Việc Bộ GTVT đang lấy ý kiến để xây dựng phương án thu phí 9 đoạn, tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đa số bày tỏ, mức phí cần hài hòa để người dân, doanh nghiệp chấp nhận được.
Áp dụng thí điểm thu phí trong 5 năm
Sau khi khánh thành, đưa vào sử dụng một số đoạn, tuyến cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 được thực hiện thí điểm thu phí.
Cụ thể, ngoài cao tốc TP.HCM - Trung Lương, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.
Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm.
Về phương pháp tổ chức thu phí, kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn/tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước.
Bộ GTVT kiến nghị đầu tiên sẽ thực hiện thu phí với 9 đoạn đầu tư công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thi công. Sau đó sẽ tính tới việc thu phí các cao tốc đầu tư công khác. Bộ GTVT cũng đưa ra dự kiến mức phí có thể từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi) và tính toán có thể thu về ngân sách tại 9 đoạn cao tốc trên khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Sự việc được người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội vận tải rất quan tâm. Việc thu phí các tuyến đường do Nhà nước đầu tư là việc liên quan đến Luật Phí và lệ phí, do đó phải được Quốc hội chính thức thông qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư là hợp lý nhưng cần xem xét mức thu sao cho phù hợp, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước-người dân.
Thu phí cao tốc là hợp lý nhưng nên vừa phải
Theo anh Vũ Nam Chung (Hoàng Mai, Hà Nội) chạy xe tải tuyến Bắc-Nam thì việc rhu phí đường cao tốc là cần thiết. Bởi hiện nay các tuyến cao tốc đều là đường mới, cũng có quốc lộ, tỉnh lộ song song, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn tuyến không thu phí để di chuyển. Hơn nữa, ciệc thu phí là phù hợp, nhằm có thêm kinh phí đầu tư các tuyến cao tốc khác.
“Tôi đồng ý nên thu phí các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để lấy tiền đó tiếp tục đầu tư các đường cao tốc khác. Để đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, các bộ, ngành liên quan cần có phương án xây dựng các tuyến cao tốc trọng điểm trên toàn quốc. Có như vậy, tuyến giao thông trục Bắc-Nam mới trở thành trục xương sống của nền kinh tế đất nước”, anh Chung nói.
Tương tự, anh Lê Vũ Bảo Minh (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, một tuần anh có vài chuyến hàng hoa quả từ Tiền Giang ra chợ đầu mối Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội, với các mặt hàng khác thì không nói, nhưng với hàng hóa như hoa quả, thực phẩm mà có đường cao tốc chở ra được nhanh nhất để bán hàng thì không những không bị hư hỏng mà còn bán được giá cao. Vậy nên anh ủng hộ Nhà nước đầu tư cao tốc và thu phí.
“Có cao tốc vận chuyển hàng hóa được nhanh hơn, thuận tiện hơn, đó là mong muốn của những người làm nghề vận chuyển như chúng tôi. Tất nhiên, đi cao tốc sẽ mất phí, việc thu phí cao sẽ đẩy giá thành sản xuất lên. Tuy nhiên, ai muốn đi nhanh hơn, hay chọn đường đẹp hơn thì chọn cao tốc. Chi phí để bảo trì đường cao tốc rất lớn, nếu không thu phí sẽ như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xe đi vào quá nhiều làm đường xuống cấp nhanh, làm giảm hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, thu phí để tạo nguồn đầu tư mở rộng, sửa chữa các tuyến đường khác…”, anh Minh bày tỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay chưa hết khó khăn và còn nhiều tiềm ẩn suy thoái của thế giới. Vì thế, chúng ta cần cân nhắc về mức phí sao cho phù hợp để việc đầu tư các tuyến cao tốc của tư nhân hay Nhà nước đạt hiệu quả ổn định.
Anh Nguyễn Văn Bằng-lái xe tải Bắc-Nam cho rằng, đường cao tốc Bắc - Nam có đoạn do Nhà nước đầu tư 100% bằng ngân sách, có đoạn hợp tác công tư do doanh nghiệp cùng bỏ vốn đầu tư. Do đó, cần có phương án thu phí phù hợp để hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Quan trọng là đừng quá cao người dân không thể chấp nhận được.
“Tôi cũng ủng hộ việc thu phí nhưng trong thời gian thu phí thì nên xem xét bỏ phí sử dụng đường bộ khi đi đăng kiểm xe. Hiện nay, chủ ô tô phải đóng các loại phí trên mà còn phải đóng thêm phí khi đi vào đường cao tốc thì người dân và doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ khi thu phí phải tính toán sao cho có mức thu hợp lý để vừa có lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Nhà nước lại có nguồn thu để phát triển nền kinh tế của đất nước”, anh Bằng bày tỏ.
Cần hoàn thiện pháp lý, đừng "tận thu" quá cao
Ông Nguyễn Văn Quyền-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, gần đây dư luận rất quan tâm vấn đề thu phí cao tốc đường bộ do Nhà nước đầu tư. Đây là vấn đề liên quan đến Luật Phí; lệ phí do đó phải được Quốc hội chính thức thông qua.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, ông đồng tình với đề xuất này. Về bản chất, đường do Nhà nước đầu tư là tài sản của Nhà nước, việc thu phí để có ngân sách phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng đường.
Nhưng cần lưu ý, việc thu phí cao tốc đường bộ do Nhà nước làm chủ đầu tư cần xem xét cụ thể từng tuyến đường. Ví dụ, nếu thu phí mà gây hệ quả là phương tiện dồn vào tuyến đường khác gây ùn tắc thì không nên thu. Hay trên tuyến huyết mạch như tuyến đi về các tỉnh miền Tây nơi nhà nước đang cần thu hút đầu tư vào khu vực này cũng không nên thu...
“Hiện số tiền phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng và ngân sách cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Với định mức bảo trì rất cao, việc bảo trì hàng nghìn km đường cao tốc sẽ là một gánh nặng lớn đối với ngân sách.
Do là đường có thu phí nên song song với các tuyến đường mới, phải có đường cũ song hành để người dân lựa chọn. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có mức thu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Cần nghiên cứu kỹ cách thức thu ra sao, có giống như các dự án BOT hay không vì đây là dự án do Nhà nước đầu tư”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.HCM Lê Trung Tính cho rằng, việc thu phí 9 đoạn, tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì khối doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải rất hoan nghênh. Đây cũng là cú hích giúp ngành vận tải hoạt động được thuận lợi và kinh tế hơn nữa. Bởi 9 đoạn đường cao tốc này được đưa vào hoạt động thì giới vận tải được hưởng lợi như tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận tải.
Ông Tín phân tích, về nguyên tắc đã bỏ tiền ra đầu tư thì phải thu hồi vốn và đây là nguyên tắc chung của bất cứ dự án nào. Vì thế, Bộ GTVT đặt vấn đề thu phí là hợp lý.
Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh pháp luật thì đối với nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư các công trình công cộng thì phải thu hồi vốn như là BOT. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, tức nguồn thuế của người dân đóng góp về nguyên lý sẽ không phải thu khoản nào cả.
“Vì việc thu phí đối với nguồn vốn của Nhà nước chưa được pháp luật quy định nên tôi cho rằng cách mà Bộ GTVT đặt vấn đề xin ý kiến trước khi cho thí điểm là phù hợp. Để việc thu phí hợp lý và đúng quy định thì Bộ GTVT nên cẩn trọng, xin ý kiến của cơ quan lập pháp hay cơ quan có thẩm quyền trước khi thực hiện.
Mặt khác, việc thu phí không nên thực hiện ngay mà để một thời điểm khác bởi hiện nay ngành vận tải đang gặp khó khăn vì vừa trải qua ba năm đại dịch Covid-19 chưa phục hồi kịp. Riêng về mức thu phải vừa phải để vừa sức chịu đựng của doanh nghiệp và có thể kéo dài thời gian thu để mức thu thấp xuống…”, ông Tín đề đạt./.
Phi Long/VOV.VN