Phòng chống tai nạn thương tích: Cần trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhỏ

Tai nạn thương tích dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vì các em thường hiếu động, nghịch ngợm, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh để bảo vệ bản thân.

 

Tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và tinh thần.

Một trong những TNTT phổ biến mà trẻ dễ gặp phải, đặc biệt trong dịp nghỉ hè là đuối nước. Hàng năm, có hàng trăm vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra với trẻ nhỏ, để lại niềm đau đớn và thương tiếc khôn nguôi cho bao gia đình và xã hội.

Cụ thể, mới đây, chiều 18/5, trên địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, 2 học sinh đi tắm ở đập thủy lợi không may bị đuối nước tử vong.

Chiều tối 19/5, tại khu vực sông Đa Độ, đoạn qua địa bàn xã Thái Sơn (huyện An Lão, TP Hải Phòng), có 1 nạn nhân 14 tuổi (trú tại Quán Rẽ, xã Mỹ Đức, huyện An Lão), gặp nạn khi đang tắm trên sông Đa Độ.

Mới đây nhất, khoảng 13h30 phút ngày 28/5 tại bến sông chợ đầu mối trên địa bàn ấp 2 xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh có 4 em tắm sông tại chợ. Chiều cùng ngày, người dân tìm thấy 3 em trong một gia đình bị đuối nước, tử vong.

Đây chỉ là 3 trong hàng số hàng trăm vụ đuối nước thương tâm xảy ra hàng năm.

Ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn hàng loạt các TNTT khác rình rập con trẻ bất cứ lúc nào, có thể kể đến như: ngộ độc thực phẩm, ăn phải quả độc, điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã… Những tai nạn mà lẽ ra có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ là rất cần thiết.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn thương tích, điều đầu tiên phải quan tâm đến việc trang bị kiến thức cho trẻ. Cần cho trẻ biết hậu quả, tác hại sẽ như thế nào nếu chúng không cẩn thận và không biết cách xử lý các tình huống đời sống hàng ngày. Ví dụ, khi qua đường phải chú ý như thế nào để không bị tai nạn giao thông; nếu động vào vật sắc nhọn thì dễ bị đứt tay hay động chạm vào chất nổ thì dễ chết người, ăn uống đồ ôi thiu sẽ gây tác hại cho mình ra sao? Khi bão lũ xảy ra thì phải tìm cách tránh thế nào? Cùng với đó, phải nhắc nhở, hướng dẫn các em những kiến thức cơ bản khi xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt, phải chuẩn bị sẵn phương án cấp cứu và rèn cho trẻ có ý thức có kỹ năng phòng, tránh thương tích.

“Quan trọng nhất là phải chú ý trang bị cho con trẻ, học trò của mình tự nhận thức được những nguy hiểm xung quanh trong cuộc sống. Cha mẹ, nhà trường khi tổ chức bất cứ hoạt động gì đều phải chú ý đến sự an toàn cho con trẻ, nếu lơ là, chủ quan thì sẽ xảy ra những hậu quả ngoài ý muốn”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, các trường học, đặc biệt là nhiều trung tâm giáo dục ngoài nhà trường hiện nay tổ chức những chương trình giáo dục kỹ năng sống, trung tâm rèn kỹ năng phòng, tránh tai nạn cho trẻ như phòng tránh đuối nước, phòng tránh cháy nổ, phòng tránh bỏng, nước sôi… Đây là những kỹ năng phải rèn trước, thường xuyên để trẻ nắm được. Phải dùng tình huống thật, tình huống giả định như thật để trẻ thực hành thì mới có kỹ năng bảo vệ mình.

Giáo dục kỹ năng cần thông qua các hoạt động tập thể, kỹ năng sinh tồn. Khi hoạt động tập thể bao giờ cũng phải tính đến sự an toàn cho trẻ và an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

ThS. Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho hay, nghỉ hè, trẻ em và thanh thiếu niên sẽ có sự xáo trộn về nếp sinh hoạt cũng như môi trường như ở nhà nhiều hơn, đi chơi, du lịch, về quê, đi trại hè… Đây là khoảng thời gian để các em có thể thư giãn, được vui chơi học tập trải nghiệm những điều mới và bổ sung năng lượng sau 1 năm học. Tuy nhiên, với việc thay đổi môi trường, thói quen và cả bản tính tò mò, ưa khám phá, trẻ em rất dễ gặp các TNTT trong mùa hè.

ThS. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững.

Việc phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ phải diễn ra thường xuyên, bởi trong mùa hè, một số tai nạn thương tích xảy ra nhiều hơn như đuối, ngạt nước, tai nạn ngã, điện giật hay các tai nạn trong nhà, ngộ độc thực phẩm... Để phòng tránh TNTT cho trẻ nhỏ, cần gia cố các biển báo nguy hiểm tại các khu vực sông hồ, có người cứu hộ tận tâm tại các bể bơi, sửa chữa và đảm bảo an toàn các công trình, dịch vụ vui chơi phục vụ trẻ em. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh TNTT trẻ em tới mọi tổ chức, cá nhân và gia đình.

Tại gia đình, cha mẹ hãy cùng con lên kế hoạch hè cho phù hợp, cùng con liệt kê các tình huống, khả năng rủi ro xảy ra TNTT và cùng con thảo luận cách phòng tránh. Việc này cũng phần nào giúp trẻ có thể có các kiến thức kỹ năng phù hợp để phòng tránh TNTT có thể xảy ra.

“Chúng ta nên liệt kê và hướng dẫn trẻ tất cả những TNTT có thể xảy ra, tuy nhiên, có thể ưu tiên một số TNTT hay xảy ra trong mùa hè như: kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng nhận biết tránh xa các nguồn điện và sử dụng các thiết bị điện an toàn (như trẻ sử dụng điện thoại hay Ipad không được vừa sạc vừa sử dụng), các kỹ năng sử dụng Internet an toàn, đọc nhãn mác và hạn sử dụng - phân biệt thực phẩm an toàn, kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông, tham gia trại hè phòng chống bị xâm hại, bạo lực”, bà Nguyễn Phương Linh đưa ra lời khuyên.

Cũng theo bà Linh, Nghỉ hè là cơ hội để con học tập và rèn thêm các kỹ năng an toàn và bảo vệ bản thân. Các gia đình nên tận dụng cơ hội này tự giao bài tập cho cả gia đình, cả gia đình cùng đưa ra tình huống, giải pháp phòng tránh TNTT.

Cùng với đó, trẻ rất cần các sân chơi phù hợp, thay vì mặc kệ các con ngủ nướng, vui chơi không kiểm soát hay vùi đầu vào các thiết bị công nghệ, các gia đình và địa phương nên lên kế hoạch cùng các con để tạo nên một mùa hè ý nghĩa, an toàn cho trẻ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận