Tại kỳ họp Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, một số đại biểu quốc hội đã nêu đề xuất: Đối với quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, những vùng lõi trong bán kính khoảng dưới 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại nằm giữa trung tâm vùng lõi, gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.
Thay vào đó, chỉ ưu tiên cho việc xây dựng những công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh. Ý kiến này đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi trung tâm thành phố lớn các nhà máy, trường đại học...
Trả lời ý kiến này, cơ quan soạn thảo cho biết, phạm vi quy hoạch sử dụng đất chỉ xác định và khoanh vùng các khu vực phát triển đất ở, còn việc xác định quy mô, tầng cao các chung cư thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng.
Đối với quy hoạch các công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh hay di dời các nhà máy, trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố lớn, đây là nội dung được xác định, quy định trong các nhiệm vụ lập quy hoạch để thực hiện các mục tiêu cụ thể của từng đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Để làm rõ hơn về tính cấp thiết và khả thi của nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy.
PV: Theo quan điểm của ông, đề xuất không xây chung cư cao tầng trong phạm vi 10km từ vùng lõi đô thị có khả thi?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, chủ trương giảm xây nhà cao tầng trong vùng lõi là đúng rồi, lâu nay chúng ta vẫn thực hiện ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan quá. Vì quỹ đất trong trung tâm chỉ có thế, có nhiều công trình cần phải xây dựng, rất cần thiết cho nền kinh tế, rất cần thiết cho vấn đề hạ tầng.
Nếu cấm hoàn toàn thì không nên, nhưng cho xây dựng theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, tức là chỗ nào cần xây nhà bao nhiêu tầng, chỗ nào không xây, làm công viên cây xanh, làm giao thông, thì chúng ta thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch ấy.
Hiện nay, chúng ta có tình trạng chiếm đất giao thông quá nhiều. Có những nơi đáng lý làm bãi đỗ xe, nhà để xe hoặc gara, thì lại biến thành nhà cao tầng. Các bến xe, trong đó bến Hà Đông là rõ nhất, rất nghiêm túc như thế lại thành nhà cao tầng. Rồi bến xe Lương Yên thành nhà cao tầng, bến xe Kim Liên thành khách sạn.
Theo tôi, Hà Nội và TP.HCM phải nghiêm túc thực hiện điều này, cần xử lý với những trường hợp cố tình làm vậy, kể cả người có vị trí cao nhất ở thành phố. Nếu chúng ta làm nghiêm túc, sẽ thực hiện ý đồ quy hoạch là hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở lõi đô thị.
PV: Như vậy theo ông, đề xuất này khá cực đoan, và xu hướng xây nhà cao tầng là tất yếu, vấn đề là phải có tỉ lệ hài hòa, thưa ông?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Để phát triển thì chiều cao xây dựng sẽ ngày càng tăng. Vấn đề là chúng ta xây nhà cao tầng thì phải dành quỹ đất cho giao thông. Hiện tỉ lệ này mới đạt 7-8% thôi, không dám là đạt được 20% nhưng cũng phải phấn đấu được 15%, tức là tăng gấp đôi so với hiện tại.
Muốn vậy, chúng ta phải có quy hoạch hợp lý, các tuyến đường sắt, tàu điện ngầm đi vào vùng lõi, xe buýt, phương tiện công cộng được tăng cường năng lực, mở rộng các tuyến đường, xây dựng thêm đường vành đai, tăng không gian ngầm ở đô thị, thì khi đó chúng ta vẫn có thể xây dựng nhà cao tầng ở mức độ hợp lý. Còn nếu cấm hoàn toàn thì theo tôi là không nên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chu Đức thực hiện (VOVgiaothong.vn)