HIV tiến triển là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu ở người bệnh có H. Việc tăng cường quản lý bệnh HIV tiến triển đóng vai trò rất quan trọng.
Cứ 5 ca tử vong ở người có H thì 4 ca là do bệnh tiến triển
Đây là dẫn chứng được đưa ra tại Hội thảo tăng cường quản lý bệnh HIV tiến triển ở Việt Nam, thuộc Dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì kiểm soát dịch bệnh (EpiC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), do Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tài trợ, phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam và Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức hôm 7/11 tại Hà Nội.
Bác sĩ Randolph Augustin, Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam, chia sẻ, trên thế giới, Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc điều trị HIV hiệu quả và bền vững khi là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất thế giới. Việt Nam cũng đề cao sự cần thiết trong việc chẩn đoán sớm và điều trị HIV nhằm ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn, và Bộ Y tế đã đưa các nội dung cụ thể về chăm sóc bệnh HIV tiến triển trong Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS năm 2021 theo các khuyến nghị mới nhất của WHO. Tuy nhiên, bệnh HIV tiến triển vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam.
“Hội thảo này là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm chấm dứt đại dịch AIDS, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV”.
Bác sĩ Randolph Augustin
|
HIV tiến triển là tình trạng bệnh lý ở người nhiễm HIV khi có chỉ số CD4 dưới hoặc bằng 200 tb/mm3 hoặc giai đoạn lâm sàng 3, 4 đối với trẻ 5 tuổi trở lên và người trưởng thành; ở tất cả trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên không phải BN nào cũng biểu hiện dấu hiệu suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng cơ hội ở giai đoạn này. Đây cũng là rào cản trong việc sàng lọc, chẩn đoán và quản lý điều trị.
Bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy, đại diện Nhóm chăm sóc và điều trị Dự án USAID EpiC chia sẻ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, mặc dù với nhiều tiến bộ trong điều trị ARV, đặc biệt là các nỗ lực hỗ trợ người bệnh được điều trị ARV nhanh/trong ngày cùng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, số lượng người nhiễm HIV tuy giảm, nhưng bệnh HIV tiến triển vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đáng chú ý, trong số những người bắt đầu điều trị ARV có khoảng 30 - 40% có số lượng CD4 dưới hoặc bằng 200 tb/mm3; và khoảng 25% BN bỏ trị quay lại điều trị xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng và CD4 giảm. Qua thí điểm các can thiệp nhằm tăng cường quản lý HIV tiến triển do Dự án hỗ trợ ở 3 cơ sở điều trị HIV tại tỉnh Tây Ninh về tỷ lệ nhiễm trùng cơ hội và tỷ lệ tử vong trên nhóm người bệnh này cho thấy: Cứ 5 ca tử vong ở người nhiễm HIV thì có 4 ca là do bệnh HIV tiến triển. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng cơ hội ở giai đoạn lâm sàng 3, 4, trong đó lao phổi và lao ngoài phổi chiếm khoảng 51%.
Tại sao cần quan tâm tới bệnh HIV tiến triển?
Đánh giá khảo sát tình hình bệnh HIV tiến triển ở các cơ sở điều trị ARV tại Việt Nam, TS.BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn truyền nhiễm, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Theo một nghiên cứu gần đây của trường ĐH Y Hà Nội thì chỉ có 8/100 cơ sở điều trị làm được các xét nghiệm (XN) đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh HIV khi bắt đầu điều trị ARV - là các XN rất cần thiết trong việc xác định HIV tiến triển. Ngoài ra, hơn 80% cơ sở không phát hiện được nấm và vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội do hạn chế về phương tiện chẩn đoán. Điều này cũng gây khó khăn cho điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội. Từ đó ông đưa ra khuyến nghị: “Việt Nam cần nâng cấp, cung ứng đầy đủ trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, cũng như đảm bảo nguồn thuốc điều trị, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến dưới như tuyến huyện. Ngoài ra, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân HIV về chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển cũng rất cấp thiết”.
“Chẩn đoán sớm là chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong, cần đảm bảo sự sẵn có của các xét nghiệm, trong đó xét nghiệm CD4 là cần thiết để xác định bệnh HIV tiến triển. Chẩn đoán bệnh HIV tiến triển cần thực hiện xét nghiệm CD4 khi người bệnh bắt đầu điều trị ARV và điều trị trong 6 tháng đầu, bỏ trị quay lại điều trị ARV, thất bại điều trị ARV”.
BS Vũ Quốc Đạt
|
PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất thế giới khi có đến 96% BN điều trị ARV có tải lượng dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã được chính phủ phê duyệt thì vẫn còn 1 khối lượng công việc bộn bề trước mắt khi cả nước vẫn còn khoảng 80.000 BN chưa tiếp cận được với điều trị, và trong số này thì có bao nhiêu người thuộc nhóm HIV tiến triển.
“Khi HIV tiến triển là lúc người bệnh gây ra tình trạng lây nhiễm cao nhất. Đây chính là nguy cơ tiềm tàng bùng phát dịch ở các tỉnh/thành. Vậy đâu là rào cản dẫn đến tình trạng này? Nếu họ được phát hiện, đưa vào điều trị ARV sớm, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế thì nhóm người đó không còn là nhóm nguy cơ dễ dàng lây nhiễm cho bạn tình của mình. Đó cũng là câu hỏi mà chúng tôi luôn đặt ra với các đối tác nhằm sớm đưa ra các giải pháp giúp nhóm bệnh này sớm đưa vào quản lý. Bởi khi tiếp cận điều trị ARV muộn, lúc đó CD4 đã xuống dưới 200, miễn dịch cơ thể suy yếu rất dễ nhiễm trùng cơ hội, dễ dẫn tới tử vong”, bà Thu Hương nhấn mạnh.
“Theo WHO, nước ta mỗi năm còn dưới 1.000 ca nhiễm HIV mới sẽ được gọi là chấm dứt dịch AIDS. Vậy làm thế nào để 7 năm nữa chúng ta hoàn thành mục tiêu này khi Việt Nam vẫn có 12.000 - 13.000 ca nhiễm mới mỗi năm. Đây là điều mà chúng tôi cùng với các tỉnh/thành luôn luôn trăn trở để kêu gọi các đối tác trong nước và quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính để làm thế nào tỷ lệ này giảm xuống 1.000 ca/năm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các tỉnh, thành”.
PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS
|
Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam hiện đang tích cực hợp tác với các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để giải quyết những thách thức do bệnh HIV tiến triển đặt ra. Cục trưởng Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV. Thông qua việc phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đẩy mạnh việc áp dụng các kinh nghiệm và thực hành tốt trên thế giới nhằm quản lý bệnh HIV tiến triển hiệu quả hơn. Định hướng chiến lược này giúp Việt Nam tận dụng được các giải pháp sáng tạo và nghiên cứu tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực này./.
Lưu Hường