500 lá đơn xin thoát nghèo và câu chuyện tự trọng ở Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu mức thu nhập của người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS sinh sống đạt khoảng 5.000 USD/người/năm.

 

Đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu mức thu nhập của người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS sinh sống tăng lên gấp đôi so với hiện nay, đạt khoảng 5.000 USD/người/năm. Để đạt được kết quả này, còn rất nhiều việc phải làm nhất là khi Quảng Ninh vừa nâng mức chuẩn nghèo đa chiều cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung của cả nước.

Anh Đặng Văn Thảo (30 tuổi), dân tộc Dao ở làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã viết đơn xin thoát nghèo nửa năm về trước. Những nét chữ chưa ngay hàng thẳng lối và chỉ vài câu ngắn gọn nhưng đủ thể hiện ý chí thoát nghèo của gia đình anh.

Ngôi nhà anh Đặng Văn Thảo, ở làng Han, Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ được xây dựng từ nguồn lực của gia đình và 50 triệu nguồn hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh.

Câu chuyện viết đơn xin thoát nghèo của anh Thảo cũng bắt nguồn từ "lòng tự trọng" - Tự trọng để thoát nghèo. Anh Thảo bảo rằng, 2 vợ chồng không có việc làm ổn định, ngày ngày tần tảo đi bóc vỏ keo, cắt cỏ thuê, chăn nuôi thêm lợn gà để tăng thêm thu nhập. Bằng ý chí và nghị lực, cùng nguồn hỗ trợ 50 triệu của tỉnh Quảng Ninh, gia đình anh Thảo đã quyết định xây căn nhà mới hơn 50m2 với suy nghĩ "An cư mới lạc nghiệp".

"Mình còn trẻ, mình còn sức và được nhà nước hỗ trợ như vậy thì mình xin thoát nghèo thôi. Để các hộ khác lại được hỗ trợ. Đi làm thuê, bóc vỏ keo, ai thuê gì mình cũng làm, chỉ sợ lười thôi. Còn chịu khó không sợ đâu", anh Thảo nói.

Thu nhập chủ yếu của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn chủ yếu là nông - lâm nghiệp, trong đó nông nghiệp vẫn sản xuất theo hướng tự cung tự cấp.

Bà Vi Thị Hàn, Trưởng thôn cho biết, ở làng Han cũng có thêm 2 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Lòng tự trọng đã thôi thúc các gia đình này viết đơn, nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hoàn cảnh còn khó khăn hơn.

"Bà con ở đây muốn thoát nghèo thì phải làm thêm. Trẻ thì đi công ty, già thì làm ruộng. Thật sự tôi đánh giá cao trách nhiệm của người viết đơn xin thoát nghèo. Người ta tự nghĩ bản lĩnh của mình có ý chí vươn lên, thì mới dám cầm bút viết đơn: Tôi xin thoát nghèo", bà Hàn cho biết.

10 năm qua, Quảng Ninh đã có hơn 500 lá đơn xin thoát nghèo, cận nghèo, phần nào thể hiện ý chí, nghị lực và sự thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù vậy, những chính sách, chủ trương trúng và đúng trong việc giảm nghèo cũng là "bệ đỡ" tiếp sức cho những lá đơn xin thoát nghèo.

Cùng với gia đình anh Đặng Văn Thảo, làng Han, xã Đồn Đạc huyện Ba Chẽ có thêm nhiều nhà dột nát, nhà tạm được xóa bỏ từ nguồn hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khi Quảng Ninh khi nâng chuẩn nghèo đa chiều mới, cao gấp 1,4 lần so với cả nước, toàn tỉnh sẽ có 411 hộ nghèo, hơn 4.200 hộ cận nghèo. Mục tiêu là đến năm 2025, các hộ này phải thoát nghèo, tiếp cận được các dịch vụ xã hội hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Vũ Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Rực Yên, huyện Đầm Hà cho rằng, tại khu vực nông thôn, cách tốt nhất là nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Bà Vi Thị Hàn, Trưởng thôn làng Han cho biết: năm 2022 có 3 hộ nghèo, cận nghèo viết đơn xin thoát nghèo.

"Cái khó khăn của chúng tôi bây giờ là nâng cao thu nhập. Vấn đề là nếu sản xuất theo phương thức truyền thống như hiện nay thì giá trị sản phẩm không cao. UBND xã đang có giải pháp tạo liên kết vùng và phát triển sản phẩm OCOP và đẩy mạnh áp dụng KHKT và áp dụng công nghệ số trong giai đoạn này", ông Thành cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, điều quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất cho người dân theo hình thức kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực nông thôn.

Từ nay tới năm 2025, Quảng Ninh dự kiến dành 4.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông liên kết nội vùng và kết nối các vùng núi với các tuyến cao tốc hiện có để nâng cao đời sống của người dân vùng miền núi.

Ông Sơn cũng cho rằng, việc đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động tại các huyện miền núi, biên giới không phải là câu chuyện dễ dàng nhất là khi đồng bào đã quen với nương rẫy, quen với cách làm lâm nghiệp truyền thống. Nhưng việc tự giác, chủ động xin thoát nghèo, sắp xếp lại cuộc sống của người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua là bước tiến quan trọng để nâng chất Nông thôn mới ở Quảng Ninh.

"Tỉnh đang tập trung vào đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa ra các chỉ số đến năm 2025 sẽ tạo thêm được 200 nghìn việc làm mới bằng thu hút FDI, bằng thu hút nguồn ngoài đầu tư ngoài ngân sách, từ động lực của tỉnh từ nguồn đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Ở đây phải tập trung giải quyết việc làm, đào tạo giải quyết việc làm ở vùng nông thôn bằng các cơ chế chính sách để làm thế nào đó để giải quyết được 5.000 USD và thậm chí có thể cao hơn nếu chúng ta có cách làm tốt", ông Sơn nói.

Các mô hình nuôi gia cầm tập trung với số lượng lớn đang thúc đẩy kinh tế hộ gia đình khu vực miền núi, giúp các hộ dân nâng cao mức thu nhập, từng bước đến năm 2025 đạt mục tiêu 5.000 USD/người/năm.

Từ nay tới năm 2025, Quảng Ninh dự kiến dành 4.000 tỷ đồng cùng các nguồn lực huy động hợp pháp khác để xây dựng hệ thống giao thông liên kết nội vùng và kết nối các vùng núi với các tuyến cao tốc hiện có.

Đây cũng là cách Quảng Ninh gia tăng các giá trị mới, tăng sức hấp dẫn ở vùng khó với các nhà đầu tư và cũng là đòn bẩy để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập vùng đồng bào DTTS. Việc này, không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội mà còn góp phần ổn định và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng phên dậu Đông Bắc của Tổ quốc./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận