Hiện nay, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có thể thực hiện nhưng rất chậm. Nhiều hạng mục mời thầu nhiều lần mới có nhà thầu tham gia. Chủ yếu do hiện nay đa số thuốc, vật tư y tế là nhập khẩu. Nguồn cung từ các nước cũng hạn chế nên các doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc đưa nguồn hàng về, dẫn đến việc cung ứng nhỏ giọt, hạn chế tham gia thầu.
Một trong những dự án luật quan trọng được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là Luật Đấu thầu sửa đổi. Các đại biểu kỳ vọng những đổi mới trong Luật sẽ giải quyết những vướng mắc gây cản trở cho hoạt động đấu thầu lâu nay.
Kỳ vọng gỡ khó trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM cho rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tiếp thu các ý kiến tích cực của đại biểu Quốc hội, như quy định về đối tượng chỉ định thầu. Ngoài ra, còn đưa vào luật những tình thế cấp bách trong thực tế, qua đó mở rộng thêm và quy định cụ thể những trường hợp cần phải chỉ định thầu.
“Việc chỉ định thầu sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, tức sẽ gần như có ngay kết quả, tuy nhiên sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về “bắt tay”, tiêu cực trong chỉ định thầu; đòi hỏi phải có những quy định rõ ràng về các trường hợp được chỉ định thầu”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn TP.HCM vẫn băn khoăn về các quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế khi luật sửa đổi lần này vẫn chưa mạnh dạn thuyết minh cho việc đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không phải biện pháp tối ưu.
“Tại sao chúng ta thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất…? Đương nhiên có những lý do khách quan do đứt gãy về nguồn cung sau đại dịch Covid-19, nhưng một trong những lý do nữa là phải áp dụng Luật Đấu thầu vào quá trình mua sắm, phần nào làm giảm đi sự đáp ứng một cách kịp thời về số lượng cũng như chất lượng đối với các bệnh viện thuộc hệ thống công lập khi bắt buộc phải đấu thầu, trong khi tư nhân có cần đấu thầu đâu mà họ vẫn làm được”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng các văn bản dưới luật, các nghị định và thông tư mới vấn đề có tác động lớn nhất đến quá trình mua sắm ở các đơn vị.
“Trên thực tế, các đơn vị quan tâm nhiều đến nghị định và thông tư khi đã có luật khung. Thời gian qua, chính các bộ cũng tự làm khó cho mình. Bộ Y tế xây những thông tư không thể nào làm được, sau đó phải bãi bỏ. Tôi mong rằng những thông tư mới được xây dựng trên nền của Luật Đấu thầu sửa đổi lần này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc liên quan đấu thầu trong thời gian qua”, đại biểu đoàn TP.HCM cho hay.
Doanh nghiệp phải bình đẳng, theo cơ chế thị trường
Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, Luật Đấu thầu sửa đổi được thông qua lần này có nhiều tiến bộ để gỡ khó cho các hoạt động trong đấu thầu, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công và phù hợp với quy định tại các luật khác.
“Luật sửa đổi lần này đã quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, thẩm quyền của các cấp để rút ngắn thời gian đấu thầu, giải phóng các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quy định việc các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước phải đấu thầu”, đại biểu Hà Sỹ Đồng băn khoăn.
Đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng, “sân chơi” của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phải bình đẳng và hoạt động theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp tự quản lý và bảo toàn vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có sự kiểm tra, giám sát của kiểm toán và các cơ quan liên quan./.
Theo VOV.VN