Sáng nay (12/6), hàng chục phụ huynh đã mang theo đơn kiến nghị lên Sở GD-ĐT Hà Nội đòi quyền lợi cho con khi đề thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập diễn ra ngày 11/6 in bị mờ, khiến thí sinh hiểu nhầm đề bài, làm sai kết quả.
Theo phản ánh của phụ huynh, một số điểm thi vào lớp 10 tại Hà Nội có tình trạng đề thi Toán in mờ như THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), THCS Nguyễn Phong Sắc (quận Hai Bà Trưng), THPT Quang Trung (Hà Đông)….
Theo đó, câu hỏi số 1, bài thi số 3 trong đề thi Toán in mờ, dấu ngạch ngang phân số bị đứt đoạn khiến cho thí sinh hiểu nhầm đây là dấu trừ phía trước.
Có mặt tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của Sở GD-ĐT Hà Nội từ sáng sớm khi chưa mở cửa, anh Phan Anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chiều nay (12/6), con gái anh sẽ tiếp tục làm bài thi chuyên Ngoại ngữ, nguyện vọng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ thế nhưng tâm lý đang bị ảnh hưởng, lo lắng về đề thi môn Toán bị nhầm.
“Sau khi kết thúc bài thi môn Toán, cháu rất vui vẻ, hào hứng vì làm bài khá tốt, có thể đạt từ 9-9,5 điểm. Nhưng sau đó mẹ cháu lên mạng và đọc được bài viết về đề thi môn Toán in mờ khiến nhiều thí sinh bị nhầm đề, khi đó cháu mới biết mình cũng bị nhầm. Cả buổi trưa hôm qua khi biết đề bị nhầm, có thể bị mất hơn 1 điểm ở câu đó, cháu bỏ cả ăn trưa, không ngủ nghỉ, lao vào học tiếp để mong bài thi chuyên điểm cao hơn, vớt vát lại số điểm đã mất trong bài thi Toán. Hôm nay cháu thi chuyên, nhưng tâm trạng vẫn rất lo lắng”, anh Tuấn cho biết.
Để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh có đề thi bị in mờ, anh Phan Anh Tuấn kiến nghị trong trường hợp vì lỗi in ấn khiến học sinh hiểu nhầm đề thi, nhưng vẫn làm đúng các bước, cần được xem xét, kiểm tra lại, ghi nhận đáp án và tính điểm để không thiệt thòi cho thí sinh.
Anh Lê Quảng Ba có con thi tại điểm THCS Cao Bá Quát cũng cho biết: “Sau khi thi xong, ra khỏi phòng thi con mới biết mình bị nhầm đề. Các câu khác con đều làm rất tốt, riêng chỉ có câu hỏi này con bị nhầm, nhìn dấu gạch ngang phân số thành dấu trừ, dẫn đến toàn bộ kết quả bài toán đều sai. Ban đầu tôi có mắng con đã không nhìn kỹ đề, nhưng khi xem đề thi của con tôi mới phát hiện đề in mờ, dấu gạch ngang đứt quãng, nhìn như dấu trừ trước phép tính. Tình trạng này không chỉ xảy ra với một hai thí sinh mà có đến hàng chục thí sinh khác nhau ở một số điểm thi”.
Phụ huynh này cho rằng, theo quy chế thi, sau khi phát đề, thí sinh sẽ có thời gian để kiểm tra lại đề thi, phát hiện những dấu hiệu bất thường như đề in mờ, sai… Tuy nhiên, khi vào phòng thi, thí sinh không được trao đổi với các bạn xung quanh, tâm lý cũng rất căng thẳng, do vậy, rất khó để phát hiện ra những điều bất thường.
“Chúng tôi mong muốn Sở GD-ĐT nhanh chóng xác minh, làm rõ và có hướng giải quyết, chấp nhận kết quả đúng của những thí sinh nhìn nhầm dấu gạch phân số thành dấu “trừ”. Đây là lỗi không ai mong muốn, các con cũng không muốn mình rơi vào tình huống này. Tuy nhiên, môn Toán là môn nhân đôi điểm, 1 điểm có ý nghĩa quyết định các con đỗ hay trượt”, anh Lê Quảng Ba nói.
Sáng nay, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiếp nhận đơn thư của tập thể phụ huynh kiến nghị về đề thi môn Toán bị in mờ.
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian thí sinh làm bài thi môn Toán (8h - 10h ngày 11/6), Sở GD-ĐT Hà Nội và các điểm thi không ghi nhận thông tin về việc này. Chỉ khi kết thúc kỳ thi, Sở mới nhận được phản ánh từ một số phụ huynh học sinh.
Hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn đang tiếp tục tổ chức cho thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường chuyên làm bài thi chuyên. Hội đồng ra đề thi hiện vẫn đang trong khu vực cách ly. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ làm việc với hội đồng ra đề ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sẽ có phương án xử lý theo quy định, đảm bảo quyền lợi, công bằng tối đa cho thí sinh./.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên môn Toán trường THCS Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết, việc ý 1 bài III dấu gạch ngang của phân thức bị mờ nên gây hiểu nhầm là dấu trừ “ - “ và sự việc trên xảy ra ở một số hội đồng thi, không phải toàn thành phố.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, thầy Tiến cho rằng, Sở GD-ĐT cần nhanh chóng xác minh, có phương án xử lý tốt nhất. “Trường hợp thí sinh không làm được bài đó thì không cho điểm hoặc đúng đến đâu cho điểm đến đó. Nếu thí sinh làm theo đầu bài hiểu nhầm nhưng đúng thì vẫn nên cho điểm tối đa bài đó. Sở GD-ĐT cần có hướng xử lý hợp tình hợp lý nhất cho học sinh, vì đây là cuộc thi rất khốc liệt được cả thí sinh, phụ huynh và xã hội quan tâm", thầy Tiến kiến nghị.
TS Đỗ Viết Tuân, giáo viên Toán tại Hà Nội cũng cho rằng, khi nhìn vào đề những đề in không rõ, một số thí sinh mặc định hiểu đề bài có dấu trừ “-“ nên đã giải theo hướng này. “Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, vẫn nên chấm cho những thí sinh làm theo hướng có dấu trừ”, thầy Tuân nêu quan điểm./.
|
Theo VOV.VN