Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 23) được tổ chức trong sáng 6/7, tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có những chuyển biến tích cực.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc; học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây mất TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa được đấu tranh, ngăn chặn.
Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội (TTXH) trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2013- 2022.
"Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, nổi lên đó là trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ. Chỉ tính riêng đối với lực lượng Cảnh sát giao thông đã xảy ra 362 vụ chống người thi hành công vụ, khiến 4 đồng chí hy sinh, 194 đồng chí bị thương", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.
Trên đường bộ, vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không chấp hành tín hiệu giao thông, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, ma túy, chở quá tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, người vi phạm không chấp hành, chống lại người thi hành công vụ và hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô tụ tập lạng lách, đánh võng..., nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm (cố tình vi phạm và có nhiều thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng), gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ... đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT) hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng khi xảy ra TNGT.
Tình trạng người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành quy tắc giao thông khi đi qua nơi giao cắt với đường sắt (người điều khiển phương tiện vượt đường sắt tại các đường ngang dân sinh, thậm chí cố tình vượt qua đường sắt bất chấp đã có cảnh báo tự động)…, hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được đảm bảo nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư; lái tàu chưa thực hiện đúng chế độ hô - đáp, kéo còi cảnh báo và xử lý khi phát hiện chướng ngại trên đường sắt...
Vi phạm phổ biến ở đường thủy hiện nay là phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, vi phạm quy tắc giao thông, bến thủy hoạt động trái phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn; lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặc biệt là phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện du lịch, phục vụ vui chơi, giải trí, tàu cao tốc hoạt động không đảm bảo an toàn.
Hơn 76.000 người chết vì tai nạn giao thông trong giai đoạn từ 2012-2022
Theo báo cáo của Bộ công an, từ năm 2012-2022 trên cả nước đã xảy ra 190.020 vụ, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với 10 năm trước giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra phức tạp tại các thành phố lớn, nhất là trong giờ cao điểm, ngày nghỉ lễ do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, nhiều trường hợp ùn tắc gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Từ ngày 16/12/2012 đến 14/6/2022, toàn quốc xảy ra 1.114 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các khu vực đông dân cư, đô thị lớn. Nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh của phương tiện cơ giới cá nhân, sự bất cập về năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng hoặc thi công, cải tạo và nâng cấp đường trên các tuyến giao thông... trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương chưa có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông phù hợp.
Từ ngày 15/12/2012 đến 14/6/2022, số lượng đăng ký xe ô tô trên toàn quốc là 3.260.715 và 30.029.576 xe mô tô, xe gắn máy (mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau), đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao lưu văn hóa của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước (hiện cơ quan chức năng đang quản lý hơn 5,5 triệu xe ô tô và 74 triệu xe mô tô, xe gắn máy).
Đến nay, cả nước có 11.491.309 giấy phép lái xe ô tô và 50.191.787 giấy phép lái xe mô tô đã được cấp; đã đào tạo và cấp 436.351 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đạt 46,6% so với tổng điều tra năm 2007.
Văn Ngân/VOV.VN