Trong thời gian qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sau những vụ cháy nổ nghiêm trọng, người dân băn khoăn, vì sao những công trình tiềm ẩn mất an toàn cháy nổ ngay từ thiết kế này lại vẫn được xây? Vì sao không chuẩn hóa yêu cầu phòng cháy chữa cháy ngay từ đầu, để ngăn ngừa hậu quả?
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đức (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới xây dựng xong ngôi nhà 4 tầng, tuy nhiên tôi vừa vui mừng, nhưng cũng lo lắng vì ngôi nhà của tôi chỉ có một lối thoát hiểm từ cửa chính ra vào tầng 1, các tầng khác đa số đều được gia cố bằng các song sắt kiên cố chống trộm. Không chỉ gia đình tôi, mà những nhà xung quanh cũng đều làm như vậy. Khi xin giấy phép xây dựng, đơn vị cấp phép chỉ yêu cầu báo cáo về xây dựng, còn phòng cháy chữa cháy, không thấy nói đến. Tất cả các nhà trong khu vực đều tận dụng tối đa diện tích để xây nhà, hầu như không quan tâm đến việc đó".
Cũng giống như nhà ông Đức, nhà bà Nguyễn Thị Ngoan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng xây kín hết diện tích đất, 4 mặt quây kín bằng hệ thống tường, bê tông kiên cố, thậm chí là hệ thống "chuồng cọp" tại cửa sổ, ban công.
"Hầu như tất cả những nhà ống trong khu dân cư hiện nay như nhà bà đều lo ngại bị tội phạm đột nhập hay trộm cắp tài sản nên thường xây kín đáo, khóa cửa nhiều lớp, không làm lối lên mái hay cửa hậu và quây kín ban công bằng khung sắt kiên cố...", bà Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ.
Hiện nay, theo Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản liên quan, trong khi Quy chuẩn số 06/2021 của Bộ Xây dựng cũng không bắt buộc áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống. Vì vậy, rất nhiều nhà riêng lẻ, nhà ống không có các phương án phòng cháy và thoát hiểm.
Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết: “Hiện nay nhà dân không được xếp vào loại hình cơ sở quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Theo Quy chuẩn số 06/2021 của Bộ Xây dựng, từ 7 tầng trở lên sẽ yêu cầu có thiết kế phòng cháy chữa cháy, có biện pháp phòng cháy chữa cháy, còn 6 tầng trở xuống thì không có yêu cầu đó. Đối với văn phòng, trụ sở làm việc có sức chứa nhiều người và thường xuyên mới có yêu cầu đó”.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, đặc trưng của các đô thị của Việt Nam chủ yếu là nhà ống, diện tích nhỏ. Mặc dù Luật Phòng cháy có quy định về yêu cầu phòng cháy, nhưng mới chỉ quy định chung về điều kiện phòng cháy, cũng như nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ, chứ chưa quy định cụ thể những nội dung bắt buộc áp dụng.
"Hiện tại Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng quy định về dạng nhà ống này nhưng gặp không ít những khó khăn. Cụ thể như kiến trúc đô thị của Việt Nam khá đặc thù, nhiều ngôi nhà trong phố cổ, chật hẹp hay những ngôi nhà trong ngõ, hẻm sâu cay, rất khó để xây dựng các quy định, giải pháp…", Trung tá Lê Minh Hải nêu quan điểm../.
Văn Ngân/VOV.VN