'Ngột ngạt' những chuồng trại chậm di dời khỏi khu dân cư

  • 08/05/2023 10:09:10
  • Minh Hiếu
  • Xã hội
  • 0

Tình trạng hàng nghìn chuồng trại vẫn tồn tại trong các khu dân cư, kéo theo nhiều phiền toái, nỗi lo về y tế, môi trường.

 

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn. Hà Nội cũng đã triển khai Nghị quyết 02/2020 được gần 3 năm, giúp giảm đáng kể tổng đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hàng nghìn chuồng trại vẫn tồn tại trong các khu dân cư, kéo theo nhiều phiền toái, nỗi lo về y tế, môi trường.

Anh N. T. Đ ở TDP Ngọc Đại, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một hộ nuôi lợn giữa khu dân cư:

"Những buổi sáng ông ấy đốt củi nấu rượu thì khói um tùm, sau đó là đến mùi của những con lợn, ruồi muỗi và mùi kinh khủng khiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân xung quanh. Từ năm 2019, gần 50 - 60 hộ dân đã làm đơn gửi lên UBND phường Đại Mỗ.

Hà Nội đã triển khai Nghị quyết 02 được gần 3 năm, giúp giảm đáng kể tổng đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hàng nghìn chuồng trại vẫn tồn tại trong các khu dân cư. (Ảnh minh họa: Kinh tế Đô thị)Phường cũng cử cán bộ xuống làm việc nhưng đến thời điểm này gần như không có gì thay đổi. Khu dân cư rất là bức xúc với cách làm việc của phường và ý thức của hộ chăn nuôi này".

Ông Chương, chủ hộ chăn nuôi tại TDP Ngọc Đại phân trần, nghề nấu rượu, nuôi lợn đã được gia đình ông duy trì hai chục năm nay. Nốt lứa lợn hiện tại, ông sẽ không chăn nuôi nữa, dù chưa biết làm gì để có thêm thu nhập ở tuổi bảy mươi:

"Bây giờ cấm thì bà con sẽ chấp hành. Nhưng tuổi này chẳng biết kiếm kế sinh nhai gì nữa. Bây giờ chỉ mong cấp trên tạo điều kiện cho bà con, những người không có lương mà đồng ruộng thu hồi hết".

Không chỉ Đại Mỗ mà nhiều khu vực khác ở Hà Nội cũng đang tồn tại các cơ sở chăn nuôi giữa khu dân cư. Phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm còn hơn 100 hộ chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn tận dụng phụ phẩm nghề làm đậu và nấu rượu. Tại thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, những người chăn nuôi lợn chủ yếu là người trung tuổi, không có nghề nghiệp khác.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 02/2020 tại 12 quận, huyện, thị xã có vùng không được phép chăn nuôi, số hộ chăn nuôi và tổng đàn gia súc, gia cầm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số khu vực có tỷ lệ giảm chậm như Bắc Từ Liêm (giảm khoảng 28% số con), Hà Đông (giảm khoảng 32%).

Tại địa bàn các huyện mới lên quận hoặc các huyện có tốc độ đô thị hóa và mật độ dân cư cao, dù chuồng trại còn không nhiều nhưng việc nằm giữa khu dân cư đã gây ảnh hưởng rất lớn, trong bối cảnh không khí và nguồn nước đã sẵn ô nhiễm. Anh Nguyễn Văn Dần, ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh rất ủng hộ chủ trương di dời cơ sở chăn nuôi khỏi khu dân cư:

"Chỉ còn vài ba nhà nuôi thôi còn đâu gần như bỏ hết rồi, vì thực ra chăn nuôi bây giờ lợi nhuận không được bao nhiêu. Nếu có trong khu dân cư thì phải di dời thật, nuôi gia súc, gia cầm nó rất mùi, bẩn. Nhà nước có chủ trương quy hoạch các khu cho người dân chăn nuôi là đúng".

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Luật Chăn nuôi đã được xây dựng kỹ lưỡng trong nhiều năm, có tính khả thi và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế, xã hội hiện tại và tương lai hội nhập quốc tế.

Sau khi luật có hiệu lực năm 2020, các tỉnh thành đã có nghị quyết quy định vùng không được phép chăn nuôi, chính sách và lộ trình di dời. Chủ trương đã có nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của một số bộ, ngành, địa phương, trong bối cảnh khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi và sau đó là dịch Covid-19.

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi như một cuộc ''đại di dời'' của ngành nông nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. (Ảnh minh họa: VGP)Ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quỹ đất đảm bảo đủ các điều kiện cho chăn nuôi, có thể lên đến hàng nghìn ha với một tỉnh. Cùng với đó là nguồn lực đầu tư rất lớn, lên tới cả tỷ đồng để di chuyển một trang trại lợn.

Mốc thời gian 2025 là thách thức nhưng các địa phương vẫn phải thực hiện vì đây là quy định của pháp luật, để đảm bảo các yêu cầu về môi trường, y tế, tạo tiền đề cho sự phát triển của chính ngành chăn nuôi và các ngành kinh tế khác:

"Thứ nhất là dành đất, trong Luật Đất đai sửa đổi lần này, Hội Chăn nuôi Việt Nam và các hiệp hội cũng đã có ý kiến là dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung là đất có thể xây dựng chuồng trại lâu dài, kiểm soát dịch bệnh, môi trường, để người ta yên tâm đầu tư. Phải đưa vào khái niệm thế nào là đất dành cho chăn nuôi tập trung.

Thứ hai cần những chính sách cụ thể để thực thi ngay Luật Chăn nuôi, bởi di dời chăn nuôi rất tốn kém, tôi cho rằng đây là cuộc “đại di dời” trong sản xuất nông nghiệp, vì cần khối lượng tài chính rất lớn. Nếu ai chăn nuôi đủ điều kiện thì ta ủng hộ, nếu không thì tạo điều kiện cho họ chuyển sang nghề khác.

Cuối cùng là tuyên truyền, vận động, để cho người chăn nuôi và các cấp, các ngành thấy đây là chủ trương lớn, không chỉ của riêng ngành nông nghiệp. Các cơ sở chăn nuôi đã đủ điều kiện di dời mà không di dời thì chúng ta phải xử lý nghiêm".

Đồng tình với chủ trương và giải pháp thúc đẩy việc di dời cơ sở chăn nuôi khỏi khu vực không được phép, PGS. TS. Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội thú y Việt Nam nhấn mạnh về chính sách hỗ trợ tài chính và sinh kế cho người chăn nuôi:

"Ngành chăn nuôi Việt Nam có truyền thống chăn nuôi nhỏ lẻ, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân, tận dụng nguồn đầu tư ít ỏi thuộc gia đình, gia trại, tận dụng năng lực sản xuất của một số nguồn lực nhàn rỗi như những người già về hưu, học sinh tranh thủ giúp đỡ gia đình.

Chúng ta phải có chính sách tạo điều kiện cho người nông dân có vốn. Sự đồng bộ của cả người chăn nuôi, chính quyền các cấp và chính sách của Chính phủ là sự song hành để thực hiện Luật Chăn nuôi".

Ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã tạo sinh kế cho khoảng 10 triệu người, đóng góp khoảng 25% vào GDP ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán không còn phù hợp với bối cảnh nhiều dịch bệnh khó lường và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường ngày càng cao.

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi như một cuộc “đại di dời” của ngành nông nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương khi mốc thời gian 2025 không còn xa.

Chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, chuồng trại ngay tại nơi sinh sống là tập quán được hình thành từ hàng nghìn năm nay của người Việt. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập, hình thức này còn giúp các gia đình tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi và tận dụng các phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp.

Vì là tập quán lâu đời nên việc thay đổi không dễ dàng, nhưng có một yếu tố khách quan đang tác động mạnh mẽ là quá trình đô thị hóa. Với sự mở rộng nhanh chóng của các đô thị, quỹ đất dành cho chăn nuôi dần thu hẹp.

Cần chú trọng những chính sách về tài chính để hỗ trợ nông dân chuyển đổi chuồng trại ra khu vực được phép nếu đủ điều kiện hoặc đào tạo, giới thiệu họ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. (Ảnh minh họa: NBTV)Các thế hệ sau không còn tiếp nối nghề nông của gia đình, bản thân những người làm chăn nuôi cũng chuyển sang nghề khác có thu nhập tốt hơn. Và khi xung quanh không còn nhiều chuồng trại, những người làm chăn nuôi còn sót lại phải chịu áp lực chuyển đổi từ hàng xóm, láng giềng do những ảnh hưởng lớn về môi trường, tiếng ồn, lo ngại về dịch bệnh,…

Nếu như quá trình đô thị hóa tác động mạnh mẽ đến việc chuyển đổi của ngành chăn nuôi thì dấu ấn quản lý của chính quyền các địa phương lại chưa rõ nét. Tại một số địa bàn “làng lên phố”, vẫn còn không ít hộ chăn nuôi gia đình lạc lõng giữa đô thị, khiến khu dân cư trở nên “ngột ngạt” vì ô nhiễm và mâu thuẫn với những người sống xung quanh.

Không ít trường hợp chính quyền địa phương lúng túng giải quyết mâu thuẫn, loay hoay hỗ trợ người dân, và những hành động được triển khai chủ yếu là tuyên truyền, áp đặt các mệnh lệnh hành chính. Người chăn nuôi buộc phải bỏ nghề và bất định về kế mưu sinh tương lai.

Đô thị là vậy, với địa bàn nông thôn thì việc chuyển đổi còn khó khăn hơn khi quỹ đất còn lớn, nghề nông vẫn là nghề nghiệp phổ biến. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu thì việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là xu thế tất yếu, không thể trì hoãn, không chỉ vì quy định của pháp luật, lợi ích của cộng đồng, mà còn là cơ hội để chính ngành chăn nuôi chuyển mình hiện đại hơn.

Thời hạn chỉ còn một năm rưỡi, nếu các ban, ngành, địa phương còn bàng quan, chần chừ thì “nước đến chân” sẽ không kịp “nhảy”, và mục tiêu di dời hoàn toàn chăn nuôi ra khỏi khu dân cư chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.

Việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện hành lang pháp lý. Luật Đất đai sửa đổi đang được xây dựng cần tiếp tục lắng nghe và tiếp thu góp ý, chỉnh sửa từ các hiệp hội, chuyên gia để có quy định cụ thể về quỹ đất dành cho đất chăn nuôi, tạo cơ sở hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung, chuyên nghiệp, lâu dài.

Với các tỉnh, thành phố, cần phân cấp triển khai theo nghị quyết đã ban hành, quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để thực hiện một cách quyết liệt. Trong đó, cần chú trọng những chính sách về tài chính để hỗ trợ người nông dân chuyển đổi chuồng trại ra khu vực được phép nếu đủ điều kiện; hoặc đào tạo, giới thiệu họ chuyển sang nghề khác phù hợp với bản thân và tình hình địa phương.

Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để người dân biết những quy định của pháp luật, hiểu những hệ lụy của việc chăn nuôi tại khu dân cư và lợi ích của việc di dời, chuyển đổi thành những trang trại tập trung, quy mô lớn.

Phổ biến thông tin trên phương tiện truyền thông, kết hợp cán bộ địa phương vận động đến từng gia đình, đi kèm công tác xử lý nghiêm vi phạm để người dân sớm thực hiện, tránh tâm lý chần chừ, mặc kệ “đến đâu hay đến đó”.

Với ngành nông nghiệp và tài nguyên - môi trường, cần phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện nếu nông dân muốn tiếp tục chăn nuôi; có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể về định hướng, kỹ thuật xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm đầu tư, sản xuất lâu dài.

Chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại và chuyên nghiệp đã có, vấn đề là cách tổ chức thực hiện. Di dời không chỉ là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, mà còn là cơ hội để các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của mình để điều chỉnh cho phù hợp, tập trung nguồn lực phát triển chăn nuôi bền vững, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân./.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận