Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Nỗi day dứt chưa bao giờ nguôi

"Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng đến giờ phút này vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên", Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nghẹn ngào.

 

Đi qua các cuộc chiến tranh, nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nhất là với những gia đình có liệt sĩ chưa được quy tập về đất mẹ, chưa xác định được danh tính còn nằm lại nơi núi, rừng, lòng sông, khe suối..

Theo thời gian, việc tìm kiếm, xác định thông tin ngày càng khó khăn, nhưng với lòng biết ơn, tri ân những người không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương dù khó cũng phải làm để trọn nghĩa vẹn tình với người đã ngã xuống và đáp ứng mong mỏi sum họp của các gia đình.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khẳng định công tác cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ là một vấn đề rất lớn. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị số 1. Bởi đất nước ta cho đến giờ phút này vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên trong đó có hơn 22 vạn liệt sĩ đang nằm ở rừng sâu, ở khe lạnh, ở cả chiến trường Lào và Campuchia.

“Cho nên đây là một việc làm rất khẩn trương”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ những cảm xúc, những nỗi niềm day dứt trước nhiệm vụ cao cả này.

Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ - càng khó càng phải làm

Thưa Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ hiện đang được triển khai như thế nào?

Chiến tranh kết thúc lâu rồi, những người trong cuộc thì bây giờ dần dần mất hết. Số đang còn sống tuổi cũng đã cao, sức yếu, không thể trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội. Rồi một việc nữa là năm tháng qua đi, địa hình, địa chất thay đổi rất nhiều, chưa nói chuyện là chôn cất ban đầu hết sức đơn sơ, không có gì để làm dấu, không có cơ sở nào để xác định ở đấy là đồng đội của mình và rồi thời gian cứ trôi qua như thế. Hài cốt của liệt sĩ mà tồn tại được 40 -50 năm trong lòng đất thì cũng rất là khó. Cho nên, nếu không tìm nhanh, không làm nhanh thì 53 vạn liệt sĩ này khó để mà trả lại tên cho tất cả các anh. Tôi chưa nói, rất nhiều liệt sĩ của chúng ta bây giờ muốn tìm cũng không được. Ví dụ như hy sinh ngoài biển, hy sinh ở sông suối, như trên dòng sông Thạch Hãn...thế thì khó để mà tìm được hài cốt lắm. Trong 22 vạn liệt sỹ bây giờ đang nằm trên các chiến trường, nhiều liệt sĩ tôi khẳng định không bao giờ tìm được các anh. Và số liệt sỹ đang nằm trong đất nước ta, kể cả ở Lào và Campuchia nếu cả xã hội không vào cuộc, thì rất khó tìm, nhưng mà khó cũng phải làm.

Việc tìm kiếm, quy tập và trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ khó cũng phải làm. Vậy công việc này đang được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam triển khai như thế nào, thưa ông?

Hiện tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam mới có 16 hội ở cấp tỉnh, 26 hội ở thành phố, 92 chi hội ở cấp huyện, với 1 vạn hội viên. Số lượng đang rất ít, nhưng tỉnh nào có Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ thì ở tỉnh đó công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa giải quyết được nhiều vấn đề cho chính quyền địa phương. Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cũng là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước. Hội cấp tỉnh sẽ là cánh tay nối dài cho lãnh đạo chính quyền địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương, để thực hiện tốt công tác chính sách đền ơn đáp nghĩa; giải quyết tốt việc tìm mộ liệt sĩ; giải quyết tốt thông tin bia mộ liệt sĩ từng nghĩa trang. Có những hội, tôi lấy ví dụ như Phú Thọ chẳng hạn, các hội viên đi đến được tận 800 nghĩa trang/trên 3.000 nghĩa trang, để cung cấp các thông tin cho các gia đình liệt sĩ, mà những gia đình liệt sỹ này ở nông thôn, họ không có điều kiện để đi đến từng nghĩa trang, cho nên mặc dù có trường hợp con của họ đang nằm trong nghĩa trang rồi, nhưng họ vẫn không biết con của họ nằm ở đâu cả. Có việc khó như thế.

Cho nên bây giờ có các hội viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ sẽ đi từng nghĩa trang, đến từng địa điểm… để xác định liệt sĩ đó đang nằm ở nghĩa trang này, hài cốt đó đang ở vùng kia để rồi tìm cách thông báo cho các đội quy tập, cho 19 Đội quy tập của các quân khu để tìm cách đưa các anh về. Nếu không làm nhanh vấn đề này thì rất khó. Cho nên chúng tôi làm việc với Ban Dân vận Trung ương, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cũng đều đề nghị chính quyền các cấp nên quan tâm sớm thành lập Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ để tiến hành thực hiện công tác tri ân, tiến hành xã hội hóa và tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hơn 12 năm qua đã đưa về đất mẹ hơn 1.000 liệt sĩ…

Vậy đâu là những kết quả mà Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã làm được trong thời gian qua, thưa ông?

Mặc dù là một tổ chức xã hội, nhưng Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam luôn luôn được các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Các bộ, ngành của Trung ương cũng quan tâm đến Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Cho nên hơn 12 năm qua, chúng tôi đã vận động các nhà tài trợ, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho Hội được gần 160 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ của các nhà tài trợ tuy không lớn, nhưng đây là địa chỉ tin cậy để thân nhân gia đình liệt sĩ gửi gắm, để các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp họ tin tưởng, để chúng tôi tiến hành đi làm công tác tri ân cho các thân nhân gia đình liệt sỹ.

Hội chúng tôi đã tiến hành là làm được trên 800 nhà tình nghĩa, tặng 5 nghìn sổ tiết kiệm, tặng quà cho 38.000 thân nhân gia đình liệt sỹ, tặng 252 xe đạp; phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho gần 20.000 người. Sự đền đáp công ơn với thân nhân gia đình liệt sĩ chưa đáng là bao, bởi tôi nghĩ so với sự hy sinh của các liệt sĩ thì sự đền đáp này chưa thấm vào đâu, nhưng ít nhiều cùng nói lên được tấm lòng tri ân, ăn quả nhớ người trồng cây, công tác đền ơn đáp nghĩa của đất nước chúng ta trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, góp phần thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta đối với công tác đền ơn đáp nghĩa.

Thưa ông, ngoài những phần quà như ông vừa nói, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như thế nào?

Trong hơn 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên, thì trong 12 năm vừa rồi Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã kết hợp với các cơ quan, các ban ngành giám định được trên 1.000 gen ADN và tiến hành làm thực chứng. Tức là đưa các quân nhân - những người biết đồng đội hy sinh đến các nghĩa trang để tìm đồng đội, thì vừa giám định ADN, vừa thực chứng thì chúng tôi đã trả lại được tên cho trên 800 liệt sĩ. Đây là một việc làm mà chúng tôi thấy hết sức ý nghĩa, xoa dịu bớt nỗi đau của chiến tranh để lại. Trong hơn 12 năm vừa qua chúng tôi cũng đã đưa về cho đất mẹ hơn 1.000 liệt sĩ, nằm trên các nghĩa trang, kể cả đưa ở Campuchia và ở Lào về, ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và từ Quảng Trị trở vào thì chúng tôi đều đưa được liệt sĩ về với đất mẹ. Số lượng về đất mẹ được hơn 1.000 hài cốt và hơn 800 liệt sĩ được trả lại tên thì đây là một điều một điều hết sức phấn khởi, mừng là vì đã góp phần làm cho các mẹ, các chị, các gia đình có con hy sinh, có người hy sinh họ đã tìm được phần xương thịt của con em mình.

Thưa Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, trong quá trình tiến hành phương pháp thực chứng hay là giám định AND để trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ, thì đâu là những khó khăn mà Hội gặp phải, thưa ông?

Thực chứng thuận lợi hơn giám định ADN. Giám định ADN bây giờ có mấy phần việc cần phải làm. Trước tiên là phải lấy mẫu phẩm của thân nhân gia đình liệt sỹ. Thứ hai là phải khai quật ở các nghĩa trang để lấy mẫu phẩm, xương cốt của liệt sĩ. Nhưng nói thật, nhiều mộ khai quật lên không thể lấy được mẫu phẩm, bởi vì xương đã mủn quá rồi, nhưng khó cũng phải làm. Không làm thì không trả lại tên cho các anh được.

Cho nên là trong giám định ADN cũng nhiều vấn đề vất vả lắm. Chúng tôi hiện tại đang làm hơn 40 trường hợp, về tận gia đình để làm hồ sơ, lấy mẫu phẩm của thân nhân liệt sĩ. Mà thân nhân liệt sĩ bây giờ cũng rất khó, dần dần mất hết rồi, không còn nữa, ít lắm. Nhiều liệt sĩ bây giờ mẫu phẩm tương đối rõ, nhưng mẫu phẩm của thân nhân lại không lấy được. Cho nên đành phải để lại, thì khó của giám định gen ADN là như thế.

Thưa ông, khó khăn là vậy, nhưng nếu chúng ta không làm thì theo ông, trong khoảng thời gian bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn cơ hội để trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ?

Tôi đã có kiến nghị với Ban Dân vận Trung ương, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng, nên chăng Nhà nước chúng ta thành lập Ngân hàng gen. Nếu thành lập được Ngân hàng gen này, thì mình làm khoảng 10 năm là được, chứ còn kéo lâu hơn nữa thì khó để mà trả lại tên làm cho các anh lắm.

Làm trong 10 năm này, có điều là thế này: Hơn 30 vạn liệt sĩ đã đưa được về các nghĩa trang, bây giờ phải khẩn trương lấy mẫu phẩm của thân nhân liệt sĩ đang sống, trong tổng số hơn 50 vạn. Thế thì cứ xác định đi, cứ lấy mẫu phẩm đi, làm giám định đi…người nào thuận lợi là đúng. Tôi lấy ví dụ, trong hơn 30 vạn đã đưa về các nghĩa trang, thì vừa lấy mẫu phẩm của thân nhân đang sống, vừa lấy mẫu phẩm hài cốt đang nằm ở các nghĩa trang. Có ngân hàng gen, thì rất thuận lợi. Mình làm dần từng bước một và có kế hoạch làm trong 10 năm thì dứt điểm được. Cho nên mong rằng Đảng và Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành của Trung ương cần sớm nghiên cứu, để có các chủ trương để chúng ta thực hiện việc này.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo VOV.VN


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận