Nhiều phụ huynh cũng như chuyên gia cho rằng, xét trên tổng bình diện toàn thành phố cả khu vực nội thành và ngoại thành, Hà Nội có thể không thiếu chỗ học, nhưng trên thực tế vấn đề trường lớp ở khu vực nội thành lại đang rất áp lực.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: “Chúng tôi khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học”. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định điều này khi nói về việc hàng trăm phụ huynh Hà Nội xếp hàng thâu đêm để có 1 suất học lớp 10 cho con.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2023, toàn thành phố có 129.210 học sinh lớp 9. Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT giao 128 trường THPT công lập và công lập tự chủ tuyển mới 1.698 lớp với 75.430 học sinh; Giao 95 trường THPT tư thục tuyển mới 614 lớp với 26.829 học sinh; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tuyển mới 229 lớp và 10.305 học viên. Như vậy tổng số chỉ tiêu mới là 112.564 em.
Như vậy vẫn còn 16.646 học sinh. Toàn thành phố Hà Nội cũng có 4 trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học với tổng số chỉ tiêu gần 2.000 em, tuyển sinh trên toàn quốc. Thực tế cho thấy học sinh các địa phương khác về thi và theo học tại các trường này cũng rất nhiều. Nhưng ngay cả khi 4 trường THPT chuyên này “gánh” được 2.000 học sinh toàn thành phố thì vẫn còn khoảng hơn 14.000 em chưa có chỗ học, phải chuyển sang học nghề.
Trước phát ngôn của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội rằng thành phố không thiếu trường học, anh Nguyễn Văn Xuân (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng chưa phản ánh đúng về thực trạng trường lớp hiện nay: “Thông tin Hà Nội không thiếu chỗ học là chưa chính xác và không đầy đủ. Các huyện ngoại thành không thiếu trường công, học sinh đạt 4 điểm 1 môn đã có thể đỗ trường THPT công lập, thế nhưng khu vực nội thành lại thiếu trường lớp trầm trọng”.
Phụ huynh này dẫn chứng, con anh đạt trung bình 7,7 điểm/môn nhưng vẫn không đỗ được THPT Tây Hồ, nếu muốn học trường công buộc phải sang THPT Đại Mỗ.
“Nếu học trường Đại Mỗ, con phải đi học từ 5h30-6h sáng mới kịp, ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông thì quá vất vả, đằng đẵng trong 3 năm. Gia đình rất muốn cho con học trường công, vì khi ra trường tư mức học phí của những trường ở mức vừa phải cũng đã khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, gấp cả chục lần so với học phí trường công. Nhưng nếu con đi học quá xa ở ngoại thành thì lại vất vả, nguy hiểm, nên đành phải chấp nhận học trường tư dù áp lực kinh tế. Đến khi chọn trường tư để có những trường đảm bảo chất lượng, mức học phí lại vừa phải không dễ dàng. Phụ huynh không phải kén chọn mà không còn sự lựa chọn nào khác cho con”, anh Nguyễn Văn Xuân bức xúc.
Anh Xuân cho rằng tình trạng thiếu trường lớp đang tạo ra áp lực rất lớn trong khu vực nội thành. Sĩ số các lớp học tăng cao hơn nhiều so với mức thực tế. Theo anh Nguyễn Văn Xuân, tình trạng phụ huynh phải xếp hàng xin học cho con xuất phát từ chính những bất cập trong câu chuyện quy hoạch của thành phố Hà Nội hiện nay.
Anh Xuân đơn cử: “Gia đình tôi sống tại chung cư HDI Tây Hồ, tổng 4 tòa nhà là 600 căn hộ, nhưng chỉ có duy nhất 1 trường mầm non thư thục với mức phí 6 triệu đồng/tháng. Chung cư ở Hà Nội mọc lên như nấm nhưng số lượng trường lớp lại chưa tương xứng, chỗ nào càng đông dân thì áp lực trường lớp cho con cái càng lớn”.
Phụ huynh Nguyễn Thanh Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bức xúc đặt câu hỏi, Hà Nội không thiếu trường lớp, nhưng với điều kiện học sinh nội thành không trúng tuyển phải ra các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất để học thì đúng là vẫn có trường.
“Hà Nội cần nhìn lại bài toán quy hoạch đô thị thế nào để phụ huynh không còn cảnh xếp hàng thâu đêm, bốc thăm dành suất học cho con”, chị Nguyễn Thanh Mai nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam không khỏi băn khoăn, Hà Nội là một trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa giáo dục của cả nước nhưng tại sao vẫn tồn tại nền giáo dục phụ huynh phải chen lấn xô đẩy để xin cho con 1 suất học. Hà Nội cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, người đứng đầu ngành giáo dục và thành phố cần chịu trách nhiệm,
GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng khẳng định Hà Nội không thiếu trường lớp là chưa đúng, chỉ nhìn riêng quận Hoàng Mai đã thấy rõ sự thiếu hụt trường lớp ra sao, khi ngay từ bậc mầm non phụ huynh đã phải bốc thăm cho con vào trường công, cấp tiểu học phải học luân phiên vì thiếu lớp học.
“Thẳng thắn nói rằng ở Hà Nội có nhiều vị trí đẹp đã dành hết cho việc xây chung cư, nhiều dự án treo gây lãng phí đất đai, nhưng đất xây trường lại không có. Câu chuyện đủ trường không có nghĩa là học sinh chỉ cần có chỗ ngồi học, mà trường học cần đáp ứng đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, diện tích tối thiểu bao nhiêu mét vuông cho 1 học sinh, trang thiết bị, mức độ thông minh của trường học. Nếu nói Hà Nội đủ trường học, cần xem lại khái niệm đủ này”, GS,TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn đang dẫn đến những bất cập. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, ngành giáo dục cần tham mưu cho địa phương với dân số như vậy sẽ cần quy hoạch thêm bao nhiêu trường mẫu giáo, trường tiểu học, dự án phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về các thiết chế xã hội như giáo dục, trường học mới được phê duyệt. Ngành giáo dục cũng cần tính toán cần thêm bao nhiêu giáo viên để chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, việc quy hoạch các trường không chỉ là trường ngoài công lập, trường quốc tế. Bởi thực chất, tại các khu đô thị có trường tư nhưng mức chi phí quá cao, người dân sẽ rất khó theo kịp. Việc quy hoạch cần đáp ứng nhu cầu chung toàn cộng đồng.
“Nếu mỗi khu đô thị mới có 1 vài trường tư xa xỉ, với mức học phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng thì không thể đáp ứng nhu cầu chung của người dân, phải tính đến trường của cộng đồng, xã phường, đảm bảo cho con em đủ chỗ học bậc phổ thông, đảm bảo mọi học sinh đều được đi học, đủ để đào tạo có chất lượng”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Nguyễn Trang/VOV.VN