Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ điều nà với báo chí khi đề cập đến nhiều trường hợp ở TP Thủ Đức ngộ độc Botulinum vừa qua.
Từ vụ ngộ độc xảy ra ở TPHCM vừa qua, bà góp ý thế nào về cơ chế dự trữ thuốc hiếm?
Vụ ngộ độc xảy ra lần này không phải như những trường hợp ngộ độc tập thể từ các bếp ăn cho nhiều người. Trường hợp ngộ độc từ bếp ăn chúng ta sẽ có quy trình lấy mẫu lưu. Vụ ở TPHCM có điểm chung là các nạn nhân trước đó đều ăn chả lụa. Đã lấy mẫu, cả tại nơi sản xuất, nhưng nói thật lấy mẫu này chỉ có tính tương đối. Còn kết quả là âm tính với độc tố Botulinum. Nhưng chúng ta cũng không dám loại trừ chả lụa không liên quan gì, mà nếu dương tính tôi cũng không dám 100% khẳng định tại chả lụa.
Đặc thù của chả lụa là khi làm phải luộc rất lâu mới chín, nên tới giai đoạn thành phẩm thì chắc chắn các bào tử botulinum không thể sống sót được, đã bị triệt tiêu bởi nhiệt. Nhưng sau đó lại nghi ngờ do hàng trôi nổi, hàng quá date, lúc đó các nạn nhân cũng miêu tả chả lụa bị chảy nước, thậm chí cảm thấy có mùi ôi thiu nhưng vẫn ăn. Có thể trong quá trình đó tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc vì Botulinum hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống. Với tất cả dữ liệu thì tôi chưa dám khẳng định nguyên nhân vụ ngộ độc này.
Ta cần phải khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín, uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, tránh mua về gói kín rồi để lâu hàng tuần, vì đó cũng là nguy cơ có vi khuẩn.
Rủi ro có thể xảy ra nên phải có thuốc để cấp cứu kịp thời. Rất tiếc là thuốc chúng ta không có. Lúc đó phải nói hoan nghênh BV Chợ Rẫy chủ động nhớ ra mình còn 2 lọ thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nên lấy về. Thuốc đó phải được trữ và bảo quản ở -20 độ C, có thùng chuyên biệt nhưng thùng ở Quảng Nam đã hỏng nên BV Chợ Rẫy lại hết sức cấp cứu bệnh nhân, rồi gửi một thùng khác ra Quảng Nam để chuyển đường hàng không, chờ ở sân bay để lấy thuốc về cho 3 bệnh nhi.
Hai lọ thuốc đó thực ra chia cho cả 3 bệnh nhi, một em được truyền một lọ, hai em còn lại mỗi em được truyền nửa lọ. Diễn biến của các bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện giờ nói chung là cũng khả quan hơn, nhưng các trường hợp kia thì không được may mắn như vậy.
Bộ Y tế, các viện cũng vào cuộc. Mặc dù lúc đó chưa đủ dữ liệu nhưng Ban quản lý an toàn thực phẩm chúng tôi phối hợp với TP Thủ Đức để kết luận ngay đây là vụ ngộ độc Botulium, để đề nghị WHO khẩn cấp viện trợ thuốc, nhưng mà rõ ràng đã qua thời gian vàng. Nếu chúng ta có sẵn thuốc này dự trữ thì đã cứu được bệnh nhân.
Đây không phải lần đầu thiếu, không chỉ chỉ riêng thuốc này. Từ trước đến nay các bệnh viện thường hay đón nhận cấp cứu thì dự trù hàng năm về các loại thuốc, nhưng mua về thì đối diện nguy cơ chậm có do thủ tục rất phức tạp.
Các doanh nghiệp đứng ra nhập thuốc này cũng không phải vì lợi nhuận, do nhập có bao nhiêu đâu, chủ yếu là quan hệ với bệnh viện thôi.
Khi mua về rồi, may mắn không có bệnh nhân nào dùng thì thuốc có hạn phải hủy, nhưng những loại này rất đắt tiền. Nên giải pháp là phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulium và một số sản phẩm khác.
Theo tôi, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cho cả nước là bao nhiêu trường hợp, dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể ở Hà Nội và TP HCM rồi khi có vụ việc sẽ điều chuyển thật gấp.
Phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có ai bị thì mừng quá, hủy cũng không tiếc tiền. Chứ đơn vị sự nghiệp, bệnh viện tiền đâu mà dự trữ khi mấy nghìn USD một liều. Ở góc độ quốc gia khi đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối với thời gian biết trước và số lượng theo từng năm, người ta sẽ cân đối được kế hoạch để có số lượng lớn mà giá thành rẻ hơn.
Thuốc đắt vì hiếm, sản xuất số lượng hạn chế mà không phải lúc nào cũng sử dụng, việc ta tự sản xuất cũng không khả thi.
Phải có chính sách, chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ, như dự trù xong sau đó lại kết luận lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ.
Về việc thành lập kho dự trữ thuốc hiếm ở 3 miền thì sao?
Vấn đề là tiền đâu, hàng năm phải có bộ phận đôn đốc, điều chuyển thuốc như thế nào, gần hết hạn thì phương hướng xử lý ra sao. Các thuốc sẽ có thời hạn khác nhau thì phải sử dụng thuốc sắp hết hạn trước, điều phối cái này rất đơn giản, thậm chí có thể giao cho một bệnh viện làm đầu mối, đừng sa đà vào những quy trình tổ chức.
Theo tôi tổ chức hai nơi là Hà Nội và TP HCM thôi, lấy kho ở Bệnh viện Chợ Rẫy để lưu trữ, còn ở Hà Nội sử dụng bệnh viện nào lớn thuộc bộ. Đây là chương trình quốc gia, sở y tế các tỉnh thành phải biết được về việc dự trữ đó, nếu lỡ có bệnh nhân thì điều chuyển về.
Dự trữ quốc gia phải có và không phải dùng đến là tốt.
Bộ Y tế phải tính toán dự phòng, thưa bà?
Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì phải nhìn tổng thể hơn nhu cầu cả nước thế nào, nhưng phải có chủ trương, pháp lý để anh em yên tâm làm.
Cứ nhìn những trường hợp vừa rồi, cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải thì cứ từ từ tê liệt các cơ rồi không qua khỏi, tiền chạy máy thở còn lớn hơn so với 1 liều thuốc.
Đứng trước sinh mạng của người dân thì tiền bạc là vô nghĩa.
Xin cảm ơn đại biểu!./.
Theo VOV.VN