Xâm phạm hành lang an toàn đường bộ: Không thể mãi chỉ hô hào 'suông'

Việc xử lý đối tượng xâm phạm hành lang an toàn đường bộ là cần thiết, song cần xem xét trách nhiệm của địa phương khi vi phạm diễn ra ngang nhiên, phổ biến.

 

Chỉ khoảng 200km, từ Vĩnh Phúc lên Lào Cai, gần 40 điểm mở trái phép từ nhà dân vào cao tốc, chỉ để phục vụ những nhu cầu của số ít người dân để bắt xe khách gây mất ATGT.

Hậu quả, 5 vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và người đi bộ, làm 5 người chết xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ năm 2022 đến nay  (thống kê từ cơ quan quản lý khai thác tuyến) phần nào cho thấy hậu quả nghiêm trọng của hành vi xâm phạm hàng làng an toàn đường bộ.

Cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ của mình. Để xảy ra tình trạng người dân xé rào vào cao tốc, dẫn đến hậu quả chết người, trách nhiệm của đơn vị quản lý tuyến đã rõ.

Tuy vậy, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 11/2010, nghị định 17/2021 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, huyện, xã có công trình đường bộ đi qua phải có trách nhiệm quản lý thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý và bảo trì hệ thống đường trên địa bàn của địa phương.

Quy định là vậy, nhưng tình trạng xâm phạm hàng lang an toàn đường bộ diễn ra phổ biến, nhiều vụ tai nạn gây chết người có nguyên nhân từ việc vi phạm hành lang an toàn đường bộ đã xảy ra, nhưng người đứng đầu chính quyền địa phương cấp quận, huyện, xã phương không ai bị xử lý, là điều rất khó chấp nhận.

Việc ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Bởi thực tế, lực lượng chức năng giải tỏa xong sẽ bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương quản lý.

Nếu chính quyền địa phương không sát xao, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra là điều dễ hiểu.

Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, sự chủ động của chính quyền địa phương trong chỉ đạo lực lượng chức năng giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ có vai trò rất quan trọng.

Vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh hàng quán tại Quốc lộ 1A đi qua phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đại đoàn kết

Chẳng hạn như việc thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm và duy trì các vị trí đã giải tỏa; Những vị trí đã cưỡng chế, giải tỏa tổ chức cắm cọc tiêu, đặt biển báo hiệu; bàn giao trách nhiệm quản lý cho từng địa phương, nếu địa phương nào để tái lấn chiếm cần kiểm điểm nghiêm túc, hạ bậc thi đua… Chỉ khi chính quyền địa phương coi đó là việc của mình, của địa phương mình để vào cuộc quản lý, tình trạng xâm phạm hành lang an toàn đường bộ mới có thể được ngăn chặn.

Bởi vậy, muốn chấn chỉnh tình trạng xâm phạm hàng lang an toàn đường bộ, trước hết phải khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước, phải xử lý trách nhiệm của những người liên quan, từ người đứng đầu địa phương đến người thực thi công vụ khi lơ là việc bảo đảm hành lang an toàn đường bộ. Phải khắc phục được bất cập từ đội ngũ chính quyền địa phương rồi mới nói đến chuyện xử lý vi phạm của người dân.

Bởi lẽ, bản thân những người đại diện cho Nhà nước lại thực thi pháp luật không nghiêm minh, không làm hết trách nhiệm, thì hệ quả người dân “nhờn luật” cũng là tất yếu./.

Quách Đồng/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận