Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chú trọng phân quyền tối đa

Sáng 1/8, Đảng uỷ khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Bí thư Đảng khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, tình hình kinh tế chính trị thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, với nhất nhiều vấn đề mới đặt ra đã vượt qua các quy định hiện hành.  

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Để đạt được mục tiêu này việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt là hoàn thiện Luật thủ đô là vấn đề cấp bách.

11 tham luận tiêu biểu được trình bày tại hội thảo tập trung góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề, như: Vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước; tính đặc thù vượt trội, vượt trước trong luật để Thủ đô phát triển; sứ mạng tầm nhìn chiến lược trong các chính sách Luật Thủ đô; bổ sung vào Luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước trong lĩnh các lĩnh vực… Đây là những luận cứ khoa học xác đáng đưa thực tiễn của cuộc sống vào luật.

Luật Thủ đô (sửa đổi) chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa

Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ được thành phố Hà Nội, Ban soạn thảo, các cơ quan có chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tham gia góp ý kiến về các vấn đề lý luận và thực tiễn, cơ sở pháp lý phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế- Từ mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội nhằm góp phần hoàn thiện quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) nhấn mạnh, từ thực tiễn thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội đã phân cấp uỷ quyền hai mảng chính là quản lý nhà nước và thủ tục hành chính. Điều chỉnh bổ sung phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực liên quan các vấn đề dân sinh với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Phân cấp, uỷ quyền 708/1.910 thủ tục hành chính.

PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh cho rằng, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển Thủ đô cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt về biên chế, cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, có chính sách trọng dụng nhân tài, thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù, thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố…

Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Chương II Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về Tổ chức chính quyền Thủ đô tại thành phố Hà Nội (từ Điều 9 đến Điều 18). Chương này tập trung quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của thành phố Hà Nội, theo đó đẩu mạnh phân cấp, phân quyền cho các chủ thể nêu trên trong một số lĩnh vực.

“Về chính quyền địa phương tại Điều 9 Luật Thủ đô, xác định ở thành phố, quận là cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có tổng kết việc thí điểm các thành phố trực thuộc trung ương, có cần phải thống nhất tất cả các mô hình ở thành phố trực thuộc trung ương hay không, vậy có có nên quy định mở hơn về vấn đề này trong Luật Thủ đô”, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nói.

Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá (rút kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức). Vì vậy, đối với thành phố trực thuộc Thủ đô cần tăng tính chủ động sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, tổ chức chính quyền địa phương thuộc Thủ đô sao cho năng động, hiệu quả. Cho phép thành phố chủ động giao biên chế đủ đảm bảo thực hiện nhiệm quản lý hành chính nhà nước.

Đối với Nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội và HĐND, UBND thuộc thành phố Hà Nội. Liên quan đến phân cấp, uỷ quyền, ngoài việc uỷ quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng việc phân cấp, uỷ quyền của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, quy định UBND thành phố Hà Nội phân cấp hoặc uỷ quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã… “Tuy nhiên, quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo đồng bộ với các quy định hiện hành như Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội...

Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về phân cấp, uỷ quyền, vì vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho thành phố Hà Nội”, bà Diệu Oanh nói.

Không biến trường công thành trường chất lượng cao

Đóng góp ý kiến tham luận vào nội dung giáo dục đào tạo của Thủ đô nhằm hoàn thiện thể chế cho giáo dục và đào tạo nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ: “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến- Văn minh- Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Đồng thời, trong nhiệm vụ và giải pháp chỉ rõ: Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế.

Để xứng đáng là “trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo” cần có mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội việc nâng cao dân trí thì công tác quy hoạch cần có tầm nhìn và dự báo rất đúng mức. Bảo đảm điều kiện trường lớp, đội ngũ giáo viên. Cần quyết liệt hơn khi triển khai các khu đô thị phải đồng bộ với đó là trường học, với khu vực nội đô, cần xem xét lại mô hình trường học đạt chuẩn thời đại 4.0.

GS.TS Nguyễn Văn Minh kiến nghị cần có tầm nhìn dài hạn, trong quy hoạch thủ đô cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế. Chương trình giáo dục địa phương cần làm rõ nội hàm “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” một cách cụ thể và phải đưa vào chương trình giáo dục.

Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, bình đẳng xã hội. Với giáo dục mũi nhọn củng cố và phát triển hệ thống vốn có. Các trường chất lượng cao (không chỉ chất lượng mà còn dịch vụ) nên xã hội hoá và để tư nhân đầu tư. Không nên biến trường công thành trường chất lượng cao, vô hình trung tạo nên bất bình đẳng, trong khi những khu vực nội đô đang thiếu phòng học cho học sinh. Cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế.

Cần đảm bảo hệ thống công lập cho mọi đối tượng lứa tuổi đến trường. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục đại trà, vùng nông thôn, khu công nghiệp; Thực hiện xã hội hoá nhằm đáp ứng cho các đối tượng học khác nhau; Hà Nội được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản.

Hà Nội cũng cần đi đầu tạo hệ thống hình mẫu trường học và giáo dục phù hợp để nhân rộng; Xây dựng trường học thông minh và hạnh phúc là mô hình trường học tiên tiến và thích ứng cao với môi trường công nghệ và sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và cơ chế đầu tư phù hợp, được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp theo lịch học phù hợp”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nói./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận