Những lưu ý trong cách ôn tập và làm bài để đạt kết quả cao trong kỳ thi vào 10

Trong những ngày này, học sinh không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề mà thầy cô đã ôn tập trước đó.

 

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, hơn 100.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đầy cam go. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) đã trao đổi với VOV.VN về một số lưu ý đối với thí sinh trước giờ G.

PV: Thưa thầy, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức diễn ra, trong giai đoạn nước rút, thí sinh cần lưu ý gì trong cách ôn tập, hệ thống lại kiến thức?

Thầy Nguyễn Cao Cường: Trong những ngày này học sinh không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề mà thầy cô đã ôn tập, đọc lại SGK những kiến thức cơ bản, lời giải của các bài tập, các đề mà thầy cô đã ôn tập. Có những vướng mắc gì, học sinh nên hỏi ngay thầy cô giáo của mình để được giải đáp. Trong quá trình ôn có thể đan xen việc làm một vài đề, bấm giờ để cân đối thời lượng cho phù hợp.

Những ngày gần kỳ thi, học sinh cũng không nên quá lo lắng và ôn tập một cách ôm đồm, thức quá khuya. Cần có thời gian biểu trong ngày hợp lý, phù hợp với nhịp sinh học của những ngày thi. Các em cần thiết lập nhịp sinh học hay nôm na là nếp sinh hoạt hàng ngày phù hợp với thời gian của kỳ thi, ít nhất trước kỳ thi 1 tuần. Ví dụ, buổi sáng nên dậy sớm, ăn sáng, ôn tập các môn trong khung thời gian từ 7h30 đến 11h30, ăn trưa, ngủ trưa và chiều tiếp tục ôn tập trong khoảng thời gian từ 13h30-16h30, buổi tối không nên thức quá khuya. Ngoài ra, các em chú ý không nên tham gia các hoạt động thể thao dễ gây chấn thương, ăn uống đảm bảo sức khỏe.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội.PV: Khi đi thi, học sinh cần lưu ý những gì để có thể làm bài tốt nhất, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Cao Cường: Các em lưu ý, ngày 9/6/2023, tại các điểm thi sẽ phổ biến quy chế thi, thông báo bảng ghi tên dự thi để thí sinh kiểm tra, báo sai sót (nếu có) cho điểm thi. Cha mẹ học sinh, học sinh cần đọc thông tin về điểm thi trong phiếu báo dự thi để đến đúng điểm thi và đúng giờ. Những năm trước vẫn có tình trạng thí sinh đến trường thi muộn, quên phiếu dự thi, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của các em trong ngày thi hôm đó.

Trong buổi phổ biến các em cũng cần lưu ý để xác nhận với cán bộ coi thi về những thông tin trên tờ giấy báo dự thi, bảng ghi tên dự thi, lắng nghe kỹ những quy định trong quá trình dự thi, những vật dụng được mang vào, không được mang vào phòng thi.

Khi đi thi, các em cần thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Học sinh mặc quần áo đồng phục của nhà trường, tránh các tình huống như các năm trước, học sinh mặc quần đùi, váy quá ngắn đi thi và phải về thay trang phục. Trong trường hợp các em gần điểm thi mà tự đi bằng xe đạp thì di chuyển vào điểm thi và gửi xe tại nơi quy định của điểm thi.

Thí sinh cũng lưu ý những vật dụng được mang vào phòng thi như giấy báo dự thi, căn cước công dân, đồ dùng học tập như bút, bút chì để tô trắc nghiệm, thước, compa, tẩy, máy tính không có thẻ nhớ và chức năng soạn thảo văn bản. Các em có thể mang theo chai nước uống trong suốt, không dán nhãn. Học sinh nên chuẩn bị 5-6 chiếc bút làm bài cùng loại, cùng màu. Bút tô trắc nghiệm nên dùng loại bút chì HB, 2B để tô cho nhanh và đậm đều, dễ tẩy nếu cần sửa. Các em nên mua 1 cục tẩy mới để tẩy sửa các ô tô trắc nghiệm cho sạch đẹp.

PV: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay của Hà Nội sẽ có 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thầy có lưu ý gì trong cách làm bài để đạt kết quả tốt nhất, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Cao Cường: Với 2 môn Ngữ văn, Toán, thí sinh sẽ làm bài theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút. Ngay sau khi được phát đề, học sinh cần bình tĩnh đọc kỹ 1-2 lượt tổng thể cả đề, tư duy và ghi nhanh ra giấy nháp những lưu ý của bản thân về từng câu hỏi.

Lúc này các em cần bình tĩnh cho dù mức độ và nội dung câu hỏi như thế nào. Khi thực hiện làm bài cần theo phương châm câu dễ làm trước câu khó làm sau. Cần làm những câu hỏi dễ cẩn thận để đạt điểm tối đa. Thông thường, đề thi cũng đã sắp xếp thứ tự các nội dung từ dễ đến khó. Sau khi làm những câu hỏi dễ các em tiếp tục thực hiện các câu hỏi khó mang tính phân loại.

Học sinh cần có chiến lược cho các câu này về thời gian, quá 8-10 phút không có ý tưởng cần chuyển câu hỏi khác. Trong trường hợp không làm được cả câu, cần bóc tách các ý của câu hỏi để được điểm. Ví dụ, đề bài là tìm m để đường thẳng cắt parabol tại hai điểm thỏa mãn... thì việc tìm điều kiện để đường thẳng cắt parabol tại hai điểm là một ý cần làm để lấy điểm.

Khi còn 15 phút nữa là hết giờ làm bài, nếu học sinh không thể làm được tiếp các câu hỏi khó thì dành thời gian đó để kiểm tra lại toàn bộ bài làm. Học sinh cần kiểm tra kết quả các câu hỏi độc lập ra ngoài nháp. Câu nào thấy sai, gạch trước bằng bút chì, kiểm tra kỹ mới gạch bỏ bằng bút mực và sửa, tránh trường hợp gạch phần đúng mà không có cơ hội sửa lại. Trước khi nộp bài cần kiểm tra kỹ thông tin của mình ở trên tờ giấy thi như họ và tên, ngày sinh, số báo danh, số tờ giấy thi.

Với bài thi Ngoại ngữ, hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 60 phút với cấu trúc khoảng 40 câu hỏi. Việc đầu tiên là học sinh cần ghi thông tin của mình vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm kèm theo ghi và tô số báo danh. Khi nhận đề thì ghi và tô mã đề vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm.

Học sinh cần đọc toàn thể đề và làm những câu dễ trước, không nên làm theo thứ tự cứng nhắc. Sau khi những câu chắc đúng đã làm xong thì đồng thời cũng thực hiện tô đáp án vào tờ phiếu trả lời trắc nghiệm.

Những câu khó hơn cần đọc kỹ đề bài để không bị nhầm, các phương án nhiễu có thể gây cho học sinh sai sót. Đôi khi học sinh có thể nhầm bởi lệnh của câu hỏi. Chẳng hạn, câu hỏi hỏi về ý nào không đúng mà học sinh lại chọn câu đúng.

Khi còn khoảng 10 phút học sinh nên dành thời gian kiểm tra lại độc lập các câu đã trả lời. Khi rà soát nếu thấy sai, học sinh cần dùng tẩy tẩy sạch ô trả lời cũ và tô lại ô trả lời mới. Tránh tình trạng một câu có 2 ô tô đáp án, tô mờ, không tô, tô không kín ô… Những câu nào chưa có đáp án, học sinh có thể lựa chọn tô ngẫu nhiên để có thể may mắn có điểm.

Trước khi nộp bài các em cần kiểm tra kỹ về thông tin của mình trên tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và những ô đã tô ở mục số báo danh, mã đề, đáp án các câu.

Kết thúc các buổi thi, học sinh không nên trao đổi với nhau về kết quả của bài thi đã làm, sau buổi thi không nên đọc báo mạng, xem đáp án của buổi thi đó mà nên nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo.

PV: Trong các kỳ thi, luôn có sự đồng hành của phụ huynh bên cạnh sĩ tử, thầy có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh để có thể hỗ trợ tốt nhất cho con trong kỳ thi sắp tới?

Thầy Nguyễn Cao Cường: Trước kỳ thi, cha mẹ cần đồng hành cùng con mỗi ngày, cùng con điều chỉnh để con có nhịp sinh học cho phù hợp với thời gian của những buổi thi. Động viên con ôn tập, không tạo áp lực không cần thiết cho con.

Trong thời gian thi, cha mẹ hoặc người thân nên bố trí đưa thí sinh đi thi để đảm bảo không đến sai điểm thi và phòng ngừa một số tình huống có thể phát sinh mà học sinh xử lý chậm như quên giấy tờ, đồ dùng học tập... Cha mẹ nên động viên con tự tin, không đặt nặng vấn đề về điểm, đỗ, trượt cho con mình. Đặc biệt không xem đáp án các môn sau mỗi buổi thi và yêu cầu con đối chiếu. Trong kỳ thi năm nay, ngày 10/6 học sinh thi 2 môn, sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Tiếng Anh. Gia đình học sinh cần lưu ý tránh tình huống học sinh ngủ quên muộn giờ thi buổi chiều.

Sau kỳ thi, cha mẹ cần ổn định tâm lý cho con cho dù con làm bài tốt hay không tốt. Trong trường hợp con không đạt nguyện vọng, hãy tìm kiếm một ngôi trường ngoài công lập để con tiếp tục học tập và động viên con nỗ lực trong hành trình mới. Cha mẹ học sinh đồng hành, chia sẻ, động viên con trong giai đoạn từ trước, trong và sau kỳ thi đóng vai trò vô cùng quan trọng.

PV: Xin cảm ơn thầy/.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận