'Giải cứu' nhà tái định cư: Cần có quy hoạch đồng bộ, khoa học

  • 02/08/2023 08:24:03
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

TP.HCM có hàng ngàn chung cư tái định cư không người ở gây lãng phí tài nguyên đất đai và ngân sách.

 

Năm 2022, TP đưa ra nhiều giải pháp để "giải cứu" như tổ chức bán đấu giá, chuyển đổi công năng nhà tái định cư thành nhà ở xã hội... Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tại TP. Thủ Đức, hơn 3.790 căn hộ tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhiều năm qua, không có người ở. Đây là số căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4 ha ở phường Bình Khánh (TP.Thủ Đức), nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm đã hoàn thành từ năm 2015. Do những khu căn hộ không có người ở nên cơ sở vật chất nơi đây đang dần xuống cấp nhanh chóng.

Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất tiếp tục bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm. Ảnh: Người lao động

Sau thời gian dài bị bỏ hoang, xuống cấp nên mỗi năm TP.HCM phải chi khoảng 70 tỉ đồng để bảo trì, thuê người quản lý khu căn hộ tái định cư. 9 năm qua, do cư dân không về ở, khu căn hộ tái định cư đã được mang ra đấu giá một phần, nhưng gần như không có người mua. Sau 3 lần đấu giá không thành, hàng ngàn căn hộ tái định cư này đang tiếp tục được đề nghị đem ra đấu giá lần thứ 4.

Anh Tỷ - một người dân sống gần dự án chia sẻ: “Hết sức lãng phí, trong khi nhu cầu nhà ở tại TP.HCM rất là lớn nhưng lại có hàng ngàn căn hộ không có người ở. Hàng năm lại ngốn thêm ngân sách nhà nước để mà duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cũng như thuê người để trông coi. Thành phố rất cần có những giải pháp sớm giải quyết những tồn đọng này để tránh lãng phí.”

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1000 tỉ đồng, trên khu đất có diện tích 31ha, dành để bố trí tái định cư cho người dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn TPHCM từ năm 2013. Toàn khu có hơn 500 nền tái định cư và 45 lô chung cư, với gần 2.000 căn hộ.

Trong 10 năm qua, nhiều lô chung cư vẫn bỏ trống vì nhiều hộ dân không đồng ý đến sinh sống. Do không có người ở nên hiện tại, nhiều hạng mục như tường, lan can… bị bong tróc, xuống cấp, khuôn viên xung quanh cỏ mọc um tùm.

Anh Bình - một người dân địa phương tỏ vẻ tiếc nuối khi nhắc đến khu dân cư này: “Cư dân về ở rất là thưa thớt, cũng có người ở những rất là thưa thớt. Nhìn thấy rất là xót, trong khi đó cái nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM thì khá là nhiều, đây thì bỏ hoang, bỏ trống.”

Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM đang bỏ trống nhiều năm qua. Ảnh: laodong.vn

Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) các căn hộ bị bỏ trống thực tế chưa giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội cơ bản, chưa đảm bảo được sinh kế cho người dân, đặc biệt là những cư dân phải chuyển đổi nghề nghiệp khi bị giải tỏa. Một nguyên nhân khác khiến hàng ngàn căn hộ bị bỏ hoang là bởi giá nhà ở khu tái định cư cao hơn so với giá trị bồi thường tại nơi ở cũ, khiến người dân không đủ khả năng chi trả.

“Bên thì thiếu bên thì thừa, người cần có nhà ở thì không có. Mà nhà ở không ở mà bỏ trống thì không những lãng phí về công năng của nó mà nó còn xuống cấp liên tục. Mỗi một khu như thế nó có thể thiệt hại hàng mấy trăm tỷ, hàng ngàn tỷ. Nhưng mà hàng ngàn tỷ đó bỏ 1-2 năm thì giá trị của nó xuống rất nhiều", Tiến sỹ Nguyên cho biết.

Cùng quan điểm, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, để giải quyết tình trạng này, TPHCM cần nhanh chóng rà soát lại, gỡ vướng cho từng dự án, đối với những dự án có nhà đầu tư thiếu tiềm lực tài chính thì cần mạnh tay thu hồi giao lại cho những chủ đầu tư khác có năng lực.

Tuy nhiên, về lâu dài để không còn tồn tại những quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, thành phố cần có “chiến lược” quy hoạch cụ thể, đồng bộ và khoa học, dựa trên tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu tái định cư của người dân

"Công tác quy hoạch là quan trọng nhất. Khi mà làm những dự án đây thì những người làm công tác quy hoạch, chất lượng công tác quy hoạch phải lựa chọn địa điểm quy hoạch. Phải có điều tra xã hội học, khu vực nào sẽ làm, làm quy mô bao nhiêu, làm như thế nào, phải có kết nối hạ tầng. Làm khu nào anh phải bảo đảm được nhu cầu của người ta về tất cả những cái việc ăn ở đi lại phải thuận tiện”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho biết.

Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy trên địa bàn TP có hơn 6600 căn hộ tái định cư chưa sử dụng. Bên cạnh đó, thành phố hiện có hơn 4.900 căn hộ và 40 nền đất đã được UBND TP có chủ trương bán đấu giá.

Theo ông Nguyễn Văn Hoan (Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), đối với hơn 6600 căn hộ tái định cư chưa sử dụng sẽ được UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có kế hoạch sử dụng, hiệp thương đưa vào phương án bồi thường bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công có giải phóng mặt bằng, dùng làm quỹ nhà dự phòng phục vụ tạm cư chung cư hư hỏng nặng, cháy nổ, sạt lở bờ sông. Còn đối với công tác duy tu nhà ở là công tác bắt buộc.

“Khi hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì đối với quỹ nhà tái định cư mà người dân không lựa chọn, do đã lựa chọn hình thức nhận tiền, tự lo nơi ở mới, thì thành phố sẽ xem xét cân đối điều chuyển cho các dự án đầu tư công khác, hoặc đấu giá để thu hồi vốn. Còn đối với công tác duy tu nhà ở là công tác bắt buộc phải thực hiện nhằm đảm bảo đủ điều kiện chất lượng nhà ở khi bố trí tái định cư cho người dân. Thành phố sẽ rà soát, phân tích và lập kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí để quản lý vận hành, bảo trì sửa chữa nhà ở thuộc nhà nước phục vụ tái định cư, đảm bảo để đủ điều kiện bố trí tái định cư", ông Hoan cho biết.

Dù các giải pháp đã có song trên thực tế, việc tìm đầu ra cho các dự án nhà ở, đất nền tái định cư bị bỏ trống hoặc phát triển các dự án mới tại TPHCM vẫn còn khá gian nan.

Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang giữa khu đất vàng ở TPHCM. Ảnh: Kinh tế môi trường

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Gỡ rối cho nhà tái định cư ở TP.HCM - không thể bó tay”.

Có 1 nghịch lý tồn tại nhiều năm qua tại TPHCM là dù hàng triệu người thu nhập thấp chưa tiếp cận được nhà ở thì vẫn còn hàng chục ngàn căn hộ lẫn nền đất tái định cư bị bỏ trống. Có tận mắt chứng kiến tình trạng hoang tàn, u ám, xuống cấp tại các dự án nhà ở tái định cư ở thành phố Thủ Đức hay huyện Bình Chánh (TP.HCM) mới thấy ngậm ngùi vì hàng ngàn tỷ đồng cùng bao nhiêu công sức lao động phải “đắp chiếu, trùm mền” gần chục năm qua.

Xót xa là vậy nhưng vẫn quá khó để tháo gỡ vì còn quá nhiều “rào cản” về thủ tục hoàn công, vốn để hoàn thiện, nghiệm thu pccc và nhất là không phù hợp với nhu cầu người mua vì giá bán quá cao trong khi vị trí lại không thuận tiện. Dù lý do có là gì đi nữa thì thực trạng này phản ánh sự thiếu lệch pha giữa công tác lập quy hoạch, phát triển các dự án nhà ở và nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp.

Một trong những việc cần làm trước mắt là nghiên cứu, xem xét cân đối lại giá bán cũng như hình thức bán đối với các dự án bị bỏ trống nhiều năm. Việc này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho người mua mà còn giúp “rã băng” cho hàng chục block nhà, giải phóng hàng ngàn tỷ đồng, gián tiếp giảm áp lực cho công tác quản lý nhà ở của địa phương.

Về lâu dài, cần chủ động hơn trong thẩm định, phê duyệt chủ trương xây dựng nhà ở tái định cư theo cơ chế đặt hàng, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến sự đồng thuận của người dân trong diện giải tỏa giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cần phải đi trước một bước, bài bản và khoa học hơn, căn cứ vào các yếu tố điều tra xã hội học về nhu cầu của người dân, từ đó giúp hạn chế thấp nhất tình tràng nhà ở, đất nền tái định cư bị bỏ hoang sau khi đã hoàn thành.

Song song với việc lập quy hoạch, phát triển các dự án nhà ở tái định cư thì chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, khoa học các chính sách an sinh xã hội dành cho người thu nhập thấp, như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi và gia tăng thu nhập để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời khỏi chỗ ở cũ theo đúng chủ trương “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn” mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.

Vẫn biết là không dễ để tìm ra lời giải cho bài toán nhà ở nói chung và nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư nói riêng. Song, khó mấy cũng phải làm bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, duy trì sự ổn định và tạo đà phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận