Không để học nghề là lựa chọn cuối cùng

Để tăng sức hút với học sinh, sinh viên, xóa bỏ định kiến 'học nghề kém sang', trước hết trường nghề phải có chất lượng.

 

Để học nghề không còn là lựa chọn cuối cùng, để khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng khả năng liên thông sau tốt nghiệp.

Những cách hiểu hạn chế và sai mục đích trong đào tạo nghề dù đã được chỉ ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cả trong nhận thức lẫn thực tế thì trường nghề dường như đang là lựa chọn cuối cùng, khi học sinh không đủ năng lực để vào các trường mong muốn, và học trường nghề chỉ là để lấy tấm bằng tốt nghiệp.

Điều này gây lãng phí không nhỏ, làm sai lệch mục đích của đào tạo nghề là rút ngắn thời gian, giúp học sinh, sinh viên sớm tham gia thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế này tới từ cả hai phía, đầu tiên là phía phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh xã hội còn nặng bằng cấp, đa số học sinh sẽ chọn hoặc được cha mẹ định hướng học THPT, đại học. Khi thấy ai học trường nghề thì đa phần mọi người sẽ nghĩ học sinh đó không đủ năng lực để vào các trường công lập hay học một hệ khác. Các bậc phụ huynh một phần sợ mất thể diện, một phần thương con, không muốn con phải học nghề sớm trong khi bạn bè vẫn đi học văn hóa.

Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp cũng là một yêu cầu quan trọng để chủ động hơn về nguồn tuyển và đầu ra cho học viên. (Ảnh minh họa)

Còn từ phía các trường, không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo kém chất lượng, cơ sở vật chất còn lạc hậu,… thậm chí một số trường nghề còn quảng cáo, cung cấp thông tin sai sự thật để thu hút thí sinh. Đến khi phát hiện bị lừa dối, nhiều học sinh, sinh viên phải nghỉ học giữa chừng, gây tổn thất không nhỏ về kinh tế cũng như niềm tin. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn “loay hoay” với công tác phân luồng, dẫn đến việc tuyển sinh vào các trường nghề gặp nhiều khó khăn.

Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 50-55% học sinh vào học các trường nghề. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tiên phải làm là thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục với hai hướng THPT và trung học nghề có quy mô tương đương; thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông trong cùng một cơ quan quản lý.

Khi đã có sự thống nhất, các địa phương và trường nghề sẽ triển khai dễ dàng và hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Đó là ưu tiên đào tạo nghề cho một số đối tượng; tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận và có những cơ chế đặc thù, thiết thực hơn cho giáo dục nghề nghiệp. Theo chia sẻ của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, tại Đức, việc phân luồng cho học sinh được thực hiện từ rất sớm, ngay sau cấp tiểu học, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo và bản thân mỗi học sinh sẽ nhận biết năng lực bản thân để tập trung phát triển.

Hay tại Hàn Quốc, các trường nghề thường gắn với doanh nghiệp, thậm chí có trường trực thuộc doanh nghiệp, nên công tác đào tạo rất hiệu quả. Đây là những mô hình tốt mà Việt Nam có thể học tập và áp dụng.

Để tăng sức hút với học sinh, sinh viên, xóa bỏ định kiến “học nghề kém sang”, trước hết trường nghề phải có chất lượng. Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học, cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể, không tràn lan, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt chú trọng nguồn nhận lực, thu hút, tuyển dụng, có chế độ đãi ngộ phù hợp, tôn vinh nhà giáo, nghệ nhân, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nhà giáo. Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển.

Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp cũng là một yêu cầu quan trọng. Chính sách chung từ cơ quan quản lý là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều trường THCS lâu nay “đóng cửa”, các trường cao đẳng, trung cấp thường phải dùng những mối quan hệ cá nhân để tiếp cận học sinh. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng cần mở diễn đàn cung cấp thông tin trên mạng xã hội và trực tiếp tìm hiểu nguyện vọng của thí sinh để chủ động hơn về nguồn tuyển.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nâng tỷ lệ cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các trường hoạt động không hiệu quả, yếu kém thì cần thiết giải thể hoặc sáp nhập.

Quyết liệt “dẹp” trường nghề yếu kém với những biện pháp thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng đầu ra sẽ từng bước thay đổi bộ mặt của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và dần lấy lại niềm tin với phụ huynh, học sinh./.

Minh Hiếu/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận