Hơn 300 giáo viên Hà Nội mất cơ hội tăng lương vì quy định thời gian giữ ngạch

  • 01/08/2023 03:28:19
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Thông tư 08/2023 của Bộ GD-ĐT đã khiến hơn 300 giáo viên tại Hà Nội mất cơ hội chuyển ngạch, tăng lương.

 

Thông tư 08/2023 của Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên phải có thời gian giữ ngạch đủ 9 năm và phải có trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 đã khiến hơn 300 giáo viên tại Hà Nội mất cơ hội chuyển ngạch, tăng lương.

Hơn nữa, với quy định này, nhiều giáo viên đã đạt trên chuẩn bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện xét duyệt. Giải quyết trường hợp này như thế nào?

PV VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáp dục, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh nội dung này.

Thưa ông, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đang rất băn khoăn về việc Bộ Giao dục quy định điều kiện để được nâng hạng, gây thiệt thòi cho giáo viên. Ông có ý kiến gì về điều này?

Tôi cũng cập nhật được thông tin là có hơn 300 giáo viên ở Hà Nội đang có kiến nghị về những quy định tại Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho nhiều người đã đủ đạt chuẩn rồi và cũng đã có hàng chục năm cống hiến rồi, nhưng bây giờ lại không đủ điều kiện 9 năm có bằng Đại học để được nâng hạng và nhận bậc lương mới.

Nhiều người cũng có rất nhiều thành tích, cống hiến, nhưng do điều kiện về bằng đại học thì vẫn thiếu. Điều này thực sự khiến cho chúng tôi- những người làm trong ngành cảm thấy đây là thiệt thòi cho các giáo viên.

Tất nhiên, trong việc ban hành văn bản, những người ban hành văn bản không thể lường trước được sự thay đổi hoặc sự tác động của các tình huống thực tiễn, vì vậy, khi ban hành các văn bản ra, đặc biệt với những thời hạn có thể gấp, không có thời gian bắt đầu thực hiện từ khi nào, có một khoảng trễ để những người khác có sự chuẩn bị thì nó có thể dẫn đến những tình huống thiệt thòi.

Ảnh minh họa: Lao động

Thực tế thì những văn bản dạng như thế này phải có thời gian chuyển tiếp hoặc điều khoản thi hành như thế nào cho phù hợp?

Tôi cũng không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực về quản lý hành chính nhà nước, nhưng một văn bản khi đưa ra bao giờ cũng cần phải có những thông báo về thời hạn áp dụng, nó có hiệu lực từ bao giờ.

Bản thân Thông tư 08 này ra đời năm 2023 và có thể thời hạn chúng ta áp dụng luôn, thì có thể khiến cho một số thầy cô, nhất là những thầy cô trong khoảng thời gian ngắn chưa thể nào chuẩn bị được và họ sẽ bị thiệt thòi khi áp dụng văn bản mới này.

Thực tế khi một văn bản đưa ra thì thường cũng sẽ phải có một phân tích, thậm chí áp dụng một chính sách nào đấy, hoặc giai đoạn thử nghiệm và đánh giá ở diện hẹp để đảm bảo vừa thực hiện cơ chế mới, nhưng không làm cho những người hoạt động lâu năm trong ngành, có những đóng góp đặc biệt xuất sắc thì lại gặp những thiệt thòi.

Vậy trong trường hợp này, theo ông cần giải quyết cho các giáo viên như thế nào?

Trong những giai đoạn như thế này, bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cầu thị, Cục Nhà giáo đã vào cuộc để làm việc với Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ là một số thầy cô bị lỡ mất cơ hội hoặc có thể về hưu. Vì vậy, cần phải có thêm các chính sách, ví dụ như xét đặc cách cho một số những trường hợp dựa trên những thành tích và sự đóng góp của các thầy cô chẳng hạn.

Và chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm liên quan đến góp ý về các văn bản. Bây giờ chúng ta làm văn bản, chúng ta cũng vẫn treo mạng để xin ý kiến. Có thể hình thức đấy là công khai rồi, nhưng cũng có thể không mang lại những ý kiến phản biện mà nó rất sát với thực tế. Cộng đồng góp ý thì là những ai?

Thật ra chúng ta cần phải có những chuyên gia, đặt ra tất cả những câu hỏi, những tình huống, giúp cho các văn bản đó khi đưa vào thực tiễn nó không mâu thuẫn với những tình huống trong thực tiễn và nó phải đảm bảo một số nguyên tắc rất cơ bản, công bằng, để xét cho những trường hợp đặc biệt trong trường hợp trong quy trình, tiền trình thời gian là không đáp ứng được.

Xin cảm ơn ông!

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận