Vì sao cần thiết liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội?

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.

 

Theo thông tin từ Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế, sau 31 năm triển khai chính sách BHYT, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tham gia BHYT công cộng tại châu Á. Hiện, cả nước có khoảng 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số.

Tỷ lệ tổng chi tiêu y tế Việt Nam trong tổng thu nhập bình quân đầu người (GDP) là 4,68% cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia (4,12%), Indonesia (3,41%) và Thái Lan (4,36%) (năm 2020). Tuy nhiên, chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam là 166 USD, khá thấp so với các quốc gia như Malaysia (419 USD), Thái Lan (305 USD), Singapore (3.537 USD).

Tổng chi từ Quỹ BHYT xã hội tăng từ 0.85 tỷ USD năm 2010 đến năm 2022 đã đạt hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phí BHYT xã hội trên đầu người ở Việt Nam vẫn thấp ở mức khoảng 50 USD/người/năm; quỹ BHYT xã hội cũng chỉ đóng góp 1/4 tổng chi tiêu y tế. Phần lớn vẫn đến từ chi tiêu tiền túi của người dân, chiếm khoảng 39,6% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2020.

Việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào 'thời kỳ già hóa dân số" và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.

Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập cao đang là mối quan tâm của xã hội.

Hiện, Bộ Y tế, Chính phủ đang tìm giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao.

Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là “đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế” trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại.

Liên kết BHYT thương mại với BHYT xã hội giúp bảo vệ người dân khỏi những rủi ro do bệnh tật.BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BHYT, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, tuy nhiên cần quy định rõ vai trò và mối liên hệ giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, đồng thời Luật pháp hóa các nguyên tắc quản lý nhà nước đối với liên kết, quy định chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước. Việt Nam có thể thí điểm thực hiện Đề án liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, trong đó cũng chú trọng việc truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi có sự liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.

VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận