Đại biểu Quốc hội cho rằng, dữ liệu trong cơ sở quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân, do đó cần quy định rõ đối tượng và phạm vi thông tin người dân có thể tiếp cận.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) chiều 22/6, các đại biểu đánh giá cao Bộ Công an thời gian qua quyết liệt chỉ đạo cấp thẻ căn cước và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay có gần 80 triệu thẻ được cấp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối được với 13 bộ ngành và 63 địa phương.
Quy định phạm vi thông tin cá nhân được tiếp cận
Liên quan đến vấn đề thông tin của công dân được thu thập tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp cả những “thông tin khác” của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn cho rằng cần cân nhắc thêm bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều, chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán…
Ví dụ, Bộ Tài chính đến nay đã ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nếu thêm các bộ, ngành khác, các lĩnh vực khác trên phạm vi cả nước sẽ có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
“Mặt khác, dự thảo luật quy định những “thông tin khác” của công dân cũng chưa rõ là những thông tin gì. Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quốc gia dân cư, bên cạnh mục đích để phục vụ quản lý nhà nước còn có mục đích rất là quan trọng, giúp cho người dân trong các giao dịch thủ tục hành chính có thể tiến hành ở bất kỳ địa điểm nào, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.
“Những thông tin này liên quan trực tiếp đến thông tin của công dân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, nên đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật mà không nên thể hiện như dự thảo hiện nay”, nữ đại biểu kiến nghị.
Vấn đề thứ hai liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin được quy định tại điều 11. Dự thảo nêu các chủ thể được khai thác thông tin bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Tôi tán thành về các chủ thể được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên các dữ liệu trong cơ sở quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Ví dụ, đối với số điện thoại của công dân, nếu không được quản lý một cách phù hợp cũng sẽ gây phiền phức cho người dân. Mỗi cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, mục đích khai thác và phạm vi khai thác sẽ không giống nhau”, đại biểu đoàn Bắc Kạn bày tỏ.
“Như cảnh sát giao thông chỉ có nhu cầu khai thác thông tin về giấy phép lái xe, cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác về đất đai, nhà cửa của công dân. Dự thảo chỉ quy định các chủ thể được khai thác thông tin mà không quy định về phạm vi phạm thông tin từng chủ đề được khai thác, và giao hết việc này cho chính phủ quyết định”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.
Đại biểu đề nghị rà soát và quy định cụ thể trong ngay trong luật về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác, theo nguyên tắc bảo đảm đúng chức năng nhiệm vụ từng chủ thể, chỉ nên giao chính phủ quy định về trình tự, thủ tục quá trình thu thập khai thác thông tin.
Cân nhắc quy định cập nhật thông tin nghề nghiệp, ADN trên dữ liệu quốc gia
Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, thông tin của công dân quy định như điều 10, bao gồm 24 khoản là quá nhiều, có thể thiết kế lại những khoản trùng lắp, không cần thiết như: nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú) tình trạng khai báo tạm vắng…
“Cũng cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cũng cần cân nhắc, vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm. Nếu buộc xét nghiệm rất tốn kém”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu rõ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân.
Đối với quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, các đại biểu cho rằng điều này là cần thiết để tạo thuận lợi trong tất cả các giao dịch có liên quan đến trẻ em.
“Cấp cho trẻ em từ khi sinh ra đến 6 tuổi thì việc trẻ em khi đi khám bệnh có CCCD sẽ xác nhận được ngay cháu này đang dưới 6 tuổi thì được miễn phí bảo hiểm y tế hay vấn đề khai sinh khi đi đăng ký khám chữa bệnh, nơi ở sẽ rất thuận tiện khi giấy khai sinh được tích hợp vào thẻ căn cước. Với trẻ em dưới 14 tuổi rất thuận tiện cho gia đình trong các giao dịch của trẻ em đối với nhà nước, rất đồng tình với việc nên cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đoàn Nam Định nêu ý kiến.
Đồng tình với việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, cần có quy định về trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ trong việc quản lý sử dụng thẻ căn cước của nhóm đối tượng này. Đối với quy định sử dụng thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu, có ý kiến không đồng tình với nội dung này bởi sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông cho rằng: “Tôi không đồng ý với quy định trên vì cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính do trẻ em được sinh ra cùng thời điểm nên phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, căn cước công dân dẫn đến việc nơi lỏng nguồn lực thực hiện, tăng chi phí với người dân mỗi lần cấp đổi thẻ và làm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc triển khai thực hiện”.
“Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các quy định, thủ tục cho phù hợp với thực tiễn tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính đồng thời tạo sự thuận lợi khi triển khai thực hiện”, đại biểu đoàn Đắk Nông đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn TP.HCM cũng bày tỏ sự tán thành việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước do bổ sung đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam chưa có quốc tịch, nhất là tỉnh phía nam, người dân không có giấy tờ tùy thân để tham gia vào các quan hệ xã hội, dân sự. Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thông tin của một người.
“Theo báo cáo giải trình của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân các dịch vụ khám chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hỗ trợ xã hội... Đồng thời phục vụ quản lý nhà nước. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề liên quan vấn đề tư cách pháp lý của người dân là người gốc việt, đang sinh sống tại Việt Nam chưa có quốc tịch. Bởi lẽ đây là vấn đề gắn liền với 1 người khi tham gia vào các quan hệ xã hội và giao dịch dân sự như vấn đề hộ tịch hay sở hữu nhà ở”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu ý kiến.
Theo đại biểu, đây đều là những vấn đề liên quan mật thiết tới cá nhân một con người. Chủ trương cấp giấy chứng nhận căn cước là chủ trương rất nhân văn nhưng còn rất nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh ngay sau khi người dân được cấp không đơn giản là vấn đề 1 tờ giấy chứng nhận.
“Đề nghị quy định ngay trong luật các quyền, nghĩa vụ mà những người được cấp giấy chứng nhận căn cước. Đây là những vấn đề nhìn thấy trước khi triển khai luật”, nữ đại biểu kiến nghị./.
Theo VOV.VN