mưa kéo dài đã làm gẫy 1 cột điện tại khu bản Tạo. Xã đã phối hợp với điện lực sửa chữa, khắc phục để đưa điện về cho bà con sử dụng. Còn tại bản Ỏ, mưa kéo dài đã vùi lấp 6.000m2 ruộng và gãy 1 đoạn kè. Tới đây, xã sẽ chỉ đạo bà con khắc phục bằng việc trồng các loại cây ngắn ngày để đảm bảo đời sống cho người dân”, ông Quân cho hay.
Tính đến cuối ngày 6/8, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận thêm 1 người mất tích do mưa lũ ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Số nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi và ảnh hưởng là 34 ngôi nhà. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở. Đặc biệt là sạt lở đường Quốc lộ 32 đoạn từ Km300 - Km329 qua huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có hơn 100 điểm sạt lở ta luy dương, trong đó có 3 vị trí mất đường, mỗi vị trí dài khoảng 100m. Đến nay đơn vị quản lý, bảo trì đã thông đường tại một số vị trí. Dự kiến sẽ thông toàn tuyến trong 3 ngày tới. Tạm thời, tuyến đường từ trung tâm huyện Mù Cang Chải đi xã Hồ Bốn và từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đi huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu phương tiện không thể qua lại.
Như vậy, tổng hợp tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Yên Bái tính đến cuối ngày 6/8, mưa lũ đã làm 8 người chết và mất tích, 3 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông; thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tại chỗ triển khai công tác khắc phục, trong bối cảnh đất đã ngấm no nước và mưa được dự báo vẫn còn tiếp diễn, các địa phương hiện đang khẩn trương rà soát, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở; đồng thời, tích cực cảnh báo để người dân không chủ quan trước diễn biến phức tạp của thiên tai để hạn chế các thiệt hại./.
Nhóm PV/VOV-Tây Bắc