Trước nhiều ý kiến trái chiều về đề thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD-ĐT cho biết, việc đổi mới đề thi cần có lộ trình hợp lý nhất, phù hợp nhất mà không gây "sốc" cho học sinh.
Hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước vừa chính thức hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 28/6-29/6, mỗi thí sinh phải hoàn thành 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là thách thức lớn với mỗi học sinh lớp 12, khi kết quả của kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn làm cơ sở để rất nhiều trường đại học trên cả nước tuyển sinh. Việc tổ chức kỳ thi cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục cả nước trong mỗi năm học.
Thí sinh thở phào kết thúc kỳ thi
Kết thúc buổi thi cuối cùng, Lê Quang Huy - thí sinh tự do tại điểm thi THPT Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) thở phảo nhẹ nhõm khi đã nỗ lực hết mình và hoàn thành tốt các bài thi theo đúng kỳ vọng của bản thân. Chưa trúng tuyển đại học ở năm trước với số điểm 24, Lê Quang Huy quyết tâm thi lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để có thêm cơ hội vào trường đại học mình mong muốn. Không tham gia xét tuyển sớm bằng học bạ hay các kỳ thi đánh giá năng lực, nam sinh dành toàn bộ “ngôi sao hy vọng” vào kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này, cũng bởi vậy mà áp lực trước kỳ thi càng lớn hơn.
“Trước khi thi em cảm thấy rất lo lắng, hàng ngày đều học từ sáng đến đêm. Tuy nhiên khi thi xong em cảm thấy rất vui. Đề thi tương đối vừa sức với thí sinh. Cả 3 bài thi Toán, Tiếng Anh, Vật lý dùng để xét tuyển khối A1 vào đại học em đều làm khá tốt, em hy vọng mỗi môn sẽ được trên 8,5 điểm”, Quang Huy chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, Ngô Phạm Phương Anh (THPT Đào Duy Từ, Hà Nội) cũng hào hứng cho biết: “Trước kỳ thi em mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền, dù đã ôn khá kỹ nhưng vẫn cảm thấy bồi hồi lo lắng. Ở kỳ thi này chúng em phải thi khá nhiều môn, trái lại với cảm giác mệt mỏi, khi bước ra từ phòng thi em lại cảm thấy có nhiều năng lượng, quyết tâm hơn để tiếp tục hoàn thành các môn thi. Đề thi năm nay khá “dễ thở”, có phần nhẹ nhàng hơn 7 đề thi thử ở trường. Đề thi tiếng Anh khá dễ, em nghĩ mình có thể đạt 9 điểm. Với môn Ngữ văn em đã ôn kỹ nên làm bài tương đối tốt, môn Toán hơi khó, em nghĩ mình sẽ được khoảng 7 điểm. Với đề thi này, em hy vọng bản thân sẽ đạt được mức từ 25-26 điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh”.
Đề thi tốt nghiệp THPT nhận nhiều ý kiến trái chiều
Đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT 2023, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho rằng, về cơ bản, đề thi bám sát nội dung được học, chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, tương tự đề thi minh họa, đề có tính phân loại học sinh tốt. Tuy nhiên, đề thi cũng chưa có tính chiều sâu, còn nặng về tính toán, chưa đánh giá được năng lực của học sinh, thiếu những yếu tố liên hệ, ứng dụng thực tiễn.
Với môn thi Ngữ văn, sau khi kết thúc kỳ thi có khá nhiều ý kiến trái chiều, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi Ngữ văn vẫn đi theo lối mòn, khá cũ kỹ, thiếu sự đột phá, sáng tạo trong cách ra đề. TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, đề ngữ Văn có sự ổn định, giữ cấu trúc từ năm 2017 tới nay. Điều này tạo cảm giác yên tâm cho một số lượng thí sinh nhất định, tuy nhiên, tính ổn định có thể đưa đến sự trùng lặp, thiếu đột phá, bất ngờ nên ít nhiều làm giảm hứng thú cho thí sinh khi làm bài.
TS Trịnh Thu Tuyết hy vọng, học sinh học chương trình GDPT mới sẽ được trải nghiệm những đề thi mà ngữ liệu nghị luận văn học nằm ngoài SGK, giúp các em tự khám phá và cảm nhận, phát huy những kỹ năng đã được rèn luyện trong cả cấp học.
Tương tự, đề thi môn tiếng Anh cũng được nhiều giáo viên đánh giá là tính phân loại không cao, phù hợp với việc xét tốt nghiệp, song số lượng thí sinh trên 9 điểm cũng rất nhiều, điều này tạo khó khăn cho các trường đại học nếu xét tuyển có môn thi này.
Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT phải có lộ trình, không gây “sốc” cho thí sinh
Liên quan đến đề thi, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, đây là nội dung quan trọng và năm nào cũng có nhiều ý kiến. Ban ra đề thi gần 100 cán bộ ở khắp các vùng miền và thực hiện chuyên môn trong vòng gần 1 tháng. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, đề thi được đánh giá độ tin cậy cao, đảm bảo về cấu trúc, phân hoá. Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến từ dư luận và tiếp tục hoàn thiện hơn.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay đang phục vụ cả mục đích xét tuyển đại học, song độ phân hóa thí sinh lại chưa đảm bảo yêu cầu. Trong khi tính tự chủ của các trường đại học trong công tác xét tuyển ngày càng cao. Câu hỏi đặt ra là có nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương và giao lại việc xét tuyển đại học cho các trường tự chủ hay không?
PGS.TS Huỳnh Văn Chương nêu quan điểm rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên diện rộng, phải đảm bảo kiến thức trong khung chương trình. Việc phân cấp kỳ thi về cho các địa phương, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, trong các công đoạn của kỳ thi, khâu ra đề thi là khó khăn, vất vả nhất. Đề thi phải đảm bảo tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh vùng miền trên cả nước. Do đó nếu giao về cho các địa phương, công tác tổ chức sẽ khó khăn hơn nhiều.
Ngoài ra, nếu để địa phương tổ chức, sẽ khó đảm bảo sự công bằng cho học sinh trên phạm vi cả nước, bởi có nơi ra đề dễ và có địa phương ra đề khó, ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, thực tế hiện kỳ thi đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.
Về vấn đề đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT, năm 2025 sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Chương cho biết Cục Quản lý chất lượng đã tính toán, cân nhắc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng về việc này; làm thế nào có lộ trình hợp lý nhất, phù hợp nhất mà không gây "sốc" cho học sinh.
"Quá trình đổi mới phải đi từ lộ trình dần dần, đây chính là điều chúng tôi đang cần nghiên cứu. Trong quá trình làm đề thi hiện nay, Thứ trưởng, Bộ trưởng đã chỉ đạo để tiếp cận dần việc thay đổi trong điều kiện khung Chương trình 2006, nhưng thí sinh có thể làm quen dần trong khung Chương trình 2018. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để đến 2025, bắt đầu thi theo Chương trình 2018", PGS Chương nói.
Ông nhấn mạnh, tới nay, chương trình và phương án đã công khai, đã kết thúc việc lấy ý kiến xã hội. Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia đã tiếp tục xử lý tất cả hơn 200 ý kiến để phân tích, sau đó báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng để đưa ra phương án thi phù hợp nhất cho năm 2025.
Về cách thức ra đề thi, theo PGS Chương, thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh giá diện rộng, với quy mô hơn 1 triệu thí sinh. Do vậy, khi ra đề phải cân nhắc tính tác động xã hội. Bên cạnh đó, với kỳ thi diện rộng, đề thi phải đánh giá được 4 mức độ, đảm bảo kiến thức, khung chương trình, điều kiện cho phép hiện nay.
Tiếp tục tăng cường biện pháp chống gian lận
Nhìn lại công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình nhận định, các thí sinh tham gia kỳ thi đã được cả xã hội quan tâm. Tại điểm thi Trường Lương Thế Vinh, các thầy cô, thanh niên tình nguyện hết mình hỗ trợ thí sinh trong mọi thời tiết mưa nắng, tạo mọi điều kiện để các em phát huy hết khả năng của mình trong kỳ thi.
Thầy Bình cũng cho rằng, kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý.
“Mặc dù kiểm soát chặt chẽ nhưng kỳ thi vẫn xuất hiện việc lộ đề thi môn Ngữ Văn và Toán, do đó, sau kỳ thi này, Bộ GD - ĐT cần rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn. Cùng với đó, tới đây, công tác chấm thi cũng cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh”, thầy Bình nói.
Đồng quan điểm, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự chủ động, cố gắng, tập hợp mọi nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi thi tốt nghiệp THPT, cũng cần thẳng thắn nói rằng khâu hướng dẫn thí sinh, giám thị về quy chế thi “làm chưa tới”, dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Trong thời gian tới, để đảm bảo tính minh bạch, khách quan của kỳ thi, Bộ GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an trong vấn đề kiểm soát an ninh, an toàn kỳ thi.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm uy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công An cho biết, trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất thiết bị chống thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu ở trong người. Đồng thời chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.
Nguyễn Trang/VOV.VN