Dự án nghìn tỷ từ Bái Đính đi Kim Sơn (Ninh Bình) đội vốn, chậm tiến độ trầm trọng

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Bái Đính - Kim Sơn (Ninh Bình) triển khai từ năm 2011, thi công chậm tiến độ, mắc nhiều sai phạm, đội vốn lên 3.800 tỷ đồng.

 

Dự án nghìn tỷ...thi công "rùa bò"

Dự án nâng cấp đê Hữu sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp đường giao thông đoạn Bái Đính đi Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt theo Quyết định 214/QĐ-UB ngày 28/3/2011 với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Dự án triển khai thực hiện chính là nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và đê hữu sông Đáy kết hợp đường giao thông đoạn Bái Đính đi huyện Kim Sơn.

Tổng chiều dài tuyến đường là hơn 45km, đi qua các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, TP Ninh Bình, Yên Khánh, Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình. Khi hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông kết nối từ khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, khu di tích cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, di tích danh lam thành phố Ninh Bình, các khu cụm công nghiệp tại huyện Yên Khánh và vùng biển huyện Kim Sơn.

Hơn 1km đi qua Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và Công viên Thuý Sơn thuộc địa phận phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) đang vướng giải phóng mặt bằng.Theo quyết định phê duyệt, dự án khi hoàn thành sẽ là tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh Ninh Bình, giúp phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Vì thế, tỉnh Ninh Bình đưa dự án vào danh mục những dự án đầu tư phát triển trọng điểm giai đoạn 2011 - 2020.

Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao cho ban chuyên ngành của tỉnh làm chủ đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tiến hành khởi công thực hiện dự án từ năm 2011.

Đến nay, sau 12 năm triển khai, dự án này không thể về đích vì không thể thông toàn tuyến đường. Dự án đường hàng nghìn tỷ đồng thi công rùa bò, công trường thi công tại huyện Kim Sơn còn nham nhở, nhếch nhác, nhiều hạng mục chưa thể xây dựng. Nhiều đoạn hoàn thành đã có dấu hiệu xuống cấp trong khi chưa thông tuyến.

Đặc biệt, có khoảng 1km đoạn qua địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình không thể giải phóng mặt bằng vì vướng nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình (băng tải than qua đê của nhà máy), công viên Thúy Sơn, đồng thời vướng quy hoạch đường sắt Bắc - Nam…

Dừng triển khai dự án để quyết toán công trình

Liên quan đến dự án, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định dừng triển khai dự án để quyết toán công trình. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ trong năm 2018, ban đầu UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp đường giao thông đoạn Bái Đính đi Kim Sơn với mức đầu tư là 1.650 tỷ đồng, nhưng sau đó dự án đội vốn lên 3.860 tỷ đồng.

Liên quan đến những lùm xùm quanh dự án, từ năm 2019 Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, thực hiện kiểm toán, năm 2020 đã có báo cáo Quốc hội chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư công.

Trong đó, công tác lựa chọn nhà thầu của dự án còn nhiều hạn chế như chưa có dự toán được duyệt; dự toán một số gói thầu tư vấn tại dự án chưa được phê duyệt trước khi ban hành quyết định chỉ định thầu; nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực theo hồ sơ yêu cầu.

Sau hơn 10 năm thi công, mặc dù chưa thi công xong dự án đường hàng nghìn tỷ đồng nhưng một số nơi đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.Thậm chí, dự án thiết kế khi chưa có kết quả khảo sát về địa chất, thủy văn, đánh giá tình hình xói lở thực tế; hồ sơ khảo sát chưa chính xác khi chưa đánh giá được đầy đủ các điều kiện địa chất phải bổ sung tăng chiều sâu xử lý nền đất yếu; chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục thẩm định các gói thầu xây lắp; chưa xem xét, đánh giá đầy đủ yếu tố về vốn, chưa đánh giá khả năng huy động vốn.

Tuyến đường huyết mạch với nhiều kỳ vọng để thúc đẩy phát triển của tỉnh Ninh Bình đang có nguy cơ đi tiếp tục chậm tiến độ. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần có ý kiến mong muốn dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác để tránh lãng phí số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra đầu tư, nhất là vốn đầu tư công tại địa phương phải ưu tiên dành cho dự án này. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn "im lìm" mặc cho nhiều đoạn đang xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và đe dọa đến an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang về./.

Văn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận