Tại dự thảo đề cương do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo - bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký, theo dõi lớn.
"Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm", dự thảo đề cương nêu rõ.
Trước đó rộ lên những nghệ sĩ đi bán hàng, quảng cáo về tiền ảo, thậm chí giới thiệu sản phẩm tâm linh hay mách nhau “địa chỉ” Facebook để xem bói online. MC Cát Tường trong một bài đăng quảng cáo sữa tự tin kể ra một loạt các công dụng thần thánh chẳng khác nào thuốc chữa bệnh xương khớp, có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh chỉ sau thời gian ngắn. Lần khác, cô còn đăng bài quảng cáo “bói tử vi” trên trang Facebook chính chủ.
Do quảng cáo công dụng quá đà cho viên sủi thảo dược, NSND Hồng Vân từng phải lên tiếng xin lỗi khán giả. Thực phẩm chức năng này được nghệ sĩ thổi phồng có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sản phẩm không đúng công dụng như quảng cáo. Qua lời quảng bá của nghệ sĩ, thực phẩm chức năng bỗng trở thành thuốc tiên chữa bách bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL đề xuất các nội dung liên quan đến quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, dịch vụ khám chữa bệnh...
"Quảng cáo thực phẩm chức năng: phải có công dụng, tác dụng; khuyến cáo Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm", đề cương của Bộ VH-TT&DL nêu.
Trong tờ trình, Bộ VH-TT&DL đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Trong đó cho phép các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được trực tiếp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, không bắt buộc phải hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam...
Theo VTC.VN