Có thể hay không bỏ mức trần đóng bảo hiểm xã hội để tăng lương hưu?

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp tục đề xuất quy định mức trần đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

 

Với mức trần này, người lao động khó có mức lương hưu đủ sống, thậm chí lương cao, dù họ có thể đóng mức BHXH cao hơn bình thường.

Vậy, có thể bỏ mức trần đóng BHXH để người lao động được hưởng mức lương hưu cao được không? Nếu không quy định mức trần, điều gì sẽ xảy ra?

PV VOV Giao thông đối thoại với ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về việc Bảo hiểm xã hội tiếp tục quy định khống chế mức trần đóng Bảo hiểm xã hội là 20 lần mức lương cơ sở?

Ông Phạm Minh Huân: Về vấn đề này, ngay trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 cũng đã quy định, là mức trần đóng BHXH không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung, sau này thành mức lương cơ sở.

Vấn đề BHXH là vấn đề an sinh chung cho nên mức đóng đối với bảo hiểm bắt buộc thì người ta cũng quy định trong mức vừa phải và lúc đó quy định 20 lần thì với mức lương tối thiểu năm 2006 chỉ có 450 nghìn đồng.

Nếu khống chế 20 lần thì lúc đó khoảng 10 triệu trong khi lương cao nhất khu vực hành chính chỉ khoảng chưa được 5 triệu nên lúc đó mới đặt vấn đề khống chế như vậy.

Mức này nói chung để đảm bảo an sinh vừa phải, còn những người có nhu cầu mức đóng cao hơn thì đóng theo tầng khác, tức là cái hưu trí bổ sung, đấy là tự nguyện của người lao động, người sử dụng lao động. Điều này thì trong Luật Bảo hiểm năm 2014 cũng đã thể hiện, có phần hưu trí bổ sung.

PV: Có ý kiến cho rằng với quy định như vậy sẽ khiến những người có thu nhập cao không thể đóng vượt trần để nâng tiền lương hưu được hưởng sau này và cũng không thu hút được nguồn đóng của những người có thu nhập cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Minh Huân: Nhu cầu đóng cao hơn thì Nhà nước luôn khuyến khích, vì người lao động có thu nhập cao muốn đóng phần cao hơn để sau này hết độ tuổi lao động có mức lương cao hơn thì Nhà nước khuyến khích.

Nhưng bây giờ những người có thu nhập cao phải đóng theo cái tầng gọi là hưu trí bổ sung. Cái này nó sẽ tạo thành tài khoản cá nhân, tích góp lại của người lao động để sau này người lao động đóng được bao nhiêu thì sau này sẽ hưởng toàn bộ phần đó cộng với phần sinh lời.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp tục đề xuất quy định mức trần đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở đang thu hút sự quan tâm của dư luận.PV: Theo ông, các cơ chế để khuyến khích người lao động đóng vào Quỹ Hưu trí bổ sung này đã đủ sức hấp dẫn chưa?

Ông Phạm Minh Huân: Cái bổ sung thì thường người ta có một chính sách thuế của nhà nước, miễn hoặc giảm cái phần người ta đóng vào để khuyến khích người ta dùng nguồn tiền đó để đóng vào, một là sau này người ta lo cho cuộc sống, hai là tạo thành một quỹ đầu tư.

Ở các nước thì Quỹ hưu trí bổ sung là quỹ rất lớn, còn đối với chúng ta thì việc này Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Lao động phối hợp thì tôi cho rằng Quỹ hưu trí bổ sung vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Cho nên sửa Luật lần này chúng ta có thể thúc đẩy cái này lên, một là đáp ứng yêu cầu của người lao động, thứ 2 là chính sách của Nhà nước thì cần phải hỗ trợ thêm xung quanh vấn đề thuế để từ đó cái nguồn mà người lao động đóng vào sẽ là một nguồn vốn quan trọng để thực hiện các công trình của Quốc gia.

PV: Theo ông, nếu không khống chế mức trần đóng BHXH thì sẽ thế nào?

Ông Phạm Minh Huân: Về khống chế trần như đề xuất thì chúng tôi nghĩ là phải xem lại mức 20 lần mức lương cơ sở nó đã phù hợp chưa; nếu mà chưa phù hợp thì chúng ta phải xem xét lại việc này.

Nhưng nói chung tầng bảo hiểm bắt buộc thì cũng chỉ quy định ở một mức nhất định, vừa bảo đảm được thu nhập của số đông; thứ 2 cũng phải tính đến chi phí của doanh nghiệp, người ta có chịu đựng được không…

Khống chế mức trần này để đảm bảo an sinh, bảo đảm cái chênh lệch lương hưu giữa bảo hiểm bắt buộc này cũng chênh lệch vừa phải, còn những người thu nhập cao thì chuyển sang tầng Hưu trí bổ sung./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quách Đồng/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận