Tỏa sáng phẩm chất người lính

Phần lớn gia đình chính sách ở TP.HCM đã có mức sống trung bình trở lên; nhiều thương binh có thêm động lực, làm nhiều việc có ích.

 

Những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở TP.HCM đã mang lại hơi ấm nghĩa tình và nguồn động viên ý nghĩa dành cho những người có công với đất nước. Từ sự tận tâm, tận lực đó, phần lớn gia đình chính sách trên địa bàn TP đã có mức sống trung bình trở lên; nhiều thương binh có thêm động lực và niềm tin, không ngừng phấn đấu, làm nhiều việc có ích, được mọi người cảm phục.

Viết tiếp truyền thống

Trở về từ chiến trường Tây Nam khốc liệt, ông Trần Ngọc Nam, sinh năm 1964 mất đi 81% sức khỏe. Bản thân sống nhờ vào trợ cấp thương binh, vợ làm bảo mẫu, cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng với sự đồng hành của địa phương, cả nhà ông luôn được giúp đỡ kịp thời. Được trao tặng chiếc xe bán cà phê làm phương tiện sinh kế, hiện tại thu nhập của gia đình đã ổn hơn. Ngoài việc buôn bán, chăm lo cho con ăn học, ông Nam còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương.

Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng quà cho thương binh. (Ảnh: Nguyễn Dung)

Là Tổ phó an ninh khu phố 6, phường 11, Quận 3, trong suốt thời gian TP.HCM chống dịch COVID-19, người thương binh 1/4 vẫn luôn xông xáo, đi chợ giúp dân, trực chốt những điểm nóng. Hai cha con mắc COVID-19, phải cách ly, sau khi khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính, ông lại tiếp tục tham gia chống dịch.

Sau dịch bệnh, khu phố có 4 em nhỏ mồ côi, cha hoặc mẹ qua đời do COVID-19. Từ khoản trợ cấp thương tật hàng tháng, ông Nam dành dụm, mỗi năm 1 triệu đến 2 triệu đồng, đóng góp cho khu phố và MTTQ phường để tặng học bổng cho các em.

Hàng năm được địa phương trao danh hiệu Người tốt việc tốt, ông Nam rất tự hào và nói với con rằng: “Tài sản để lại cho con là những giấy khen này, để con hiểu được, bố ‘tàn nhưng không phế’, vẫn đóng góp một phần nho nhỏ cho địa phương”:

Những thương binh nặng dù mất đi một phần thân thể, dù mang trong mình những vết thương nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời, nhưng họ đã vượt qua đau đớn về thể xác, vững bước với cuộc sống mới. Là thương binh 1/4 đặc biệt nặng, ông Trần Văn Tản, ngụ Quận 4 đã để lại đôi mắt của mình ở chiến trường Campuchia. Rời quân ngũ, cuộc sống lại đặt lên vai người thương binh một trọng trách nặng nề. Ông một mình vất vả nuôi hai con ăn học thành tài và không quên trách nhiệm với cộng đồng.

Là Chủ tịch Hội Người mù Quận 4, ông Trần Văn Tản đã giúp được rất nhiều người mù có hoàn cảnh khó khăn: "Để giúp đỡ người mù, những người yếu thế, tôi đề xuất với chính quyền địa phương giúp họ được hưởng các chính sách hỗ trợ, hoặc vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, giới thiệu việc làm, học nghề để họ từng bước hòa nhập cộng đồng xã hội".

Niềm tự hào cho thế hệ mai sau

Sự tri ân không chỉ đối với các thương binh, mà với cả những người không quản ngại gian nan vất vả chăm sóc cho thương binh, bởi họ cũng là những tấm gương rất đáng khâm phục. Câu chuyện của bà Lê Hồng Ngọc, vợ của thương binh Nguyễn Hải Quý khiến nhiều người xúc động. Ông Quý bị thương rất nặng trong một lần hành quân chống Pol Pot, thương tật đến 92%, bị liệt hai cả chân, chấn thương cột sống, và không thể có con. Đó là vào năm 1985, bà Ngọc lúc ấy rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Ông Quý không muốn trở thành gánh nặng của vợ, nhưng bà vẫn quyết định tạm dừng công việc giáo viên mầm non để chăm sóc chồng. Bà nói với ông: “Anh hy sinh thân thể của mình cho đất nước, không hề nuối tiếc. Chẳng lẽ em không thể hy sinh vì anh".

Bà Lê Hồng Ngọc (thứ hai từ phải sang), vợ của thương binh Nguyễn Hải Quý, được lãnh đạo UBND TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN trò chuyện, động viên. (Ảnh: MTTQ)

Được bác sĩ chẩn đoán chỉ sống được 5 năm, song với tình yêu thương vô bờ bến của một hậu phương vững chắc, thương binh Nguyễn Hải Quý và vợ đã ở bên nhau suốt 38 năm qua. Bà Ngọc tâm sự: "Ba của anh Quý cũng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cho nên anh quyết tâm đi bộ đội, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Anh nói rằng ngày nay được Nhà nước chăm sóc rất tốt, bản thân hai vợ chồng phải tri ân lại. Những lúc anh đau quá, mình thương thiệt và nói: “Anh hy sinh cho Tổ quốc thì bây giờ đất nước chăm lo cho anh và cả em nữa. Thôi mình cố gắng sống, em luôn luôn đồng hành bên anh”.

Những hoàn cảnh tương tự như bà Ngọc - ông Quý còn rất nhiều, không bao giờ hết. Bởi nền hòa bình, độc lập và thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ phải đánh đổi với biết bao nước mắt, máu xương, sự hy sinh anh dũng của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tại TP.HCM, có hơn 38.500 người có công đang được các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên. Bằng ý chí tự lực, các gia đình liệt sĩ, thương binh… cũng nỗ lực phấn đấu để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Ông Trần Văn Tản, thương binh 1/4, họp mặt đồng đội cũng là thương binh nhân kỷ niệm 76 năm ngày TBLS 27/7. (Ảnh: MTTQ)

Gặp gỡ các thương binh nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM đang đứng trước nhiều thời cơ và thử thách để xây dựng TP xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông, xứng đáng là TP mang tên Bác. Toàn hệ thống chính trị đang tập trung triển khai quyết liệt, đưa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, khai thác tốt nguồn lực, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Từ đó chăm lo an sinh xã hội tốt hơn, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách: "TP luôn đặt ưu tiên chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh Hùng; tăng cường giáo dục truyền thống để các em, các cháu nhận thức sâu sắc rằng các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, hoàn thành nhiệm vụ giành độc lập tự do cho đất nước, thì các thế hệ đi sau phải tiếp tục có bổn phận, thực hiện quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh".

Thống kê gần nhất, qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, gần 130 ngàn Mẹ Việt Nam Anh Hùng, hơn 800.000 thương binh, bệnh binh; gần 13.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng lao động. Có gần 111.000 người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày giam cầm, tra tấn. Đến nay vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, hơn 4 triệu người dân đã chết và chịu thương tật suốt đời do bom đạn chiến tranh…

Giá trị của hòa bình, độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân vô cùng lớn lao. Vì vậy dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm không chỉ để nhắc nhớ công ơn những người con ưu tú của Tổ quốc, mà còn để mỗi người tự dặn lòng phải sống và cống hiến, xứng đáng với thế hệ tiền nhân, để các thế hệ nối tiếp luôn tự hào về cha ông của mình./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận