Khi nào người phục vụ trong quân đội được nghỉ hưu?

Độ tuổi phục vụ quân ngũ và điều kiện nghỉ hưu của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng không giống như lao động trong các ngành nghề khác.

 

Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được quy định như thế nào?

Tuổi phục vụ tại ngũ là hạn tuổi phục vụ cao nhất theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Luật Sĩ quan và Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Cụ thể như sau:

- Đối với sĩ quan: Tuổi phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật Sĩ quan, cụ thể: Đối với Cấp úy là 46 tuổi; Thiếu tá là 48 tuổi; Trung tá là 51 tuổi; Thượng tá là 54 tuổi; Đại tá là 57 tuổi đổi với nam và 55 tuổi đối với nữ; Cấp tướng là 60 tuổi.

Ảnh minh họa.

- Đối với quân nhân chuyên nghiệp: Tuổi phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, cụ thể: 52 tuổi đối với Cấp úy, 54 tuổi đối với Thiếu tá và Trung tá; Quân hàm Thượng tá là 56 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng khi hết hạn tuổi phục vụ cao nhất mà quân đội không có nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì được giải quyết theo một trong các chế độ: Hưu trí (nếu đủ điều kiện) hoặc hưởng trợ cấp một lần từ quỹ BHXH hoặc bảo lưu thời gian công tác hoặc chuyển ngành (theo nguyện vọng).

Điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng (CN&CVQP)

Tại Điều 36 Luật Sĩ quan quy định: Sĩ quan được nghỉ hưu khi đủ điều kiện theo quy định BHXH của Nhà nước; hoặc trong trường hợp quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.

Khoản 1, Điều 22 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân và viên chức quốc phòng quy định: Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu, khi thuộc một trong 3 trường hợp: Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (cụ thể như sau: Cấp uý QNCN: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá QNCN: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Nam QNCN có đủ 25 năm, nữ QNCN có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng;

Trường hợp chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu (Danh mục chiến đấu viên do Bộ trưởng BQP quy định).

Độ tuổi nghỉ hưu khi quân nhân bị suy giảm khả năng lao động.

Điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật BHXH, quy định: Quân nhân có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi thuộc các trường hợp: Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động; (giảm 10 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Năm 2023 là đủ 50 tuổi 09 tháng đối với nam và đủ 46 tuổi đối với nữ)

Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sẽ được nghỉ hưu trước tuổi mà không phụ thuộc vào tuổi đời.

Trường hợp quân nhân nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động, thì phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu đi 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận