Nở rộ chiêu trò lừa đảo du lịch, ai bảo vệ du khách?

  • 14/07/2023 02:00:00
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Thời gian qua không ít khách hàng vẫn tiếp tục 'sập bẫy' lừa đảo du lịch, khi các biến tướng 'đặt tour', 'sở hữu kỳ nghỉ',… không ngừng 'nở rộ'...

 

Từ một lần đồng ý đi nghe giới thiệu dịch vụ và nhận quà, bà Nguyễn Thị Trinh, ở Tây Hồ, Hà Nội liên tục nhận được các cuộc điện thoại mời đi hội thảo với đủ loại dịch vụ du lịch, sở hữu kỳ nghỉ hấp dẫn khác nhau.

Bà Trinh từng có ý định mua nhưng rồi bị người nhà ngăn cản: "Đến nơi người ta cũng tiếp đón lịch sự, cho tôi những phiếu làm mát-xa, đi du lịch không mất tiền phòng. Rồi mời chào mua thẻ du lịch dài hạn từ 20-25 năm, người ta mời khéo lắm. Nhưng mà tôi không ký, có người trong gia đình nói là tin làm sao được. Tôi không đến nữa nhưng bây giờ ngày nào cũng có nhiều người gọi tôi".

Không may mắn như bà Trinh, rất nhiều người đã sập “bẫy” biến tướng của mô hình “sở hữu kỳ nghỉ”, như VOV Giao thông từng đề cập mới đây về trường hợp hàng chục khách hàng mua hợp đồng của Vacation Paradise, tiền đã mất mà quyền lợi chẳng thấy đâu.

Những chiêu trò lừa đảo phổ biến là: mời chào khách hàng đặt tour rồi “ôm” tiền đặt cọc bỏ trốn; khách hàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua thẻ du lịch cao cấp nhưng sau đó nhân viên “mất hút”, công ty phá sản; ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ dưỡng kéo dài hàng chục năm nhưng không được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận; hợp đồng không rõ ràng, hoặc cài cắm nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng…

Nhất là khi vào mùa du lịch, người dân tranh thủ kỳ nghỉ hè của trẻ con để cả nhà đi chơi, nhu cầu tăng cao, lựa chọn cũng ít khắt khe hơn, càng tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Có thể kể đến trường hợp Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma) bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương xử phạt 45 triệu đồng và buộc cải chính thông tin do có hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ cho người tiêu dùng.

Hay đầu tháng 5 vừa qua, Công an TP. Đà Nẵng đã bắt giữ một đối tượng sử dụng nhiều SIM rác, Facebook ảo, Zalo ảo để tham gia các hội nhóm du lịch, giả làm nhân viên công ty, bán vé máy bay, book phòng khách sạn rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Chuyên gia tội phạm học, TS. Đào Trung Hiếu phân tích, các biến tướng “đặt tour”, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi người dân trình báo cơ quan chức năng thì việc điều tra mất rất nhiều thời gian, khó khăn trong việc truy vết tội phạm công nghệ cao, thậm chí trong nhiều vụ án, đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Do vậy, theo TS. Đào Trung Hiếu, ý thức cảnh giác của mỗi người dân là “bức tường lửa” để bảo vệ họ trước những nguy cơ tấn công của tội phạm: "Giải pháp căn cơ nhất là truyền thông thay đổi hành vi. Cơ quan chức năng từ việc điều tra, giải quyết các vụ việc thì đưa ra những phân tích, cảnh báo cho xã hội biết rằng đang có thủ đoạn phạm tội như thế này, mọi người cần nhận diện và phòng tránh như thế nào. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt tình hình. Ta phải làm rất sớm, ngăn chặn, khi hậu quả xảy ra thì khả năng khắc phục rất khó".

Trước các hợp đồng được mời chào, khách hàng đừng vội vàng ký ngay, hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thực sự thấu hiểu từng điều khoản và tự kiểm tra lại nhu cầu của mình (Ảnh minh họa - thoibaonganhang)

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho rằng: "Người mua cần lưu lại toàn bộ thông tin liên quan quá trình mua tour; việc thanh toán qua email, tin nhắn; yêu cầu người cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết và trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng. Nếu có dấu hiệu bất thường thì người mua cần sớm trình báo cơ quan chức năng. Về phía các cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường việc kiểm tra, xác minh để phát hiện và kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo. Mặt khác cần tăng cường tuyên truyền về các hình thức lừa đảo mới".

Hậu quả từ tình trạng lừa đảo du lịch không chỉ là “tiền mất tật mang”, mà còn khiến du khách mất niềm tin, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự xã hội và sự phục hồi của thị trường du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh giải pháp đến từ các cơ quan quản lý là thanh, kiểm tra thường xuyên để xử lý vi phạm kịp thời và loại bỏ những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động không lành mạnh:

"Đối với các đơn vị đã có thương hiệu, Nhà nước cần hỗ trợ quảng bá, áp dụng công nghệ số để người dân biết nhiều hơn đến các đơn vị này. Các đơn vị này cũng cần tích cực quảng bá, giới thiệu mình. Với khách hàng, làm gì thì chúng ta cũng phải suy xét thật kỹ trước khi lựa chọn và đưa tiền, đặc biệt là những quyền lợi được giới thiệu. Phải có hợp đồng, điều khoản với các đơn vị có thương hiệu thì chúng ta sẽ tránh được những thiệt thòi"./.

Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận