Địa phương làm cao tốc - thần tốc hơn

Một năm trở lại đây, nhiều dự án giao thông đi vào vận hành, được ví như mạch máu góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương...

 

Hạ tầng đến đâu, kinh tế phát triển tới đó

Ông Bùi Xuân Thống - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - cho biết, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào vận hành từ tháng 4/2023 và lập tức chứng minh ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Dự án có chiều dài 99 km, kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuống còn khoảng 2,5 giờ. Tuyến cao tốc huyết mạch này giúp kết nối vùng Đông Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm khác như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, từ đó lan tỏa đến cả nước. Việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng trở nên thuận lợi hơn và chắc chắn tạo tiền đề phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ông phân tích thêm, chúng ta có thể thấy Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước, và vùng này cũng rất giàu thủy sản. Rồi tốc độ phát triển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ cũng rất lớn. Nếu như không có các tuyến đường kết nối thì việc vận chuyển hàng hóa từ đây tới các khu vực khác sẽ chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.

Cũng nói về diện mạo địa phương đổi mới sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tiếp nối đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cùng chay qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, bà Bố Thị Xuân Linh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhận xét, kinh tế tỉnh Bình Thuận đứng trước cơ hội phát triển lớn nhất từ trước đến nay.

“Khi có đường cao tốc, du khách đi lại rất thuận lợi. Thời gian di chuyển từ TP.HCM về Bình Thuận chỉ khoảng 2 tiếng. Do đó, hiện nay du lịch Bình Thuận đã hút một lượng khách lớn, đặc biệt là đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Đây là cơ hội để tỉnh Bình Thuận phát triển du lịch. Thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và các tuyến đường cao tốc, nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, bà Linh thông tin.

Tương tự, ở khu vực phía Bắc, đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa được khơi thông vào dịp cuối tháng 4 vừa qua cũng có ý nghĩa huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế cả nước nói chung và kinh tế 2 địa phương này với các vùng trọng điểm khác.

Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới hoàn thành một phần nhưng đã đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Bỉm Sơn, Nam Sơn, Sao Vàng…, đồng thời cũng góp phần phát triển du lịch.

Đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới hoàn thành một phần nhưng đã đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Bỉm Sơn, Nam Sơn, Sao Vàng…, đồng thời cũng góp phần phát triển du lịch.  Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh HóaÔng Dương Khắc Mai - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông - nói: “Tôi hy vọng, thời gian tới, các tuyến cao tốc nối khu vực Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và các tuyến kinh tế phía Nam sẽ sớm được triển khai. Đây vừa là mong mỏi của người dân Tây Nguyên, vừa đảm bảo chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh của vùng”.

Địa phương làm cao tốc

Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm được khánh thành, đưa vào sử dụng, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng miền trên cả nước. Theo số liệu của Bộ GTVT, chỉ tính riêng chiều dài đường cao tốc đã tăng thêm hơn 600 km, trong khi cả chục năm trước chỉ xây dựng được khoảng 1.100km.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, còn rất nhiều việc ngành Giao thông Vận tải phải làm trong thời gian tới, trong đó, quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc để đây nhanh tiến độ thi công các dự án.

Ông Bùi Xuân Thống - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai."Tôi thấy rằng, hiện nay, về mặt cơ chế và chính sách để thực hiện dự án thì chúng ta đã có, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc. Để tháo gỡ, cần đẩy mạnh việc phân cấp và giao quyền cho các địa phương, đồng thời, các bộ ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ. Ví dụ, về giải phóng mặt bằng, nếu thực hiện theo đúng quy định thì mất khoảng hơn 300 ngày làm việc. Vậy nếu tách công tác GPMB, bồi thường ra một hạng mục riêng thì có thể tiến hành song song các thủ tục. Như vậy sẽ góp phần rút ngắn được thời gian thực hiện các dự án này trong thời gian tới”, ông Bùi Xuân Thống nêu ý kiến.

Chủ trương giao địa phương làm cao tốc đã được Thủ tướng ban hành. Theo đó, việc phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng: quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư, Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đây được cho là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000 km cao tốc đến năm 2030.

THÀNH LÂM - PHẠM DUY/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận