Vì thế, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tạo bước đột phá về phát triển. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những nỗi lo.
Cán mốc 100 triệu dân, Việt Nam thuộc vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đặt đất nước trước hai trang thái: vừa mừng, vừa lo.
Mừng vì Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 68 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ dân số trẻ cũng ở mức cao nhất trong lịch sử khi có 21,1% dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24.
Đây là cơ hội “chỉ có một”, không bao giờ lặp lại, để có thể tạo những đột phá kinh tế bằng việc tận dụng được tối đa lực lượng lao động dồi dào.
Nhưng 100 triệu người không đơn thuần là câu chuyện sẵn người làm việc. Cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu như chúng ta không biến cơ cấu dân số vàng thành chất lượng dân số vàng.
Nên lo cũng vì lẽ thế!
Hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Campuchia, Myanmar và Lào, thấp hơn nhiều so với Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 2019, toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, nguồn lao động tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Trong khi đó, năng suất lao động, kỹ thuật nhân lực cao mới chính là “chìa khóa” dẫn đến sự thịnh vượng của một quốc gia.
Chúng ta không còn nhiều thời gian khi thời kỳ dân số vàng dự kiến chỉ kéo dài đến năm 2039. Chỉ có 16 năm để biến cơ hội thành đột phá chiến lược phát triển. Liệu có kịp? Nghịch cảnh “chưa giàu đã già” có xảy ra? Câu trả lời nằm ở chiến lược đào tạo, phát triển nhân lực hiện nay cần thay đổi để bắt nhịp được nhu cầu và xoay chuyển được tình thế.
Dân số đông cũng tạo áp lực lên tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng, các vấn đề an sinh xã hội và công ăn việc làm. Vậy chúng ta đã chuẩn bị gì cho điều này? Dường như là chưa nhiều.
Nói riêng về áp lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đã đạt 73,6 (cao hơn nhiều so với trước kia) nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Gánh nặng bệnh tật của người già chắc chắn là một vấn đề rất lớn khi dự kiến 20 năm nữa, 1/4 dân số là người trên 60 tuổi. Thế nhưng cả nước hiện chỉ có duy nhất một Bệnh viện lão khoa Trung ương chuyên điều trị, chăm sóc người cao tuổi, số lượng y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về lão khoa cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cùng với những áp lực về chăm sóc sức khỏe, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cũng là một thách thức, nhất là với thực trạng lao động trẻ có ít việc làm, thu nhập thấp khó có tích lũy chuẩn bị cho tuổi già. Thực tế này sẽ tạo gánh nặng lớn cho hệ thống an sinh xã hội và thuế trong tương lai.
Ngoài ra, đến năm 2034 dự báo Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059. Hàng loạt các vấn đề xã hội sẽ nảy sinh từ hệ quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Con người sinh sôi vô hạn nhưng tài nguyên là có hạn, đó là quy luật tất yếu. Môi trường, đất đai, nước, năng lượng... ắt có ngày cạn kiệt nếu như không được quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững hơn.
Nhưng xét đến cùng, mừng và lo chính là mâu thuẫn, là động lực của sự phát triển. Nhìn ra cơ hội và biến thách thức thành hành động, biến áp lực thành sức bật để dấu mốc 100 triệu dân không đơn thuần là câu chuyện sẵn người làm việc./.
Thanh Phượng/VOV2